Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng trước thách thức biến đổi khí hậu và đại dịch

Thứ bảy, 13/11/2021 18:23

Bài 1: Thành phố dễ bị tổn thương

Những năm gần đây, Việt Nam nói chung và một số địa phương khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng ngoài việc phải chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) thì còn bị tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Thiên tai, BĐKH và dịch bệnh đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những tác động khó lường và làm gia tăng mức độ khắc nghiệt của các vấn đề môi trường đô thị, thậm chí đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của không chỉ các địa phương nơi "khúc ruột miền Trung" này.

Bãi biển Đà Nẵng sạt lở nặng nề một phần do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.  Ảnh: C.Khanh

Tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu

Theo KTS Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam không còn là sự nhận diện mà là hệ lụy hiện hữu. Sau nhiều năm, những người trong vùng bị ảnh hưởng phải "oằn mình" để chống chịu hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở, nước biển dâng… thì đến nay người dân ở các khu vực này đã vào thế buộc phải quen dần để chuyển sang thích ứng. 

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn như Hà Nội,  TPHCM, Đà Nẵng… đã làm cho các đô thị của Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt ngày càng gia tăng do sự bê-tông hóa, mật độ xây dựng lớn, không gian công cộng dành cho giao thông và mảng xanh ngày càng bị thu hẹp... Ngoài ra, vấn nạn về ô nhiễm không khí, thu gom và xử lý nước thải, rác thải không được đảm bảo, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, có thể nói biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu là một thách thức lớn nhất của thời đại. 

Là TP ven biển, Đà Nẵng hiện đang đối mặt tình trạng nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực ở Đà Nẵng xảy ra nhiều hơn. Sự đe dọa của mực nước biển dâng lên các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển cũng thường xuyên hơn. Mặt khác, với vị trí nằm ở hạ lưu sông Vu Gia- Thu Bồn khiến Đà Nẵng trở thành một trong những TP dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của ngập lụt, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH hiện nay. Một vấn đề đã hiện hữu qua nhiều năm tại Đà Nẵng, đó là tình trạng cứ đến mùa mưa là ngập lụt cục bộ tại một số khu đô thị, tuyến đường trung tâm. Nguyên nhân được chỉ ra thì có nhiều, nhưng chủ yếu về khách quan là do lượng mưa lớn, còn về chủ quan là một phần do quy hoạch. 

Ông Nguyễn Cửu Loan- Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập cục bộ là do Đà Nẵng bùng nổ dân số, hạ tầng không theo kịp. Cùng với đó, BĐKH, nước biển dâng khiến nước rút chậm, trong khi vào mùa mưa, lượng nước đổ xuống rất lớn. Ngoài ra, một nguyên nhân cần phải nghiên cứu là tình trạng lún nền đất đô thị gây ra các vùng trũng, gây ngập úng… 

Thách thức lớn từ đại dịch COVID-19

Một thách thức lớn khác đang đe dọa đến toàn nhân loại trong thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI, đó là đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng không là ngoại lệ. KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, những gì đã trải qua đối với tất cả các quốc gia có dịch bệnh, đã buộc các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học phải xem xét một cách nghiêm túc về những yếu tố liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Trên thế giới những lần xảy ra dịch bệnh như dịch tả, dịch lao và gần đây nhất là dịch Sars cũng đã làm thay đổi trong quy hoạch đô thị nói chung và hạ tầng cơ sở nói riêng. 

Trở lại câu chuyện của Đà Nẵng, đầu tháng 8-2020, COVID-19 bùng phát, việc chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện công tác phòng, chống dịch là yêu cầu cấp bách đặt ra, trong đó có hình thành cơ sở y tế mới để phân luồng điều trị COVID-19 cho bệnh nhân khi các cơ sở y tế truyền thống phát sinh các ổ dịch. Cung Thể thao Tiên Sơn được chọn làm bệnh viện dã chiến để hình thành bệnh viện tuyến đầu phòng, chống dịch. Đây là cơ sở hạ tầng đô thị vốn phục vụ cho mục đích hoạt động văn hóa- thể dục- thể thao nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đã chuyển công năng, được trưng dụng hình thành mô hình bệnh viện dã chiến đầu tiên trong cả nước. 

Một năm sau đó, cuối tháng 7-2021, Đà Nẵng phải chống chịu một đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 mới. Từ kinh nghiệm thực tiễn, TP đã chọn Khu ký túc xá phía tây (số 507 Nguyễn Lương Bằng) làm bệnh viện dã chiến để thu dung, cách ly, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nhẹ, mức độ vừa, cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân nặng trước khi chuyển sang điều trị tích cực tại Bệnh viện Phổi. Việc hình thành các bệnh viện dã chiến đã trực tiếp chia sẻ hạ tầng y tế vốn còn hạn chế, bởi hiện nay trên địa bàn TP, việc thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 chỉ có 2 cơ sở là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Hòa Vang với quy mô 300 giường bệnh.

Ngoài 2 bệnh viện dã chiến có quy mô hàng ngàn giường bệnh được lập ra trên cơ sở trưng dụng hạ tầng sẵn có, Đà Nẵng cũng trưng dụng thêm hàng trăm khu nhà ở công nhân, ký túc xá sinh viên, trường học và có cả nguồn lực xã hội là cơ sở hạ tầng du lịch, doanh trại quân đội… để phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống COVID-19. 
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có ngành xây dựng và phát triển đô thị. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng mang lại những tác động tích cực như việc "giãn cách xã hội" đã giúp mọi người sống chậm lại, gần gũi nhau hơn; môi trường đô thị được cải thiện; cách thức làm việc trong hệ sinh thái công nghệ, chính phủ điện tử, thông minh, kinh tế số… được thúc đẩy nhanh hơn. 

"Một câu hỏi đặt ra là, thời gian tới, trong bối cảnh con người phải chấp nhận sống chung với thiên tai, dịch bệnh nói chung, đại dịch COVID-19 nói riêng, thì mô hình quy hoạch, tổ chức không gian đô thị như hiện nay liệu có bị tác động? Quá trình phát triển đô thị có cần được xem xét cả trên bình diện tiêu cực và tích cực?", KTS Trần Ngọc Chính đặt vấn đề.

(còn nữa)

D.HÙNG