Đà Nẵng tụt 2 bậc về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh
Theo kết quả công bố, với 87,54 điểm chỉ số tổng hợp, thành phố Đà Nẵng đứng thứ 5, loại B về chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2022, tụt 2 bậc so với năm 2021. Tỉnh Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 với kết quả đạt 90,10 điểm. Đây là lần thứ 5 địa phương này đạt ngôi vị quán quân bảng xếp hạng, như trước đó Đà Nẵng đã đạt được vào các năm từ 2012 đến 2016. Trong khi đó, với 90,09 điểm, Hải Phòng có lần thứ 10 liên tiếp nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu Chỉ số CCHC. Đứng cuối bảng xếp hạng là tỉnh Phú Yên, đạt 75,99%, thấp hơn 5,42% so với kết quả của tỉnh này trong năm 2021 và cũng thấp hơn 3,98% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng của năm 2021.
Ở khối các bộ, cơ quan ngang bộ, có 3/17 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2021, đó là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông. Có 14/17 đơn vị có giá trị PAR INDEX năm 2022 giảm so với năm 2021, trong đó, Bộ Ngoại giao có giá trị giảm nhiều nhất (-15,35%). Kết quả Chỉ số CCHC 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm, với 2 tỉnh, thành phố đạt loại A, từ 90% trở lên; 56 tỉnh, thành phố đạt chỉ số từ 80-90% và 5 tỉnh, thành phố đạt từ 70-80%.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, Chỉ số CCHC năm 2022 của các thành phố trực thuộc Trung ương là 84,79% và là năm thứ 4 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%. Năm 2022, các địa phương có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2021, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Điểm nổi bật là trong 5 năm liên tiếp cả nước không có địa phương nào đạt Chỉ số CCHC dưới 70%.
Được biết, chỉ số CCHC là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng 11 năm qua để giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công cụ này cũng giúp cho các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả tích cực, tồn tại hạn chế để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả CCHC hàng năm. Trong năm 2022, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá mới nhằm sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chí và phương pháp đánh giá cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC được Chính phủ giao. Cụ thể, chỉ số CCHC cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù, bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong số đó, có 31.50 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Chỉ số CCHC năm 2022 là kết quả khảo sát hơn 86.000 phiếu do Bộ Nội vụ tiến hành. Trong đó có 36.095 phiếu của người dân, 50.109 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý các cấp tại bộ, cơ quan, địa phương. Đây là cuộc điều tra xã hội học được tiến hành trên quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ cả người dân và cơ quan Nhà nước.
Đông A