“Đặc khu kinh tế”... vỉa hè!
(Cadn.com.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà một số hộ dân khu vực nội thành Đà Nẵng coi không gian trước mặt nhà, mặt kiệt là tài sản riêng của mình, cho dù luật pháp và các văn bản địa phương quy định đấy là đất công cộng. Tốn công mòn sức lập lại trật tự, song vỉa hè luôn thế, như một “đặc khu kinh tế” của một cá nhân nào đó, ai động chạm đến là... biết liền!
Một nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới trên đường Nguyễn Tất Thành đỗ xe chặn lối đi bộ và tràn ra lề đường. |
Dạo một vòng quanh Đà thành, bất kể ngày hay đêm, đường lớn hay đường nhỏ đều thấy rõ từng mảng vỉa hè được trưng dụng làm nơi buôn bán, đỗ xe. Tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành là nơi tập trung nhiều phương tiện, là nơi có những bãi tắm đẹp nên thu hút khá đông khách. Chính vì vậy, vỉa hè nơi đây bị chiếm dụng để kinh doanh các mặt hàng giải khát, dịch vụ trông xe tự phát. Mặt khác, đây cũng là nơi có nhiều người qua lại nên từ lâu hình thành trên tuyến đường này một kiểu chợ độc nhất vô nhị: “chợ chạy”.
Chị N. một người chuyên bán hải sản tươi sống tại tuyến đường này tâm sự: “Chồng đi ghe nhỏ, đi lúc hoàng hôn đến gà gáy thì về. Buôn mủng bán nia thôi vì ghe nhỏ thì ít tôm cá. Mà cũng phải vậy thôi, bỏ vào thúng rồi quang gánh, hễ thấy không ổn là gánh hàng chạy đi nơi khác bán, phải biết tránh né chứ đổ ra đó một đống thì bị hốt ngay”. Ban đêm, tuyến đường này cũng là nơi tập trung của quán nhậu vỉa hè, nhạc kẹo kéo, huyên náo cả một vùng.
Quán cà-phê trên đường Phạm Như Xương để khách ngồi ngoài đường xem bóng đá. |
Tuyến đường Ông Ích Khiêm người dân thường ví von là cung đường không có vỉa hè, bởi một tấc vỉa hè cũng được tận dụng làm nơi buôn bán. Một người dân ngán ngẩm nói rằng, mình đã sống ở đây nhiều năm nhưng nạn lấn chiếm vỉa hè chưa thấy khi nào giải quyết dứt điểm. Quán cà-phê mọc lên nằm chễm chệ ngay trên vỉa hè, khách ngồi ngay trên lối dành cho người đi bộ; sơn, vật liệu xây dựng, thậm chí các mặt hàng gỗ gia dụng... bày bán la liệt trên lối đi dành cho người đi bộ. Một số quán còn dùng sơn trắng để vạch lãnh địa “cảnh báo” với các hộ xung quanh rằng đây là vỉa hè thuộc quyền sở hữu của quán.
Ngay công viên Thanh Bình (đường Ông Ích Khiêm) là nơi vui chơi giải trí nhưng cũng không thoát khỏi cảnh hàng giải khát lưu động chiếm chỗ. Một chủ quán lưu động phân tích cho khách nghe: “Không bán ở đây thì bán ở đâu, hàng giải khát trên xe đẩy như chúng tôi thì cần gì mặt bằng, ở đâu có người là đẩy tới đó. Mà chốt ở cái công viên này thì làm ăn được hơn, vui chơi cũng có lúc phải nghỉ ngơi mà mệt mỏi thì cần phải uống nước. Thế thì tôi bán ở đây là thích hợp rồi chứ gì nữa”.
Vỉa hè Ông Ích Khiêm bị các hàng quán lưu động chiếm dụng. |
UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường trên địa bàn Đà Nẵng nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và lối đi dành cho người đi bộ. Theo đó, lối hành lang dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5 m (đối với vỉa hè rộng dưới 3 m) đến 3 m (đối với vỉa hè rộng trên 6 m) và phần còn lại cho phép sử dụng ngoài mục đích giao thông. Thế nhưng, qua khảo sát thực tế tại một số tuyến đường thì có lúc vỉa hè đã bị một số chủ nhà bịt luôn để làm nơi buôn bán.
Đường Tôn Đức Thắng là một nút giao thông trọng điểm với lưu lượng phương tiện và người đi bộ khá đông đúc do Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng và nhiều trường đại học, cao đẳng đóng ở tuyến đường này. Nhiều cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng và đồ xây dựng dân dụng tận dụng hết vỉa hè để làm nơi trưng bày tấm lợp cách nhiệt, gạch men, bồn nước, đồ vệ sinh dân dụng... Người đi bộ chỉ còn cách xuống đường để tham gia giao thông. H., một sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết: “Do thuê trọ khá gần nên em đi bộ đến trường, nhiều lúc muốn đi trên vỉa hè cho an toàn nhưng không được. Vô lẽ khách đang ngồi ăn bún, ăn chè, uống nước mía mà mình băng qua họ mà đi à”.
Một cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng – đồ xây dựng dân dụng “bịt” luôn vỉa hè đường Tôn Đức Thắng. |
Trong quy định của UBND TP Đà Nẵng về việc cấp phép sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông là không quá 4 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ và thẩm quyền cấp phép cho các tổ chức và cá nhân. Nhưng nhiều cá nhân vẫn không ngần ngại sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán khi chưa được sự cấp phép của chính quyền và lực lượng chức năng.
Các tuyến đường tại trung tâm TP, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, chỗ để xe càng phức tạp như đường Hùng Vương- Lý Thái Tổ khu vực trước BigC được trưng dụng làm nơi giữ xe máy; khuôn viên ven đường Lê Duẩn giao với cầu Sông Hàn bị chiếm dụng làm nơi đỗ đậu xe bán khoai nướng, ổi, bắp nướng; lòng đường; vỉa hè đường Phạm Hồng Thái bị chiếm dụng làm nơi để xe cho khách ăn đêm hay tập trung hàng quán bán quà vặt cho học sinh Trường THCS Trưng Vương; vỉa hè các đường khu vực chợ trời như Nguyễn Trãi, Triệu Nữ Vương, Cô Giang thành nơi bán “hàng chợ trời”, kính đeo mắt hay tập kết vật liệu sắt thép...
Rõ ràng, nhiều vỉa hè trên địa bàn Đà Nẵng đang bị nhiều cá nhân chiếm dụng, coi như “vương quốc” riêng. Du khách lỡ chân dừng nghỉ lâu, một chiếc ô-tô đậu đỗ mà không hoặc chưa kịp mua một mặt hàng nào đó lập tức bị nhân viên hoặc chủ quán “nhắc nhở”, nếu cự cãi có thể xảy ra xung đột. Và như vậy, những người dân, du khách đang đối mặt với nghịch lý: không những bị tước quyền thụ hưởng các lợi ích công cộng mà còn bị chính những người vi phạm xúc phạm, đe dọa đến sự an toàn đã được luật pháp quy định và bảo vệ.
Bùi Đức Tú