Báo Công An Đà Nẵng

Đã thấy Xuân về

Thứ tư, 09/02/2022 21:53

“Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mặt nhìn trời, đôi mắt trong…”

(Xuân về - Nguyễn Bính)

Từ chiếc radio hiệu Standard của cha tôi vang ra giọng đọc những câu thơ này, một giọng nam vừa gần gụi vừa xa cách. Gần gụi vì chất Quảng còn phảng phất trong đó một cách hồn nhiên, còn xa cách vì - trong suy nghĩ của tôi thời ấy - dễ gì nó được lên sóng của đài phát thanh thành phố. Có điều, giọng ấy nghe quen quen, hình như mình từng nghe đâu đó trong khuôn viên nhà trường. Ai vậy nhỉ? Tôi thích thú truy tìm qua trí nhớ nhưng rồi những câu thơ luyến láy theo sau lời bình phẩm vừa nhẹ nhàng vừa bay bổng cứ lôi tôi theo không khí ngày xuân:

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý bóng xuân sang…”

(Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)

Và nữa:

“Có một người nghèo không biết

Tết Mang lì chiếc áo độ thu tàn

Có đứa trẻ thơ không biết khóc

Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran…”

(Xuân - Chế Lan Viên)

Buổi sáng của tôi, vì thế, ngập tràn không khí xuân qua những vần thơ xướng lên từ giọng quen kia, xen kẽ cùng một giọng nữcũng dịu dàng và ấm áp hết mực. Đứng bên hiên nhà, ngước nhìn màu nắng nhẹ rải trên bậc thềm với bầu trời xanh trước ngõ, tôi cảm nhận niềm lâng lâng sảng khoái mà mình chưa hề gặp trước đó trong đời. Cảm giác ấy thật khó tả bằng lời, chỉ có thể cảm nhận với lòng thanh thản của người đi xa vừa trở về đoàn tụ bên cha mẹ và các em. Đứa con ấy sau bao ngày xa cách với nỗi mong ngóng từng ngày bỗng được hít thở hương vị nồng ấm bên người thân vào lúc nàng Xuân đang chầm chậm từng bước bên hiên. Xuân về trong màu nắng mới, trong lòng chàng trai đi xa kịp về, trong không gian yên bình hiếm hoi ngoài kia và trong âm vang các câu thơ giục giã, thôi thúc của tiền nhân.

Tất cả như bù lại nỗi nhọc nhằn tha hương mà mình vừa trải qua trước đó, nhất là sau hành trình gian lao xuyên Quốc lộ 1 với nhiều trắc trở hiểm nguy do cầu gãy, đường sập vì đạn bom. Vẫn còn hiện rõ trong tôi dáng mình háo hức bước vào con hẻm nhỏ giữa khuya sâu, sè sẹ gõ tay lên cánh cửa quen để nhận ra niềm vui òa vỡ của cha, đôi mắt nhòa lệ của mẹ và tiếng ríu rít mừng rỡ của đàn em. Bao nhiêu khó nhọc dường bỏ lại ngoài ngõ tự bao giờ.

Khuya ấy, tôi ngủ giấc say nồng trong hương ấm nhà mình để sáng hôm sau thức dậy trong thanh âm của những vần thơ kia.

“Mùa xuân qua những trang thơ”, một nội dung thuộc Chương trình phát thanh Khuyến học của Đà Nẵng chính là tiết mục đánh thức tôi vào buổi sáng thanh tân ấy. Các chi tiết cụ thể về một chương trình mà mình bất chợt làm thính giả sau chuyến đi xa trở về và một tối ngủ say thì sau đó tôi mới biết qua tìm hiểu từ bạn bè. Nhưng ấn tượng lôi cuốn tôi áp tai vào chiếc radio của cha mình ngày ấy không chỉ là tên gọi có sức mời gọi của tiết mục gợi nhắc các giá trị nhân văn mà còn bởi cái giọng nam và giọng nữ kia cùng cách dẫn chuyện của họ. Trong sớm mai yên ắng, những câu thơ trích dẫn hợp tình hợp cảnh và lời bình vừa sâu sắc vừa gần gũi kia đã dẫn người nghe cùng hòa vào cái đẹp của thi ca và đất trời để thêm yêu quý cuộc sống và xao xuyến trước hương xuân đang về.

Cũng sau này tôi mới biết giọng bình dẫn kia nào phải đâu xa lạ, chính là của người bạn cùng học trường Phan Châu Trinh với tôi. Anh học trên tôi một lớp, là thành viên nòng cốt của phong trào học sinh - sinh viên đô thị miền Nam và từng nổi tiếng ở các diễn đàn hùng biện. Mạnh mẽ, chân chất với lòng trân quý tài năng và khí tiết tiền nhân, lời bình và cách dẫn chuyện của anh dễ chạm vào lòng thính giả, như thể bằng trải nghiệm của mình, anh đang kéo không gian thanh tân và hương vị nồng nàn ngày xuân đến gần với trái tim xao động của mỗi người trong thời khắc thiêng liêng để thêm yêu cuộc sống, thấm thía hơn trách nhiệm đối với đất nước. Bao tàn phai do chiến tranh, bao buồn đau của chia lìa cách trở như bỗng xóa nhòa - dù chỉ trong phút chốc - để lòng người hòa quyện với đất trời dưới ánh nhìn hy vọng. Và tôi- chàng trai 18 thuở ấy- trong khoảnh khắc chợt quên đi bao nhọc nhằn lo toan của tuổi trẻ để rưng rưng thao thức về ngày mai. 

Hồi ức thì trẻ mãi, chẳng hề già; những câu thơ giàu cảm hứng của tiền nhân hãy còn nguyên đó bao dạt dào thi vị, như một phần không thể thiếu của mùa xuân. Vì vậy mà với tôi, giọng bình dẫn thơ xuân năm xưa hãy còn đó, luyến láy bổng trầm, chuyển vào người nghe niềm rung cảm thiêng liêng trân quý mùa đẹp của đất trời. Có lẽ vì thế mà bây giờ, mỗi lần gặp lại đâu đó trong lòng sách hay trên trang báo những vần thơ xưa, tôi lại thấy mình trở về với buổi sáng êm đềm của gần 50 năm trước. Và rồi, nhiều lúc trở về đứng bên hiên nhà mẹ, tôi vẫn nghe mình sống lại cảm giác sáng xuân thức giấc trong thanh âm vang ra từ chiếc radio có vỏ bọc màu nâu bên chén trà bốc khói của cha tôi:

“Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”…

(Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)

(TPHCM, tháng 11-2021)

NGUYỄN ĐÌNH XÊ