Đại án Canh Thân và câu chuyện người trong cuộc (2)
Kỳ cuối: Ngày đền tội của kẻ sát nhân
(Cadn.com.vn) - Tỉnh Nghĩa Bình (lúc bấy giờ gồm 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Đình) đang xảy ra lũ lụt lớn, nhiều nơi bị chia cắt nên CA tỉnh Nghĩa Bình không thể về Đức Phổ kịp khám nghiệm tử thi, hiện trường. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được thông tin, đồng chí Võ Minh Châu - Trưởng CAH Đức Phổ (lúc bấy giờ - P.V) cùng tổ công tác đã “vượt gió bão” để đến hiện trường điều tra vụ việc.
Ông Cát đau xót khi nhớ lại vụ án năm xưa. |
Đại tá Trần Hoàng Triệu - nguyên Chánh Thanh tra CA tỉnh Quảng Ngãi, lúc bấy giờ là Đội trưởng Đội CSHS CAH Đức Phổ vẫn nhớ như in thời khắc đó: “Trước sự chỉ đạo của lãnh đạo CA tỉnh, CAH chúng tôi tập trung bắt tay ngay vào khám nghiệm hiện trường, phối hợp đội ngũ y, bác sĩ khám nghiệm tử thi, điều tra vụ việc. Do ông Cát là người duy nhất sống sót nhưng bị thương nặng yếu nên chúng tôi không thể thu thập được thông tin vụ việc cũng như mô tả hình dáng hung thủ”.
Vụ việc cũng đặt ra nhiều nghi vấn, như đây là vụ án giết cướp, hay vì mâu thuẫn gia đình, hoặc tranh giành địa vị trong cơ quan ngân hàng... Bởi ông Cát nguyên là Trưởng Ngân hàng Đức Phổ, vợ buôn bán nhiều năm. Nhìn qua nhiều người nghĩ gia đình giàu có, trong khi đó vợ chồng không có con cái. Riêng vết thương ở chân ông Cát rất lạ, viên đạn xuyên từ bàn chân theo ống chân rồi lên đến đùi. Vậy nạn nhân bị bắn trong tư thế nào? Đó là câu hỏi làm cho Ban Chuyên án không khỏi phân vân, thắc mắc.
CAH Đức Phổ cũng đã tiến hành rà soát các đối tượng nghi vấn ở địa phương, nhưng vẫn chưa thấy ai khả nghi. “Lúc đó, tôi cứ áy náy mãi, hung thủ là ai, vì sao hắn lại có súng, động cơ hành động là gì?... Ông Cát là người có địa vị, lại là một chiến sĩ cách mạng lập được nhiều chiến công, rất nhiều ngụy quân, ác ôn bị ông loại khỏi vòng chiến đấu nên giả thuyết kẻ thù trong chiến tranh đến báo thù là điều cũng phải được đặt ra. Tuy nhiên, chúng tôi rà soát tại địa phương thì nhận thấy khả năng này không xảy ra. Một điều rất đáng lưu tâm là đối tượng rất am hiểu địa bàn mới có thể dụ ông Cát lên cầu Cây Gáo bắn hạ, sau đó giết luôn bà Lần rồi tẩu thoát một cách nhanh chóng không để lại dấu vết”, Đại tá Triệu cho biết thêm.
Điều may mắn là sức khỏe ông Cát hồi phục khá nhanh, vì vậy tổ trinh sát nhanh chóng bắt tay vào việc lấy thông tin. Ông Cát khai báo: “Vì lúc đó trời đã tối, lại mưa, hung thủ mang áo mưa kín mít nên tui không nhìn rõ mặt mũi hắn như thế nào, chỉ biết hắn nói giọng địa phương, người to cao và là một thanh niên”.
Cùng lúc đó, tổ trinh sát nhận được một số nguồn tin quan trọng: “Trong đám tang bà Lần và tại Bệnh viện Đức Phổ, Bệnh viện Quảng Ngãi đều xuất hiện một đối tượng có nhân dạng giống với những gì ông Cát mô tả. Thêm chi tiết quan trọng là người thanh niên lạ mặt trên thường xuyên đút tay trong túi quần mỗi lần tiếp cận ông Cát ở bệnh viện... Qua xác minh, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng xác định đối tượng tình nghi là Trần Huệ (1956, trú thôn Thanh Lâm, xã Phổ Ninh, H. Đức Phổ, tỉnh Nghĩa Bình). Huệ đang là sinh viên Trường Công nhân kỹ thuật cơ điện Quy Nhơn.
Từ những chứng cứ thu thập được, lực lượng CA tiến hành bắt giữ khẩn cấp Trần Huệ khi y đang ở với người yêu tại xã Đức Lân (H. Mộ Đức). Tại CQĐT, kẻ sát nhân Trần Huệ khai: Y đang là sinh viên, nhưng do ăn chơi thiếu nợ nhiều. Lâm đường cùng, y tìm kiếm gia đình giàu có để giết người cướp của lấy tiền vượt biên. Gia đình ông Cát lọt vào tầm ngắm chỉ vì Huệ nghe mọi người đồn ông giàu, hiện có rất nhiều vàng. Huệ khai nhận lên kế hoạch dụ ông Cát ra khỏi nhà rồi bắt trói, sau đó về uy hiếp bà Lần đưa hết tài sản cho y. Cướp được vàng, y sẽ hạ sát vợ chồng nạn nhân. Tuy nhiên, kế hoạch của y đã thất bại.
Huệ cũng khai nhận, đã nhiều lần tìm cách tiếp cận ông Cát ở bệnh viện để “diệt cỏ tận gốc”, nhưng không có cơ hội ra tay. Qua quá trình khai thác, lực lượng CA cũng đã bắt Lương Ngọc Quang (trú H. Hoài Nhơn, học cùng trường với Huệ). Đây là đối tượng đã cung cấp khẩu súng Colt 45 cho Trần Huệ gây án. Với tội giết người cướp của, Trần Huệ nhận bản án tử hình không lâu sau đó.
Ông Cát bên di ảnh của người vợ bị tên cướp sát hại. |
Nói về thành công phá nhanh vụ án, Đại tá Trần Hoàng Triệu chia sẻ: “Đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của ban chuyên án bấy giờ. Mặc dù lúc này đợt lụt lớn gây nhiều trở ngại, khó khăn, nhưng từ công tác rà soát đối tượng, xác minh điều tra cặn kẽ, thu thập được vỏ đạn… đã giúp chúng tôi tìm ra hung thủ trước khi y bỏ trốn”.
Nghĩ về người vợ cũ xấu số, ông Lê Quý Cát không khỏi xúc động. “Cuộc đời của vợ tôi luôn phải chịu thiệt thòi, không may mắn như nhiều phụ nữ khác. Năm 1953, chúng tôi lấy nhau khi bà Lần chỉ mới 19 tuổi, sinh được đứa con nhưng bị bệnh chết sau đó. Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc. Năm 1962, tôi vào hoạt động cách mạng đánh Mỹ tại chiến trường miền Nam. Chờ đến khi năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam tôi mới gặp bà. Bà chung thủy, chịu khổ, chịu khó chờ đợi tôi suốt hơn 20 năm. Chiến tranh không chia cách được chúng tôi, vậy mà chỉ vài năm sau hòa bình thì kẻ thủ ác lại cướp đi tính mạng vợ tôi”.
Án đã tuyên, người cũng đã về với cát bụi, nhưng nỗi đau năm Canh Thân cũng là dấu ấn khó quên đối với các ĐTV CAH Đức Phổ nói riêng và CA tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
B.Bình - H.Nguyễn