Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng tìm mô hình công nghiệp mới (Tiếp theo và hết: Nhất thiết phải là dự án có công nghệ sạch)

Thứ năm, 11/04/2019 11:37

Quỹ đất hạn hẹp, chi phí giải phóng mặt bằng lớn, áp lực môi trường gia tăng, điều đó đòi hỏi các khu công nghiệp (KCN) mới phải theo hướng sinh thái, sử dụng công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao thay vì mục tiêu sử dụng lao động càng nhiều càng tốt.

Nhất thiết phải lựa chọn các dự án có công nghệ sạch, giá trị gia tăng cao. (Trong ảnh: Dự án sản xuất ô-tô Nisshan tại KCN Hòa Khánh mới được tăng vốn đầu tư).

Giải pháp cho các khu công nghiệp cũ

Hiện nay TP đang thực hiện lộ trình chuyển dần KCN An Đồn sang khu đô thị, đây là giải pháp hợp lý vì không thể tồn tại một KCN lọt thỏm giữa trung tâm, mâu thuẫn với khu vực phát triển du lịch trọng yếu của TP. Với KCN dịch vụ thủy sản (DVTS) Thọ Quang (50 ha) tuy nằm trong lòng đô thị, song liên quan tới nghề cá truyền thống của hàng ngàn ngư dân đòi hỏi phải duy trì. Nhưng việc duy trì phải chuyển hướng dần sang dịch vụ thương mại, du lịch thay vì chỉ chế xuất. Đặc biệt các yếu tố môi trường, nước thải phải được đầu tư hạ tầng, nâng cấp công nghệ xử lý, đảm bảo an toàn. Do lợi thế vị trí, có âu thuyền, cảng cá trung tâm của khu vực nên phát triển theo hướng dịch vụ thương mại, du lịch như nhiều TP cảng biển của các nước phát triển đang thực hiện, mang lại giá trị nguồn thu lớn. Đà Nẵng cũng có chủ trương kêu gọi đầu tư thành trung tâm nghề cá, xây dựng các hạng mục thương mại nghề cá, đảm bảo môi trường, trở thành điểm tham quan du lịch đặc trưng và hấp dẫn của địa phương.

Với các KCN khác cần khẩn trương chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái. Theo lộ trình, đặc thù, các KCN sẽ từng bước xử lý các vấn đề môi trường, công nghệ, để chuyển sang sản xuất sạch. Cụ thể với KCN Hòa Khánh, Hòa Cầm giáp khu dân cư, cần sắp xếp lại hoạt động của các dự án theo phân khu hợp lý, để tương hỗ cho nhau, tránh tình trạng sản xuất sữa cạnh nhà máy giấy, cơ khí. Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho rằng, điều quan trọng nhất là nước thải của các dự án phải quản chặt, theo tiêu chuẩn khắt khe. Còn các vấn đề bụi, tiếng ồn có thể không bố trí các dự án này ngoài vành đai KCN, giáp các khu dân cư mà đưa vào sâu bên trong. Đặc biệt với các DN sản xuất gây ô nhiễm như nấu luyện thép trong KCN cần từng bước yêu cầu chuyển đổi công nghệ hoặc tiến hành chấm dứt hoạt động khi hết thời hạn hợp đồng thuê đất, ưu tiên cho các dự án có công nghệ tốt hơn.

Trong việc thu hút dự án vào KCN cũng phải thay đổi quan điểm tiếp cận, hướng tới công nghệ sạch, giá trị gia tăng cao. Ông Lê Hoàng Đức nói, cách đây khoảng 20 năm, khi xây KCN Hòa Khánh chỉ mong có DN vào là mừng rồi, chưa chú trọng tới công nghệ, môi trường. Tuy nhiên sau quá trình hoạt động yêu cầu này trở nên khắt khe, hiện một số DN cũ còn tồn tại có công nghệ lạc hậu, chưa thể chuyển đổi, gây áp lực về môi trường. Đây là vấn đề lịch sử, cần có lộ trình chuyển đổi từng bước. Còn ông Đinh Duy Chính, Giám đốc Cty CP đầu tư KCN Hòa Cầm cho biết, trước đây quan điểm thu hút đầu tư ưu tiên DN sử dụng nhiều lao động, tuy nhiên từ năm 2012 chú trọng tới các DN có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao.

Nhất thiết phải công nghệ sạch

Môi trường đầu tư, sản xuất của các DN có công nghệ sạch, tiên tiến đòi hỏi phải gắn với yếu tố sinh thái, tiện ích. Điều này đặt ra quy hoạch, xây dựng các KCN mới cần tiếp cận xu hướng hiện đại. Mặt khác lao động trong các KCN mới có công nghệ tiên tiến không nhiều, nhưng là lao động chất lượng, năng suất cao đòi hỏi các tiện ích đi kèm phải đầy đủ, chất lượng hơn. Có thể hình dung mô hình này thông qua khu CNC hoặc khu CNTT tập trung của Đà Nẵng hiện nay. Ở các khu vực này, ngoài hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, tiêu chuẩn cao như giao thông nội bộ, xử lý môi trường, dịch vụ hậu cần (nhà xưởng, hải quan, viễn thông, an ninh…) thiết kế cấu trúc cảnh quan toàn khu cũng phải tạo không gian lý tưởng để làm việc. Ông Hồ Thuyên, Giám đốc BQL đầu tư xây dựng dự án khu CNC Đà Nẵng cho biết, hiện khoảng 46ha đất sản xuất tại Khu CNC được cho thuê (tỷ lệ lấp đầy hơn 25%), 30 ha đất phụ trợ cho thuê (tỷ lệ lấp đầy hơn 96%). Khu CNC đã xây dựng hoàn thành hệ thống giao thông, thoát nước, san nền, điện chiếu sáng, cấp nước trong toàn khu. Đặc biệt Nhà máy xử lý nước thải, công suất 4.500m3/ngày đêm chất lượng nước thải sau xử lý đạt loại B đã được đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Ở Khu CNC không chỉ sản xuất công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến mà còn là nơi ươm mầm sáng tạo, nghiên cứu sản phẩm, định hình là hạt nhân của trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoặc tại khu CNTT tập trung (Danang IT Park), không chỉ cung cấp hạ tầng sản xuất của DN mà được qui hoạch 8 phân khu chức năng (tổng diện tích 341ha) với cấu trúc như một đô thị CNTT thu nhỏ. Theo đó bao trùm toàn khu là không gian xanh, đường đi dạo quanh hồ nước, tiện nghi thể thao ngoài trời... Đặc biệt, tại đây chủ đầu tư còn xây sẵn tổ hợp văn phòng- trưng bày, hội chợ triển lãm trên diện tích hơn  87 ngàn m2, bao gồm tòa nhà Văn phòng, trụ sở làm việc 26 tầng, khu nhà chuyên gia  41 căn hộ liền kể, 5 chungcư cao từ 6-12 tầng.

Hiện nay TP đang thực hiện thủ tục chuẩn bị xây dựng 3 KCN mới gồm Hòa Nhơn 393 ha, Hòa Ninh 400 ha, Hòa Cầm (giai đoạn 2) 119 ha và các cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc. Ông Lê Hoàng Đức cho biết, các KCN mới này là nơi tiếp nhận công nghệ mới, ngành nghề mới, dây chuyền sản xuất mới với công nghệ tiên tiến. Trong đó sẽ hướng tới các dự án cơ khí chính xác, điện tử, công nghệ kỹ thuật cao. Chủ trương của TP là sẽ sử dụng hiệu quả hơn quỹ đất còn lại để thu hút có chọn lọc các dự án chất lượng cao.

Có thể nhận thấy chi phí đền bù giải tỏa hiện nay khá cao dẫn tới khó khăn trong thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN. Hơn nữa quỹ đất TP không còn nhiều, đòi hỏi việc sử dụng phải hiệu quả hơn. Từ thực tế đó, để có các KCN mới đòi hỏi cơ chế linh động hơn, hiệu quả đầu tư cao hơn. Ông Đinh Duy Chính đề xuất TP cần cho cơ chế giải tỏa đến đâu xây dựng hạ tầng đến đó, cho DN thuê ngay để thu hồi vốn cho nhà đầu tư hạ tầng, thay vì giải tỏa hết toàn bộ mới được phát triển hạ tầng, kéo dài thời gian, lãng phí hiệu quả sử dụng đất, phát sinh gia tăng chi phí.

Việc xây dựng các KCN, CNN để đáp ứng nhu cầu sản xuất của NĐT, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách bền vững cho TP là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên không vì thế mà phát triển mô hình các KCN theo hướng cũ vốn đã tồn tại nhiều bất cập, đang chịu nhiều sức ép. Căn cốt của các KCN vẫn là dự án, do vậy quan điểm thu hút dự án không phải “bằng mọi giá” mà chọn lọc dự án thực sự sạch, công nghệ tiên tiến.

HẢI QUỲNH