Đà Nẵng trước thách thức biến đổi khí hậu và đại dịch (Bài cuối: Thay đổi để thích ứng!)
Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị Việt Nam và những khu vực lân cận đang mang lại nhiều lợi ích song cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro đang diễn ra với tần suất ngày càng gia tăng như thiên tai, dịch bệnh và sự biến đổi về môi trường. Những diễn biến này cùng với các xu hướng kinh tế và môi trường toàn cầu làm xuất hiện những thách thức mới, đòi hỏi phải có cách tư duy mới, những thay đổi mang tính dẫn hướng trong quy hoạch, những thay đổi trong mô hình cư trú...
Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Đà Nẵng đã trưng dụng hàng trăm cơ sở, trong đó có các khu ký túc xá sinh viên làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến đầu.
Cần cân bằng bài toán trong sử dụng đất đai
Trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, việc trưng dụng các dự án nhà tái định cư, các trường học, sân vận động, khu liên hợp thể thao… để làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 cùng với việc phải đối mặt với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, cho thấy bài toán cân bằng nhu cầu sử dụng đất đai khi phải có không gian dự trữ, cần được sử dụng linh hoạt trong trường hợp xảy ra các rủi ro thiên tai, dịch bệnh với quy mô lớn là điều các nhà quy hoạch cần phải quan tâm trong quá trình lập quy hoạch và phát triển đô thị. Việc phân loại dự án đầu tư xây dựng sẽ giúp tạo cân bằng trong phát triển đô thị, chủ động tạo ra những khu vực an toàn, tiện lợi, sẵn sàng cho những tình huống đột biến, chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19.
KTS Trần Ngọc Chính cho rằng hiện nay, việc lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu nước biển dâng vào công tác lập, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đang từng bước được thiết lập. Tuy nhiên, việc lồng ghép, tích hợp yếu tố phòng chống dịch bệnh với thiên tai vào quá trình quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị còn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm... "Công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị tại các vùng có nguy cơ phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh đang đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể với cách tiếp cận mang tính bao trùm, tích hợp đa ngành dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về quy hoạch, xây dựng công trình… để đảm bảo có được các giải pháp quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh hướng tới phát triển bền vững", ông Chính nêu vấn đề.
Về quy hoạch ứng phó với dịch bệnh, ông Chính nhìn nhận, đại dịch COVID-19 bắt đầu từ cuối năm 2019 đến nay, đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết các đô thị ở Việt Nam. Qua đại dịch bùng phát lần thứ 4, đã bộc lộ một số hạn chế của các đô thị. Đó là trong quy hoạch và quy hoạch sử dụng đất chưa chú trọng quan tâm đến việc tách biệt các hoạt động có nguy cơ cao, chưa có quy hoạch dự trữ đất cho các dự án xây dựng liên quan đến phòng, chống dịch như các bệnh viện dã chiến, nơi cách ly tập trung cho các bệnh nhân mắc COVID.
Các quy định về không gian công cộng, không gian xanh, công viên và khu vui chơi giải trí, những khu vực được coi là "nơi trú ẩn" an toàn trong trường hợp khẩn cấp của người dân chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quy hoạch và quản lý chất thải y tế và rác thải sinh hoạt cũng chưa tính đến khả năng đáp ứng khi xảy ra đại dịch. Mạng lưới y tế cơ sở - một chức năng thiết yếu của quy hoạch đô thị, hiện phân bố không đồng đều giữa các đô thị, chủ yếu tập trung ở các trung tâm đô thị. Còn các cơ sở y tế, trung tâm y tế dự phòng ở địa bàn nông thôn, cấp xã phường còn thiếu và yếu…
Từ một số nhận định trên, ông Chính cho rằng, việc nhận diện một số vấn đề đang tồn tại từ thực trạng phát triển của các đô thị Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và dịch bệnh là những bài học quý cho các nhà quản lý, nhà quy hoạch và các kiến trúc sư trong việc đưa ra các giải pháp về khả năng chống chịu và thích ứng từ những thách thức kép của thiên tai và dịch bệnh. "Đã đến lúc quy hoạch và kiến trúc cần phải đáp ứng yêu cầu về sự an toàn và tính linh hoạt, tạo lập khả năng ứng phó kịp thời để có thể sớm phục hồi đô thị và thiết lập các trạng thái sống chung với các biến đổi của thiên tai và dịch bệnh trong tương lai", ông Chính nói.
Đổi mới tư duy quy hoạch và quản lý đô thị
Đồng quan điểm nêu trên, KTS Nguyễn Thanh Thảo (Công ty tư vấn thiết kế T&K) nhìn nhận, sự bùng phát dịch bệnh cũng như những diễn biến khó lường, phức tạp trong việc kiểm soát dịch bệnh đã làm bộc lộ nhiều bất cập về tư duy quy hoạch và quản lý đô thị, lối sống và cả văn hóa của nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Các cơ sở hạ tầng đô thị hiện chỉ bảo đảm việc phòng chống lụt, bão nhưng công tác phòng, chống COVID-19 đòi hỏi những tiêu chí, tiêu chuẩn dịch tễ chuyên ngành y tế. Các cơ sở cách ly y tế, nhà ở, lẫn địa điểm để doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" để vừa phòng, chống COVID-19, vừa sản xuất cần được cấu trúc lại để làm nơi cư trú an toàn cho cư dân và cộng đồng khi xảy ra dịch bệnh.
Ông Trần Văn Nam- Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng TP Đà Nẵng cho rằng, dịch bệnh khiến con người phải giãn cách và cách ly để an toàn. Đây cũng là thông điệp và xu hướng sắp tới của quy hoạch và thiết kế kiến trúc, xây dựng. "Đã đến lúc Bộ Xây dựng cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế kỹ thuật xây dựng để thực hiện. Việc hướng dẫn công tác quy hoạch, tư vấn thiết kế kiến trúc… cần phải giãn cách và giữ mật độ thấp để bảo đảm an toàn và tính linh hoạt, có thể sống chung với các biến đổi của thiên nhiên, dịch bệnh", ông Nam nói; đồng thời gợi mở, nên tập trung xây dựng các không gian thông thoáng tốt, nhiều cây xanh như những khu đô thị sinh thái và những công trình kiến trúc thân thiện môi trường, có đủ không gian xanh mặt nước cần thiết và ánh sáng mặt trời; không những là không gian tốt để sinh sống mà còn là nơi giúp tăng sức khỏe và sức đề kháng cho con người. Đặc biệt, phải tính toán lại công năng các công trình đầu tư xây dựng dân dụng lẫn công nghiệp. Ông Trần Văn Nam cũng nêu, các thiết kế kỹ thuật xây dựng cần thay đổi để thích ứng với dịch bệnh như COVID-19 thì phải tính toán phân lập hệ điều hòa trung tâm; ngăn phòng; căng-tin, lối đi lẫn điều hướng di chuyển trong và ngoài công trình...
Thiết nghĩ, để phát triển bền vững, giảm thiểu thảm họa thiên tai, dịch bệnh, công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
D.Hùng