Đà Nẵng: Tuyên dương 44 điển hình tiên tiến xây dựng đời sống văn hóa
Tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) giai đoạn 2000-2020 diễn ra sáng 1-12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: "Đây là buổi tổng kết quan trọng, một dấu ấn văn hóa của giai đoạn 20 năm; có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội, góp phần khẳng định vai trò và tầm quan trọng của văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh (phải) trao Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho 2 tập thể, 2 cá nhân vì thành tích xuất sắc trong Phong trào "TDĐKXDĐSVH" giai đoạn 2000-2020. |
Theo ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, Phong trào TDĐKXDĐSVH là một trong 4 nhóm giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với cả nước, Phong trào đã được triển khai tại TP Đà Nẵng từ năm 2000 đến nay trở thành cuộc vận động lớn, mang ý nghĩa sâu sắc, tác động toàn diện, lâu dài đến đời sống xã hội trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở những định hướng ban đầu của Trung ương, Đà Nẵng đã ban hành các chương trình dài hạn, phù hợp với phát triển của từng địa phương theo từng giai đoạn. Trong đó, giải pháp để đưa Phong trào lên một bước cao hơn chính là việc lồng ghép nội dung, hoạt động của Phong trào với các chương trình lớn của Đà Nẵng như: Chương trình "5 không", "3 có", "4 an", "Năm văn hóa, văn minh đô thị",... Đặc biệt, Đề án "Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị" đã bổ trợ, kết hợp để nâng cao hiệu quả hơn trong thực tiễn triển khai Phong trào.
Về kết quả thực hiện nội dung các Phong trào, ông Hà Vỹ cho biết, sau 20 năm, từ con số 95.306 hộ đạt gia đình văn hóa năm 2000, đến năm 2019 đã tăng lên 207.265 hộ đạt danh hiệu này tại Đà Nẵng. Về xây dựng Tổ dân phố/Thôn văn hóa, đến nay, toàn thành phố đã có 2.777/2.896 tổ dân phố, thôn đạt danh hiệu trên (so với năm 2000 tăng 76,65%). Năm 2003, toàn thành phố có 3 phường, xã đầu tiên đạt chuẩn văn hóa, đến nay đã có 45/56 phường, xã đạt danh hiệu "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị", "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới". Về vấn đề đầu tư hoàn chỉnh thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đến nay, 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao cơ bản hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã nỗ lực chung tay thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, thành phố có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 57 di tích cấp thành phố và 39 di tích nằm trong Danh mục kiểm kê. Các giá trị phi vật thể như: Nghệ thuật Bài Chòi, Nghề điêu khắc đá Mỹ nghệ Non Nước, Lễ Hội Cầu ngư, Nghề làm nước mắm Nam Ô,... đã được quan tâm phục hồi.
40 điển hình tiên tiến trong Phong trào "TDĐKXDĐSVH" giai đoạn 2000-2020 nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. |
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các ngành, hội, đoàn thể, các địa phương, các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn thành phố. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, bên cạnh những thành quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Phong trào những năm qua, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chưa sâu sát, thường xuyên nên chất lượng đời sống văn hóa ở nhiều địa bàn dân cư còn có những hạn chế và chậm được phát triển. Đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội có mặt xuống cấp; văn hóa ứng xử, văn hóa gia đình, văn hóa công vụ, lối sống, nếp sống và môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc đầu tư dành nguồn lực cho phát triển văn hóa còn hạn hẹp, nhất là ở cấp quận, huyện, phường, xã...
"Tất cả những điều đó cần phải được nhìn nhận, đánh giá lại một cách nghiêm túc, với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, qua đó đề ra định hướng phát triển đúng đắn trong tương lai. Trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về hành chính, kinh tế, đặc biệt coi trọng giải pháp vận động, giáo dục, thuyết phục nhằm giải quyết những hạn chế của giai đoạn trước, góp phần đưa Phong trào phát triển sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thành phố phát triển toàn diện. Đó chính là mục tiêu cao nhất, có ý nghĩa nhất mà chúng ta cần xác định rõ và hướng đến trong việc triển khai Phong trào", ông Lê Trung Chinh chỉ đạo.
Trong khuôn khổ buổi Lễ, Ban Tổ chức quyết định trao Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho 2 tập thể, 2 cá nhân; trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho 24 tập thể, 6 gia đình, 10 cá nhân vì đã có những thành tích xuất sắc trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2020.
Ngọc Quốc