Báo Công An Đà Nẵng

 Giáo sư Hoàng Tụy:

Đã tìm ra điểm đột phá để phát triển giáo dục

Thứ tư, 02/10/2013 13:09

(Cadn.com.vn) - Dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo sẽ được xem xét tại Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI.

Đề án này đã được lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng tình của đông đảo giới trí thức cả nước. Sau đây là nội dung trao đổi của Giáo sư (GS) Hoàng Tụy với báo chí về vấn đề này.

Giáo sư Hoàng Tụy

P.V : Thưa GS Hoàng Tụy, là một người luôn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà, GS có biết đến Bản dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo sắp được trình Hội nghị Trung ương Đảng xem xét vào tháng 10-2013?

GS Hoàng Tụy: Chủ trương Đổi mới giáo dục đã được nêu lên từ khá lâu, nếu tôi nhớ không nhầm thì từ Đại hội 10 của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc đến yêu cầu này trong buổi tiếp đón GS Ngô Bảo Châu. Nhưng trong 7 - 8 năm qua, tôi phải nói thật là chúng ta chưa có đề án nào nghiêm chỉnh đạt yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục. Mãi cho đến cách đây 2-3 tháng, Bộ Giáo dục và Ban Tuyên giáo có trình bày đề án trong một hội thảo và tôi có dự. Theo tôi đây là lần đầu tiên chúng ta có một Đề án nghiêm chỉnh nhất về đổi mới giáo dục.

P.V : Trong bản Dự thảo Đề án này nêu quan điểm triết lý giáo dục mới . GS có đồng tình với triết lý này hay không ?

GS Hoàng Tụy: Phần chính của Đề án chủ yếu nói về triết lý giáo dục, nêu quan điểm trong thời đại hiện nay chúng ta phải đào tạo con người như thế nào? Thật ra triết lý giáo dục ấy chúng ta thảo luận trong nhiều năm rồi. Nói chung bây giờ nhiều người đã đồng thuận rồi. Nghĩa là bây giờ không thể đào tạo con người thụ động mà phải đào tạo con người có tinh thần độc lập, có đầu óc phê phán, trung thực, con người luôn luôn cởi mở với cái mới - có như vậy con người mới sáng tạo được. Triết lý này trong nhiều năm thảo luận còn có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng thì tại Đề án mới nhất đã đồng thuận. Đề án đã thể hiện rõ nét và kỹ lưỡng về triết lý giáo dục tiến bộ ấy. Đây là vấn đề cơ bản, phải thống nhất trước khi bước vào giải quyết các vấn đề cụ thể khác.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng để thực hiện triết lý giáo dục này không dễ dàng, những quyết sách giáo dục kết quả không đến ngay được mà phải 10 năm nữa mới thấy được.

Tôi muốn nói giống như một cỗ máy, có lúc nó gặp một điểm gọi là điểm chết, dù có đẩy tới đẩy lui cũng không thể chuyển động được. Muốn tạo ra chuyển biến phải cần có một xung động mạnh để thoát ra khỏi vũng lầy rồi mới có thể tiến lên được. Ngành giáo dục cũng vậy, nhiều năm nay luôn có vấn đề. Ngành giáo dục cũng trăn trở, tìm mọi cách, nhưng gặp cái thế như vậy, muốn thoát khỏi phải có đột phá.

Giải quyết các vấn đề tồn tại của giáo dục không thể sửa "lặt vặt" được mà phải sửa lỗi hệ thống, phải thay đổi tư duy chiến lược, phải có điểm đột phá.

P.V : Vậy theo GS, trong bản Dự thảo Đề án lần này, đâu là điều GS cho là giải pháp "đột phá" ?

GS Hoàng Tụy: Tôi thấy Đề án kỳ này đưa ra điểm rất đúng là tư duy lại quan điểm về trường phổ thông, về cải cách cách học và cách thi. Tôi cho đây là ưu điểm. Tôi nói ví dụ, nhiều năm nay luôn có tiếng kêu quá tải, năm nào cũng đặt vấn đề giảm tải nhưng mọi người vẫn kêu. Bởi vì nếu giảm tải thì có mâu thuẫn: nếu giảm kiến thức thì không ngang bằng trình độ quốc tế. Mà không giảm tải thì học cũng không nổi. Giảm tải cũng cần nhưng chưa phải là điều chính.

Cái chính là quan điểm về trường phổ thông của chúng ta chưa hợp với thời đại. Đề án này đã giải quyết được việc này. Trong đề án nêu rõ trường phổ thông đến THCS là bảo đảm học vấn cơ bản, phổ thông, cần thiết cho mọi công dân. Sau THCS là đào tạo phân hóa theo sở thích cá nhân, theo yêu cầu xã hội. Từ đó chia ra nhiều hướng phát triển cho học sinh chứ không phải mọi người đều học đồng loạt một chương trình.

Chúng ta phải làm giống như các nước, đến THCS là đảm bảo học vấn cơ bản, cần thiết cho mọi công dân, sau đó mỗi người phải chọn một hướng đi cho mình, hoặc là học một nghề cần thiết cho cuộc sống, hoặc là học tiếp lên cao,... Cần phải cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân như vậy. Điều này từ mấy năm trước tôi đã nói mãi rồi. Kỳ này, tôi thấy bản Đề án nêu quan điểm trường phổ thông như vậy là đúng.

Thứ hai là vấn đề thi cử. Đây là vấn đề tồn tại từ mười mấy năm nay. Mỗi kỳ thi như vậy không phải chỉ có học sinh đi thi mà cả phụ huynh đi thi, cả nước đi thi nên không thể nào quản nổi, không tiêu cực chỗ này thì chỗ khác... Trên thế giới không ai thi như vậy cả. Mà không phải 1, những 2 kỳ thi liên tiếp. Giảm tiêu cực thi cử cũng cần nhưng chưa đủ, phải xem thay đổi bản chất của kỳ thi. Tổ chức kỳ thi như của chúng ta tôi tin nếu người Pháp, người Mỹ thi thì cũng tiêu cực như vậy mà thôi.

Tôi thấy tại bản Dự thảo Đề án lần này đã đề ra được hướng giải quyết bất cập về thi cử và đó là hướng đi đúng. Theo tôi nếu thực hiện đúng được như đề án, nghĩa là thay đổi tính chất trường phổ thông, theo đó thay đổi cách học, cách thi thì sẽ là một bứt phá cho giáo dục.

P.V: Giáo sư đã nhiều lần nêu kiến nghị phải thay đổi chính sách đối với nhà giáo? Vậy ông nhận xét như thế nào về giải pháp về chính sách với nhà giáo nêu tại Đề án lần này?

GS Hoàng Tụy: Tôi đã nhiều lần phát biểu cải thiện chính sách cho nhà giáo là điều đầu tiên và cốt lõi cần phải làm. Với chính sách cho nhà giáo như hiện nay mà giáo dục VN chỉ tụt hậu như vậy thì đã là kỳ tích. Tôi thấy rất lạ là từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8 đã nêu "giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu" nhưng chính sách cho nhân lực 2 ngành này không tương xứng.

Người ta tưởng trả cho thầy giáo thấp là tiết kiệm nhưng họ đã sai lầm. Vì trả lương thấp, không đủ sống,  họ sẽ tìm cách có thêm thu nhập. Có người sử dụng tay trái - số này ít thôi mà đa số sẽ dùng ngay hiểu biết của mình - dẫn đến dạy thêm. Dạy thêm không phải là xấu nhưng dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của thầy giáo chứ không phải từ nhu cầu của học sinh thì sẽ dẫn đến tiêu cực... Với bản Đề án kỳ này, tôi hy vọng sẽ có một cách để cải thiện.

P.V: Xin cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!

Hoàng Hoa

(thực hiện)