Đà Nẵng với mục tiêu "4 AN"
(Cadn.com.vn) - Cuối năm 2015, khi mà "Năm văn hóa, văn minh đô thị" của Đà Nẵng sắp kết thúc, nhiều người băn khoăn không biết lãnh đạo TP sẽ chọn chủ đề năm 2016 là gì...
Thời điểm đó tôi có ý nghĩ nên đề xuất chọn năm 2016 là năm “An toàn vệ sinh thực phẩm” vì lĩnh vực này thời gian qua quá nóng bỏng và bức xúc. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng nếu không tiếp tục duy trì chủ đề năm cũ, liệu chúng ta có giữ được những thành quả bước đầu về văn hóa văn minh đô thị hay không? Cuối cùng, Đà Nẵng tiếp tục chọn chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị - 2016”.
Sau đó không lâu, vào ngày 13-4, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lần thứ 4. Tại Hội nghị này, Thành ủy Đà Nẵng xác định nhiệm vụ trọng tâm của quý II/2016 là thực hiện tốt đề án "Phát triển doanh nghiệp; Đề án tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020"; tiếp tục chú trọng thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016”. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh đến việc thực hiện mục tiêu “5 không – 3 có”, yêu cầu các cấp, các ngành huy động cả hệ thống chính trị thực hiện cho được mục tiêu “4 an” của Đà Nẵng: An ninh trật tự - An toàn giao thông - An toàn vệ sinh thực phẩm và An sinh xã hội.
Có một điều mà người dân đều nhận thấy là lãnh đạo TP trong nhiều nhiệm kỳ qua không bao giờ thỏa mãn với những kết quả đạt được. Trong đánh giá của lãnh đạo TP, từ ngày Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997), thành tựu lớn nhất là “được lòng dân”, là “an dân”. Không chỉ mở mang phố xá, tạo dựng nơi ăn chốn ở ổn định lâu dài cho dân, Đà Nẵng còn xây dựng được những giá trị nhân văn mới. Đó là những chủ trương mà mỗi người dân TP đều thuộc nằm lòng như: “5 không”, “3 có”; hỗ trợ ngư dân bám biển; hỗ trợ 100% viện phí cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo; trải thảm đỏ thu hút nhân tài; lập Quỹ vay vốn làm ăn dành cho đối tượng hình sự hết hạn cải tạo; lập Quỹ vay vốn dành cho phụ nữ nghèo bị nạn bạo hành gia đình; cấp tiền cho những người hành nghề xe ôm ăn Tết...
Trong bài phát biểu nhậm chức vào cuối năm 2015, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nói rằng: “Mục tiêu “xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước”, một TP thực sự đảm bảo các giá trị và tiêu chí của một đô thị văn minh, hiện đại không phải là quá xa vời song không phải dễ dàng đạt được. Điều đó đòi hỏi chúng ta trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở mỗi cấp, mỗi ngành phải năng động, sáng tạo, đổi mới, xây dựng phong cách nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cấp mình, ngành mình, cá nhân mình với hiệu quả cao nhất”. Với cung cách điều hành hiệu quả, sâu sát dân cũng như việc đề ra mục tiêu “4 an”, lãnh đạo TP nhiệm kỳ mới này đã kế thừa, phát huy, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Đà Nẵng hiện đại và văn minh từ những vị lãnh đạo tiền nhiệm, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ở mọi thời điểm mà đặc biệt là từ khi “ra riêng” đến nay, lãnh đạo TP luôn thấu hiểu và trăn trở tìm cách làm phù hợp và hiệu quả để đạt đến mục đích: một cuộc sống an lành luôn là ước vọng thường trực trong mỗi người, mỗi gia đình!
Như trong những ngày qua, khi có chuyện cá chết hàng loạt vùng biển các tỉnh miền Trung đúng vào dịp cả nước nghỉ lễ 30-4 và 1-5, trong từng nhiệm vụ của mình, các lực lượng căng sức đảm bảo ANTT và ATGT. Rồi cả Bí thư Thành ủy, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP, các Giám đốc Sở đồng loạt và liên tục đến những nơi nóng bỏng nhất để góp phần đảm bảo “an sinh xã hội” và “an toàn vệ sinh thực phẩm”. Đâu đó có ý kiến cho là “chuyện diễn sâu diễn cạn”(?), điều đó hết sức lạc lõng không đáng bàn tới. Cách làm chân thành, thiết thực, hiệu quả của lãnh đạo TP chỉ với mục đích để những con tàu tiếp tục rẽ sóng ra khơi, để những buổi chợ sầm uất, để nhịp sống thành phố trở lại bình thường, để mỗi bữa ăn của mỗi gia đình được an toàn, đầm ấm, hạnh phúc.
Tất cả chỉ có vậy. Mọi chuyện thật đơn giản mà vô cùng thấm thía với mục tiêu “4 an” của Đà Nẵng!
Nguyễn Đức Nam