Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng xem xét nới lỏng thêm một số hoạt động thiết yếu

Thứ tư, 16/06/2021 09:23

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, địa phương chiều ngày 15-6, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã bàn, xem xét nới lỏng thêm một số hoạt động thiết yếu trong bối cảnh thành phố đã trải qua 28 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng và 14 ngày không có ca nhiễm mới COVID-19 tại các khu cách ly tập trung.

Theo ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, đến nay thành phố đã trải qua 28 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, 14 ngày không có ca nhiễm tại các khu cách ly tập trung.

Liên quan đến việc nới lỏng biện pháp phòng dịch, ông Sơn đề xuất, cho phép hoạt động dạy và học tại trường mầm non, các cơ sở giáo dục, dạy nghề, đại học, cao đẳng. Điều kiện kèm theo để các cơ sở giáo dục, dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng khi hoạt động trở lại là phải tổ chức sắp xếp phòng học, bàn ghế giãn cách, đảm bảo không quá 50% số lượng, kết hợp song song với việc dạy học trực tuyến, không tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, tập trung đông người.

Đồng thời, cho phép hoạt động vận chuyển hành khách xe du lịch, xe taxi, vận tải từ tỉnh Quảng Nam đến Đà Nẵng và ngược lại; với điều kiện chở không quá 50% số khách và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, phòng dịch COVID-19. Đồng thời, điều chỉnh thời gian hoạt động nhà hàng, quán ăn phải dừng hoạt động từ 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau.

Ông Sơn, đề nghị các địa phương, đơn vị tự kiểm tra đánh giá trên bản đồ an toàn COVID-19. Các cơ quan chức năng rà soát thường xuyên các cơ sở không được đánh giá trên bản đồ. Ngoài ra, các địa phương cũng phải đánh giá mức độ nguy cơ định kỳ.

Tại cuộc họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, Đà Nẵng trải qua 28 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, tuy vậy thành phố không được chủ quan. Qua báo cáo của các đơn vị, địa phương, khi Đà Nẵng nới lỏng một số biện pháp, thì vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình tổ chức, thực hiện, cũng như quá trình kiểm tra xử lý. Vẫn có hiện tượng người dân và một số cơ sở kinh doanh không thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng dịch. Số liệu xử lý vi phạm hàng ngày còn thấp, trên tình hình thực tế. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu đề ra.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chỉ đạo quyết liệt về biện pháp phòng, chống dịch, tạo ra ý thức cho người dân và cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ nghiêm các điều kiện. Đồng thời các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phòng dịch.

“Chúng ta không quyết liệt trong việc xử lý vi phạm thì các biện pháp phòng dịch đưa ra sẽ không còn ý nghĩa. Vì vậy, tôi yêu cầu các địa phương, ban ngành tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị, người dân vi phạm, kiểm tra rà soát chặt người từ vùng dịch”, ông Quảng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc cập nhật bản đồ an toàn COVID, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho hay, theo thống kê, Đà Nẵng có 12.988 cơ sở chưa được đánh giá mức độ an toàn trên bản đồ an toàn COVID-19. Nguyên nhân, có thể các cơ sở này không cập nhật thông tin trên hệ thống. Đặc biệt, có 101 cơ sở bị đánh giá không an toàn trên bản đồ phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Vì vây, ông Quảng đề nghị cơ quan xử lý, quán triệt các cơ sở kinh doanh không an toàn thì nhất quyết không được hoạt động; khắc phục các cơ sở không an toàn trên bản đồ phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Liên quan đến đề xuất cho các trường mầm non hoạt động trở lại, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố cơ bản thống nhất đề xuất nới lỏng biện pháp phòng dịch trong dự thảo của Văn phòng UBND thành phố đã nêu. Đồng thời, đề nghị việc nới lỏng thêm một số hoạt động cần phải kèm theo điều kiện kiểm soát chặt hơn. Đơn cử như việc mở lại tuyến vận tải Quảng Nam - Đà Nẵng thì cơ quan chức năng phải có điều kiện, hướng dẫn cụ thể; đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm phòng dịch, yêu cầu người dân khai báo y tế đầy đủ. Còn đối với việc cho phép các trường mầm non hoạt động trở lại phải thực hiện xét nghiệm cho giáo viên, nhân viên phục vụ. Tất cả các trường hợp này khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 mới cho phép hoạt động. Đồng thời, các cơ sở mầm non phải được an toàn trên bản đồ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

DOÃN HÙNG