Báo Công An Đà Nẵng

Đặc sắc lễ cưới truyền thống người Cor

Thứ ba, 12/01/2016 09:03

(Cadn.com.vn) - Nằm về phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, Bắc Trà My là huyện tập trung đông đồng bào người Cor còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc lâu đời. Một trong những tập tục vẫn được người Cor trân trọng, giữ gìn là lễ cưới truyền thống. Với cộng đồng người Cor nói chung và đồng bào Cor Bắc Trà My nói riêng, năm 2015 đánh dấu mốc quan trọng trên hành trình giữ gìn nét đẹp truyền thống. Nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là niềm cổ vũ động viên tinh thần lớn lao cho đồng bào nơi đây.

Cây Nêu và bộ Gu truyền thống là biểu tượng tâm linh, có vị trí đặc biệt quan trọng và xuyên suốt, không thể thiếu trong các hoạt động lễ hội như Tết, lễ cúng giỗ ông bà, đặc biệt là trong lễ cưới. Người Cor quan niệm trai gái kết hôn không chỉ là kết quả của tình yêu đôi lứa mà còn thể hiện sự gắn kết khăng khít của cả một cộng đồng người. Chính vì lẽ đó mà lễ cưới bao giờ cũng bao gồm nhiều nghi thức cầu kỳ. Cây Nêu và bộ Gu chính là biểu tượng tâm linh là minh chứng cho tình yêu của đôi trai gái đã được thần làng chứng giám. Trình tự một nghi thức cưới của dân tộc Cor có thể phân làm 3 giai đoạn: Lễ đi hỏi, lễ đạp nhà và lễ cưới. Già làng Hồ Văn Mít chia sẻ: “Bây giờ cuộc sống hiện đại rồi, lớp trẻ cũng đi làm xa không có điều kiện tổ chức cưới xin đàng hoàng như ngày xưa. Nhưng ai sống tại làng nhất định phải làm theo nghi thức. Tốp người đi họ trong lễ cưới có thể 12, 16 hay 18 người. Ông mai nhà trai là người dẫn đầu mang theo cây giáo, tiếp đến là phù rể, sau đó đến chàng rể, cô dâu và những người đi họ. Chàng rể mặc trang phục cổ truyền khố mới, tấm choàng mới, đầu đội mũ cưới có các tua vải sau ót. Cô dâu  đeo cườm cổ, cườm hông với chiếc khăn gói  trầu cau đã têm sẵn”.

Lễ cưới của đồng bào Cor được tổ chức dưới sự chứng giám của cộng đồng làng, nóc.

Có dịp được chứng kiến nghi thức cúng bái của người Cor tôi ấn tượng nhất với mâm lễ, bởi tuy đơn giản nhưng lại chứa đựng nhiều nét huyền bí. Mâm cúng trong lễ cưới cũng như mâm cúng trong tất cả các dịp khác đều gồm 2 lượt cúng gà sống và gà chín. Già  Mít cho biết, con gà tượng trưng cho lòng thành của người dân dâng lên đất trời. Gà sống và chín thể hiện cho sự hòa hợp giữa âm và dương, trai và gái. Đó cũng đồng thời là ẩn dụ cho ước mơ con cái đầy đàn, gia đình sung túc. Trong lễ cưới, cha chồng làm lễ cúng rượu và hai bên cùng uống phép. “Cha chồng thắp nến sáp ong, cúng gà sống rồi sau đó tiếp tục cúng con gà luộc, chén cơm, bát nước. Cô dâu chú rể lần lượt làm lễ bắt ma cho nhau, chàng rể bốc ít cơm chấm vào gan gà, cá suối, nước bỏ lên đầu cô dâu 3 lần. Đến lượt mình, cô dâu cũng làm y như vậy”, già Mít chia sẻ. Từ sau nghi thức ấy cô dâu chú rể chính thức nên duyên vợ chồng. Để chung vui, cả làng ùa ra sân ca hát nhảy múa suốt ngày đêm quanh cây Nêu đã được dựng từ trước.

Mâm cúng là một trong những nét đặc sắc trong lễ cưới của người Cor.

Kể về chuyện cưới xin của người Cor, già Mít không khỏi bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng kháng chiến đồng bào ta phải sống trong rừng núi. “Hồi ấy khi làng có đám cưới cũng không thể dựng được cây Nêu vì sợ địch phát hiện. Đôi trai gái đến với nhau cũng chỉ làm lễ đơn giản, không có hội hè đình đám, bà con cũng không dám đốt lửa ăn mừng. “Sau này giải phóng, đồng bào lại mang cây Nêu ra dựng. Có cây Nêu cũng như có thần làng chứng giám vậy. Nhờ nó mà người Cor mới còn mãi đến ngày hôm nay”, giọng già làng như rưng rưng. Trải qua nhiều thăng trầm, trên mảnh đất An ninh khu V, người Cor vẫn đấu tranh kiên cường, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Với đồng bào nơi đây lễ cưới không chỉ là tục lệ mà còn biểu hiện vẻ đẹp của sự gắn bó cộng đồng, nét rực rỡ của y  phục dân tộc, của ẩm thực và diễn xướng âm nhạc. Tất cả cùng hòa quyện trong niềm vui,  phấn khởi của gia đình, họ  hàng  và cộng đồng làng, nóc. Và, với nét chấm phá ấy đồng bào Cor Bắc Trà My đã góp phần tô điểm cho bức tranh bản sắc tỉnh Quảng Nam thêm phần rực rỡ.

Đồng Dao