Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng “vào vụ” chống ngập

Thứ tư, 16/09/2015 07:27

(Cadn.com.vn) - Trong thời gian qua, ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nạo vét, khơi thông và xóa nhiều điểm ngập úng nhưng sau bài test hôm 14-9, TP Đà Nẵng sẽ bước vào mùa... chống ngập với rất nhiều âu lo tại các khu dân cư, thậm chí là trên nhiều tuyến phố chính.

SỢ KIỂU MƯA… TRÚT NƯỚC

Chỉ khoảng chưa tới 1 giờ đồng hồ mưa liên tục trong buổi trưa 14-9 vừa qua, hàng chục điểm ngập úng trên địa bàn TP Đà Nẵng nhanh chóng trở thành “biển nước” khiến người dân trở tay không kịp. Người đi làm về, đi đón con chạy bão ở các trường học gần điểm ngập úng đã phải khổ sở mò mẫm từng mét đường, các hộ dân sống trong khu vực ngập úng như bị cô lập, giao thông nhiều đoạn tắc nghẽn cục bộ, người tham gia giao thông bị sa lầy vì xe chết máy. Ngay nội thành, tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Hàm Nghi, ngã tư Hoàng Hoa Thám – Hùng Vương, Lê Duẩn, khu vực đường Đỗ Quang, đường Quang Trung, đường Hải Hồ…, nước dâng cao từ vài chục phân đến gần ngập bánh xe chỉ trong một thời gian ngắn.

Ngập úng kéo dài ngày 14-9 trên đường Núi Thành. Ảnh: Xuân Đương

Ông Mai Mã – Giám đốc Cty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, cơn mưa không kéo dài nhưng lớn và liên tục vào trưa 14-9 là phép thử cho khả năng chống ngập úng của Đà Nẵng vào mùa mưa năm nay. Dù số điểm ngập úng đã được hạn chế, khả năng thoát nước được cải thiện nhưng với lượng mưa từ 100-150mm như vừa qua, ngoài nhiều khu vực nội thành bị ngập sâu thì vùng ven cũng chung hoàn cảnh. Các khu vực như tổ 5, 6, 7, 14 thuộc khu vực Đà Sơn, ngã ba Nguyễn Lương Bằng – Cơ khí (Q. Liên Chiểu), khu vực Đông Trà, ven đường Ngũ Hành Sơn (Q. Ngũ Hành Sơn), ngã tư Huỳnh Ngọc Lãm – Lê Tấn Trung, đường Hà Thị Thân, chợ Bà Kỷ (Q. Sơn Trà)… đều bị ngập sâu, có nơi vượt hơn 70cm. Đợt mưa lớn trong bão số 3, thành phố có khoảng 20 điểm ngập. Hầu hết khi mưa nhỏ lại và tạnh dần thì nước rút trong khoảng nửa tiếng. Nhưng cá biệt vẫn còn một số khu vực nước thoát rất chậm, thậm chí có điểm do cửa thoát nước bị các dự án chặn lại nên phải xử lý đến cuối ngày nước mới thoát hết”, ông Mã cho hay. Ngay trong sáng 15-9, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra hiện trường hệ thống cửa xả nước trong khu Đảo Xanh, nơi đã làm cho ngã tư đường 30-4 và Núi Thành bị ngập úng trong nhiều giờ đồng hồ. Theo ông Mai Mã, phía khu Đảo Xanh có 6 cửa xả để xử lý thoát nước cho khu vực đường Núi Thành nhưng một trong 6 cửa này đã bị chặn lại do thi công Dự án Công viên Châu Á.

Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố hiện còn 58 điểm ngập úng, giảm 37 điểm so với năm 2011. Trong đó có 9 điểm đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng, đang chờ kiểm nghiệm hiệu quả thoát nước trong mùa mưa năm nay để đưa ra khỏi danh mục nếu hết ngập. Các khu vực đang trở nên “nóng” hiện nay là đầu tuyến kênh Phần Lăng, tổ 36-39 An Hải Tây (gần Trung tâm hành chính Q. Sơn Trà), tổ 13, 14 phường Phước Mỹ, tổ 12 phường Mân Thái, tổ 5, 6, 7 phường Hòa Hải (phía Nam Trung tâm hành chính Q. Ngũ Hành Sơn), lân cận Bệnh viện Ung thư, tổ 114 Hòa Khánh Nam (phía Tây KDC Tân Cường Thành), đường Đàm Quang Trung (thuộc Khu tái định cư Hòa Hiệp 3), khu vực Khe Cạn, khu vực chỉnh trang dự án Khu vực Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm, khu vực lân cận Kênh Phong Bắc, P. Hòa Thọ Đông...

Công nhân Cty Thoát nước và xử lý nước thải khắc phục tình trạng tắc nghẽn
gây nên ngập úng cục bộ tại đường Quang Trung. Ảnh: Công Khanh

Một điều đáng lo ngại là hiện nay nhiều địa phương tại P. Hòa Minh và Hòa Khánh thuộc Q. Liên Chiểu đang đối mặt với nguy cơ ngập lụt nếu có mưa lớn kéo dài vì hồ Hòa Phú là trục thải chính đang ứ đọng, bị tắc nghẽn dòng chảy do cây lục bình phát triển quá nhiều. Hiện chưa thể thực hiện công tác nạo vét, xử lý vì… chưa tìm ra đơn vị quản lý. Bên cạnh đó, đối với khu vực Hải Hồ, Đống Đa, dù được đầu tư trạm bơm Thuận Phước để tăng cường hút nước khi có mưa lớn nhưng rác sinh hoạt đổ về quá nhiều đã vô tình tạo thành tấm ngăn nước khiến tình trạng ngập úng chưa được xử lý dứt điểm.

QUY HOẠCH DÀI HẠN

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn. Trong đó có việc hư hỏng hệ thống thoát nước, hệ thống đấu nối thiếu hợp lý, cao trình bị “vênh”, thậm chí nhiều khu vực chưa được nghiên cứu quy hoạch, không hề có hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là xuất phát từ việc các khu vực đã có quy hoạch hoặc dự án được duyệt nhưng triển khai không đồng bộ hoặc thi công dở dang.



Nếu không có quy hoạch lâu dài, Đà Nẵng sẽ đối mặt với nguy cơ ngập úng cao.
Trong ảnh: “Biển nước” tại khu vực đường Hải Hồ vào mùa mưa năm 2014. Ảnh: Công Khanh

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hầu hết các điểm ngập úng đã có phương án kỹ thuật xử lý lâu dài nhưng kinh phí đầu tư cho thoát nước là rất lớn trong khi ngân sách thành phố còn thiếu nên qua nhiều năm chưa thể triển khai thực hiện. Qua rà soát, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương đưa vào dự án Phát triển bền vững một số hạng mục, công trình tuyến cống chính cấp I, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên  tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục này phụ thuộc vào kế hoạch chung của dự án. Hiện tại, Sở GTVT đã tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan, tiếp tục báo cáo đề xuất UBND thành phố bổ sung một số công trình xử lý ngập úng trọng điểm vào dự án Phát triển bền vững. Khi một số công trình thoát nước chính cấp I từ dự án Phát triển bền vững hoàn thành thi công sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ngập úng cho đô thị Đà Nẵng.

Về lâu dài, Sở Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn CDM (Mỹ) thực hiện Quy hoạch thoát nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015. Trong đó đã lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào đồ án để về lâu dài giảm thiểu và từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công Khanh