Báo Công An Đà Nẵng

Đã say ví, giặm nên yêu bài chòi...

Thứ sáu, 10/04/2020 19:00

Tôi sinh ra ở Nghệ An, quê Bác, xứ sở của những điệu hò ví, giặm. Xa quê đã 20 năm, nên nhớ quê hương, nỗi nhớ ví, giặm vẫn luôn da diết cháy bỏng. Nhưng nơi tôi sống, Đà Nẵng, đã phần nào giúp tôi vơi đi nỗi nhớ ấy.

Điểm hô bài chòi bên bờ sông Hàn.

Nhớ lần đầu tiên rời quê nhà bước chân vào thành phố Đà Nẵng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cảnh quan say đắm lòng người, trước sự thân thiện, nhiệt tình người dân xứ biển. Và hẳn rằng mỗi ai đã từng đặt chân đến Đà Nẵng cũng có một cảm giác gần gũi ấm áp như tôi. Có lẽ, một trong những điều tuyệt vời ở Đà Nẵng chính là những món quà đặc ân được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng. Đó là những bãi biển thoai thoải trải dài với bãi cát trắng mịn, dòng nước xanh trong, con sông Hàn rất đỗi thơ mộng lại vừa trẻ trung, khỏe khoắn, yên bình tô điểm thêm cho một thành phố trẻ trung, năng động. Mặc dù là thành phố du lịch rất phát triển, là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước nhưng Đà Nẵng vẫn giữ nguyên nét đẹp bình dị, văn hóa đặc trưng vùng đất Nam Trung Bộ. Đặc biệt, nghệ thuật hô, hát bài chòi mang đậm hơi thở cuộc sống người dân lao động cần cù, mộc mạc, chân chất, hiền hậu, vị tha.

Hát bài chòi hay hô bài chòi là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, ra đời cách đây hàng trăm năm và đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Đà Nẵng nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao biến cố đổi thay nhưng bài chòi vẫn giữ cho mình tính bình dân, gắn liền với đời sống của người lao động. Hiện nay, trò chơi dân gian này rất phổ biến ở các địa phương trên địa bàn Đà Nẵng, không chỉ gói gọn trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng Giêng trong các lễ hội truyền thống lớn nhỏ. Hiện nay, di sản nghệ thuật bài chòi dân gian đang được bảo tồn và phát huy gắn với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố, kết hợp với việc tổ chức các lễ hội truyền thống tại các di tích với hội bài chòi và các hoạt động vui chơi giải trí khác để thu hút du khách. Nghệ thuật bài chòi cũng đã được đưa vào nhiều trường học trong các sự kiện quan trọng như lễ khai giảng, ngày hội văn hóa dân gian, và đặc biệt là các lớp học bài chòi được tổ chức ngay tại trường trong dịp nghỉ hè. Tôi không được sinh ra ở Đà Nẵng, những câu ca " Muối ba năm muối đang còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta nghĩa nặng tình đầy/ Có xa nhau đi nữa, cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa" đã thấm sâu vào hơi thở, như mạch suối nguồn mát lạnh tưới mát cuộc đời tôi. Dân ca mang bản sắc đặc trưng văn hóa mang hơi thở, tâm hồn, diện mạo, cốt cách người dân mỗi vùng, miền. Về với  mảnh đất xứ Nghệ  mỗi điệu ví, câu hò dân ca ví, giặm cất lên tôi cảm nhận về con người xứ Nghệ quê tôi rất chân chất, hiền lành, giản dị, chịu thương chịu khó, nghĩa tình son sắt nhưng cũng rất bộc trực, thẳng thắn. Và khi nghe những câu hô, hát Bài chòi "Ra về lòng lại dặn lòng/ Chanh chua chớ phụ, ngọt bồng chớ ham" (Con bát bồng), hay "Ước gì em chửa có chồng/ Anh thưa cha với mẹ mang rượu nồng đón em" (Con bảy thưa)... trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh của những người con xứ biển chân phương, chất phác, bình dị và cũng thật thân thiện, cởi mở, hiền hòa, nhiệt tình, mến khách đến lạ lùng. Nhưng có lẽ hai vùng đất xứ Nghệ, Đà thành đều nằm trên dải đất Duyên hải miền Trung nhọc nhằn, nơi được ví von "Chiếc đòn gánh trĩu oằn", "Khúc ruột miền Trung", "Lão nông khòm lưng khó nhọc" bởi dải đất hẹp, eo thắt... đã tạo nên nét đẹp chung của con người xứ Nghệ, Đà thành nói riêng và con người miền Trung nói chung là vẻ đẹp hiền lành, giản dị, chân chất, chịu thương chịu khó và đặc biệt là tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau vươn lên từ gian khó.

Không được sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nhưng tôi đã gắn bó thành phố biển này suốt 20 năm. Một quãng thời gian chất chứa biết bao kỷ niệm!  Và không biết từ bao giờ tôi đã xem Đà Nẵng là quê hương thứ hai của tôi. Thật hạnh phúc khi tôi được làm cô giáo dạy văn gắn bó với mảnh đất Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn anh hùng. Tôi luôn tâm nguyện tiếp lửa cho lớp lớp học trò phát huy truyền thống tốt đẹp quê hương Hòa Hải anh hùng cách mạng, bồi dưỡng trong tâm hồn ngây thơ các em tình yêu quê hương đất nước, yêu nơi "chôn rau cắt rốn", biết tự hào, trân trọng mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, cố gắng học tập tốt, tu dưỡng rèn luyện đạo đức dựng xây quê hương giàu đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, vẻ đẹp quê hương Đà Nẵng.        

Thu Hằng