Đà Nẵng và mệnh đề phát triển kinh tế đêm
Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là "thành phố đáng sống", những ngày vừa qua lại xôn xao với phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, về việc chú trọng phát triển kinh tế đêm.
Đối với các thành phố lớn, thực chất việc hưởng thụ dịch vụ, mua sắm của người dân, du khách chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Thời gian sau 18 giờ là thời điểm đa số người lao động, công chức, viên chức, công nhân, thợ thủ công... và nhiều tầng lớp xã hội nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả, bắt đầu quá trình thư giãn, hưởng thụ cùng bạn bè và gia đình. Thúc đẩy phát triển kinh tế đêm thực chất là vấn đề làm sao thu hút hấp dẫn nhân dân và du khách ra đường, vui chơi, tham gia vào các hoạt động dịch vụ, mua sắm, và quan trọng hơn là kéo dài thời gian sử dụng dịch vụ, mua sắm của họ đến một mốc thời gian phù hợp, không đình chỉ dịch vụ quá sớm như trước đây. Phát triển kinh tế đêm là công cuộc cải tạo thói quen tiêu dùng và sinh hoạt của cả một cộng đồng, nên nó cần được tiến hành một cách nhất quán, có mục tiêu và đánh giá mục tiêu cụ thể, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” nhưng lại mất kiểm soát về hiệu quả và chất lượng.
Nhiều thành phố lớn trên thế giới có các khu vực nổi tiếng sinh hoạt về đêm. Ở đó mọi người có thể thưởng thức ẩm thực, mua sắm, thưởng thức nghệ thuật, thư giãn, xem phim, đi dạo ngắm cảnh và tận hưởng không khí phố phường. Bài toán đầu tiên được đặt ra trước việc chọn lựa mô hình, chọn lựa dịch vụ, kiểm tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự... chính là vấn đề quy hoạch các địa điểm làm khu vực phát triển kinh tế đêm.
Đối với Đà Nẵng, lý tưởng nhất vẫn là các khu vực trung tâm ven sông Hàn và các khu vực đã sớm hình thành các dịch vụ giải trí cộng đồng ven biển. Ở đối tượng số 1 hoàn toàn có thể xây dựng các phố đi bộ mua sắm như phố Nguyễn Huệ - thành phố Hồ Chí Minh với nhiều cụm điểm dịch vụ đa dạng, hấp dẫn tại các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo quanh vị trí cầu Sông Hàn và cầu Rồng. Ở đối tượng số 2 là những khu vui chơi, thưởng thức nghệ thuật - ẩm thực ven biển đã sơ bộ hình thành và có uy tín. Đây, tất nhiên, là những tiền đề lý tưởng về địa lợi để thành phố xem xét trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của mình.
Một ví dụ khá điển hình về tình trạng phát triển “cầm chừng”, thiếu đột phá trong hoạch định phát triển kinh tế về đêm có thể nói đến là sân khấu cộng đồng BNF tại Công viên biển Đông, Q. Sơn Trà. Ông Phùng Văn Thuận – Giám đốc Công ty CP Bảo Nguyên Food & Event, đơn vị đầu tư, quản lý và khai thác sân khấu cộng đồng BNF cho biết: Sân khấu được đầu tư từ 2015 đến nay, qua nhiều quá trình nâng cấp để tăng cường chất lượng phục vụ người dân và du khách đã hút hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn của công ty. Chúng tôi đã phục vụ nhiều chương trình hàng đêm, chỉ trừ những ngày mưa bão quá khắc nghiệt sân khấu mới ngừng phục vụ, qua đó đón tiếp hàng triệu lượt khách tham quan và thưởng thức chương trình. Bên cạnh đó, sân khấu còn phối hợp và hỗ trợ các cơ quan trung ương, Thành ủy – UBND – HĐND, các cơ quan thành phố, các sở ban ngành, các đoàn thể và các hội trên địa bàn trong nhiều sự kiện, chương trình có ý nghĩa cộng đồng.
Đóng góp của sân khấu BNF cho phong trào trên địa bàn thành phố đến nay khá lớn. Thế nhưng, do một số hạn chế về cơ chế, nhiều lần công ty có các đề xuất, giải pháp để khai thác địa điểm thành khu vui chơi, giải trí, mua sắm mang lại nhiều lợi ích hơn cho thành phố đều chưa được phê chuẩn. Ông Thuận cho rằng, để có thể hoạt động tốt hơn, phục vụ người dân và du khách tích cực hơn, công ty rất mong thành phố xem xét để có thể biến nơi đây thành địa điểm phát triển kinh tế đêm hấp dẫn, quyến rũ nhưng vẫn bảo đảm các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Điều này rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay”.
Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế đêm, với mục tiêu xã hội hóa, Đà Nẵng rất cần và nên có những cuộc gặp, những hội thảo cùng những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, ở khung thời gian này. Chỉ có những con người từng trải nghiệm hoàn cảnh và môi trường kinh doanh đó mới có thể chỉ ra những bất cập trong cơ chế, những gì còn cần phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp. Họ có thể mô tả thực trạng, và đề xuất các giải pháp để thành phố xem xét, nghiên cứu nhằm đưa ra biện pháp chính xác và phù hợp trong mục tiêu phát triển kinh tế đêm.
NAM AN