Báo Công An Đà Nẵng

"Đặc công nước" trong bụng cầu Trần Thị Lý

Thứ năm, 07/07/2016 10:47

(Cadn.com.vn) - Với nhiệm vụ đặc biệt là dẫn nước sinh hoạt qua bờ đông sông Hàn đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho người dân hai quận phía biển, Cty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thành lập một biệt đội ngày ngày bám bụng cầu Trần Thị Lý để vận chuyển, gò hàn, khớp nối đường ống dẫn nước trong điều kiện hết sức khắc nghiệt. Họ gọi vui đây là tiểu đội "đặc công nước"!

Vào "nồi hơi" dẫn nước

Đồng loạt hít thở một hơi thật dài, 15 công nhân của Dawaco nhanh chóng đột nhập vào bụng cầu Trần Thị Lý tựa như xuống khoang của con thuyền buồm khổng lồ. Dòng xe cộ vẫn tấp nập đi về từ hai bờ Đông- Tây, ngay trên đầu họ. Anh Võ Minh Tân- Phó Giám đốc Xí nghiệp xây lắp Dawaco, chỉ huy trưởng công trình cấp nước đặc biệt này nói vội: "Dẫn nước qua cho Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn bằng đường ống D400 HDPE xuyên qua bụng cầu là nhiệm vụ cấp thiết nhưng không được ảnh hưởng đến việc lưu thông trên mặt cầu. Chính vì vậy, mọi công việc đều phải thực hiện bằng phương pháp thủ công, không có sự tham gia của máy móc".

Thi công nhánh rẽ từ đường 2-9 vào bụng cầu Trần Thị Lý. Ảnh: Công Khanh

Công trình dẫn nước có tổng chiều dài 1257 m, nối từ đường 2-9 vượt sông Hàn qua đường Trần Hưng Đạo, thì có tới 680 m phải thực hiện trong điều kiện gần như phải thở bằng một bầu không khí riêng, hết sức ngột ngạt. Những ngày đầu chưa quen, họ nhanh chóng bị đuối sức, chốc chốc phải trèo lên trên hoặc tới các vị trí thông gió để... nạp khí tươi. Lột chiếc khẩu trang quất đánh "phạch" vào thành cầu, bụi bay mù trời, ông Trần Văn Xuân, người đã 30 năm làm nghề lắp đặt ống nước cho biết, ngót nửa cuộc đời gắn bó với công việc này, từng đối mặt với nhiều công trình "khó gặm", nhưng chưa bao giờ phải làm việc trong điều kiện tù túng, ngột ngạt, thiếu dưỡng khí như "điệp vụ" này. "Có đoạn muốn cựa quậy cái cũng không được, nhiều người mỏi quá vươn vai lên thì đụng phải bê tông, duỗi chân ra thì đụng phải lưới sắt, bước mạnh một cái thì lớp bụi dày tung lên, ho sặc sụa. Trong bụng cầu có loại bụi đặc biệt, phần lớn là xi măng và chất phụ gia nên rất độc. Nhiều người da bị dị ứng như vảy nến", ông Xuân cho biết.

Trời về trưa, không khí như đặc quánh lại, mặt cầu "bốc hơi" tỏa nhiệt táp vào mặt người. Chúng tôi thâm nhập bụng cầu với lời khuyến cáo "đeo khẩu trang, đi nhẹ, nói khẽ, hít đều". Phải rất khó khăn mới có thể di chuyển trong không gian chật hẹp với kết cấu sắt thép, bê tông hết sức phức tạp của cầu Trần Thị Lý. "Trong này như cái lò luyện công, nóng như hấp, không khí ít luân chuyển, thiếu dưỡng khí nên nếu không biết phối sức hợp lý thì rất dễ bị mất nước, mất sức. Chốc chốc phải "trồi" lên trên để thở. Chúng tôi gọi vui đây là tiểu đội "đặc công nước" làm việc trong... lô cốt!", công nhân Trương Văn Xuyên nói vui. Bình thường, mỗi đoạn ống dẫn nước có chiều dài 6m thì để vận chuyển vào bụng cầu, khớp nối thích ứng với kết cấu sẵn có, Dawaco phải sử dụng loại ống 3m, việc lắp ráp tốn rất nhiều thời gian. Theo "tiểu đội trưởng" Võ Minh Tân, hàng trăm ống nước đặc chủng được tập kết cách chân cầu Trần Thị Lý gần nửa cây số, toàn bộ được vận chuyển lên cầu bằng sức người vì nếu dùng ô-tô đậu đỗ trên cầu, giao thông sẽ bị ảnh hưởng. Khi tiếp cận được vị trí, việc đưa những ống nước có tiết diện 400mm vào bụng cầu cũng hết sức khó khăn vì lối vào chật hẹp, lại vướng hệ thống sắt thép, bê-tông quanh co trong thân cầu. "Phía ngoài chân cầu thì vướng phải hệ thống cáp dày đặc nhưng có thể liên hệ với các đơn vị chủ quản dịch chuyển. Còn trong cầu thì không thể, vì đó là kết cấu cứng. Thành ra chỉ khoảng gần 700m nhưng rất tốn công, mất sức",  Tân cho hay.

Việc vận chuyển thiết bị, thi công đường ống trong bụng cầu Trần Thị Lý rất khó khăn,
công nhân phải làm việc trong môi trường chật chội, thiếu dưỡng khí. Ảnh: Công Khanh

"Mạch máu" chảy qua bờ Đông sông Hàn

Theo kỹ sư Bùi Thọ Ninh- Trưởng phòng Kế hoạch-  Xây dựng cơ bản, Phó Giám đốc BQL dự án cấp nước của Dawaco, nguồn nước của Đà Nẵng không dồi dào nhưng nhu cầu sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt đang ngày càng tăng cao. Dịp cao điểm này, 4 nhà máy sản xuất nước là Cầu Đỏ, Sân bay, Sơn Trà, Hải Vân đều hoạt động vượt công suất thiết kế. Tính 6 tháng đầu năm, 4 nhà máy nước này đã cung cấp hơn 6 triệu khối nước sinh hoạt cho toàn thành phố, tương đương 107,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Khớp nối những đoạn ống cuối cùng trong bụng cầu Trần Thị Lý để thử áp suất nước
qua vùng bờ Đông sông Hàn. Ảnh: Công Khanh

Trở lại với công việc của "tiểu đội đặc công nước" trong bụng cầu Trần Thị Lý, ông Ninh cho rằng, đây là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết để bổ sung nguồn nước vừa thiếu, vừa yếu cho hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. "Đường ống được lắp trong điều kiện đặc biệt này có thể cung cấp thêm từ 10 nghìn đến 15 nghìn mét khối nước trong một ngày đêm. Không chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở khu vực trung tâm, phục vụ du lịch mà còn phân phối, tăng áp suất nước đẩy về vùng cuối tuyến như Nại Hiên, Vũng Thùng... Đường ống này như một mạch máu quan trọng nối đôi bờ Đông - Tây của thành phố", ông Ninh cho hay.

Theo lãnh đạo Dawaco, song song với nâng cấp hạ tầng thì việc tuyên truyền, làm thay đổi thói quen sử dụng nước của người dân là hết sức quan trọng. Áp lực nước sinh hoạt trong hệ thống đường ống trên toàn Đà Nẵng luôn bảo đảm, nhưng do vào những "giờ vàng", nhiều gia đình mở van sử dụng trực tiếp cùng lúc nên xảy ra hiện tượng nước yếu và thiếu cục bộ. Trong khi đó, khoảng từ sau 20 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, áp lực nước trong đường ống rất cao nhưng lại ít người sử dụng. "Để khắc phục tình trạng nước yếu và thiếu cục bộ, song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước thì bản thân người dân cần thay đổi hành vi sử dụng nước. Đặc biệt là hình thành thói quen chủ động lấy nước dự trữ vào ban đêm, thời điểm mà người dùng trực tiếp ít, áp lực nước cao. Cạnh đó là sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tránh lãng phí vì nguồn nước của Đà Nẵng không dồi dào", ông Ninh chia sẻ.

Phóng sự: Công Khanh