Báo Công An Đà Nẵng

Đại biểu truy vấn việc hụt thu từ đất, dự án động lực chậm trễ

Thứ sáu, 17/12/2021 16:49

Trong ngày làm việc thứ 2, Hội đồng nhân dân TP đã dành nhiều thời gian để thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế bền vững, khơi thông nguồn lực đất đai, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn về thay đổi kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn.

Khoan sức doanh nghiệp

Để phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều khó khăn, nhiều đại biểu cho rằng phải khoan sức doanh nghiệp (DN), tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Đại biểu Nguyễn Đình Tuấn nói, ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng, hầu hết DN hoạt động cầm chừng, cơ cấu trúc lại hoạt động. Hiện chi phí kết tinh vào giá thành sản phẩm dịch vụ trong đó giá thuê đất thương mại dịch vụ rất lớn. Trước dịch hoạt động DN bình thường, khách đông, có doanh thu hoạt động trả chi phí, lãi vay ngân hàng…Tuy nhiên đến giờ khách không có, nhà hàng khách sạn đóng cửa, nhưng giá thuê đất rất cao.

Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn. 

Đơn cử công ty vận tải Petrolimex trước năm 2019 giá thuê đất 1,2ha làm nơi đậu đỗ xe mỗi năm nộp 960 triệu đồng thì nay phải nộp 5,6 tỷ/năm. Cùng trên trục đường ven biển, giá thuê đất thương mại dịch vụ tại Điện Bàn 6,27 triệu/1m2 nhưng ở Đà Nẵng gấp 6-7 lần, trong khi cách không xa. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của DN. Đại biểu Tuấn đề nghị trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, để khoan sức DN phục hồi TP cần điều chỉnh giảm giá đất cho thuê. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho biết, theo chu kỳ 5 năm điều chỉnh giá đất 1 lần, mức tăng lên 4 lần như đại biểu phản ánh là chính xác. TP cũng đã tiếp cận, điều chỉnh giá đất thương mại dịch vụ giảm 10% góp phần gỡ khó phần nào cho DN. TP cũng tính toán giảm hệ số đất ngã ba ngã tư, điều chỉnh hệ số phân vệt các tuyến đường lớn theo hướng giảm. Tuy vậy, với bảng giá đất hiện tại, qua khảo sát giá thị trường không có đoạn đường nào có mức giá thấp hơn trong bảng giá đất.

Một số đại biểu cũng đề nghị TP khẩn trương xây dựng hạ tầng công nghiệp, CNTT để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, tránh phụ thuộc vào dịch vụ, du lịch như hiện nay. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm cho biết, hiện cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã xong giai đoạn 1, hoàn thành 30% giai đoạn 2. Cụm CN Hòa Nhơn giải tỏa được 80%. Với 3 KCN mới đang chờ Chính phủ ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để chọn nhà đầu tư triển khai. Ngoài ra, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, TP cũng cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư mạnh mẽ vào khu CNC, khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm số 2. Hiện có 18 nhà đầu tư, trong đó có 5 tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản đăng ký đầu tư vào CVPM số 2 và LG sẽ vào trước. Ngoài ra, TP cũng đang xúc tiến triển khai mạnh các dự án công nghệ của Viettel, khu Danang Bay của VNPT, khu CMC ở Hòa Xuân…

Các đại biểu chất vấn gắt gao việc phát sinh chi phí đền bù giải tỏa tại nhiều dự án.

Kinh phí giải tỏa đền bù tăng cao

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc phát sinh chi phí đền bù tại nhiều dự án trọng điểm dẫn tới đội vốn dự án, giảm hiệu quả đầu tư công, bà Trần Thị Thanh Tâm cho biết nguyên nhân vì qui trình, thủ tục đầu tư dự án quá lâu, qua nhiều khâu, nhiều bước, lấy ý kiến nhiều đơn vị. Từ đó, đơn giá đền bù tại thời điểm triển khai dự án đã tăng cao so với lúc lập chủ trương đầu tư. Nếu giữ mức giá cũ thấp, người dân không chịu bàn giao mặt bằng để dự án thi công. Cũng theo bà Tâm, giá đất thị trường trên địa bàn TP trong những năm gần đây tại nhiều khu vực tăng đột biến dẫn đến công tác vận động giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn tuyến đường 45m đoạn từ đường Hồ Ngọc Lãm đến đường Trương Định, giá đất từ năm 2016 đến nay tăng 8 lần (từ 4,8 triệu/1m2 lên 38,9 triệu/1m2); Tuyến đường Trục I Tây Bắc, giá đất từ năm 2016 đến nay tăng 4 lần (từ 5,2 triệu/1m2 lên gần 20 triệu/1m2).

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho biết, do không có kinh phí cho khâu khảo sát thực tế để lập chủ trương đầu tư, vì vậy các BQL thường khái toán theo kiểu đếm nóc nhà. Nhưng trong nóc nhà có nhiều thửa đất, nhiều loại đất, khi thực tế kiểm kê vào giải tỏa mới phát sinh tăng lên, làm tăng chi phí giải tỏa đền bù của dự án. Đại biểu chất vấn TP đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, vì sao khi lập chủ trương đầu tư các BQL không sử dụng mà lại làm kiểu "đếm nóc nhà"?. Ông Hùng cho biết, cơ sở dữ liệu đất đai TP có từ năm 2019, các BQL cần thì gửi văn bản tới Sở sẽ cung cấp cụ thể, chi tiết. Còn việc chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai để dùng chung phải theo qui định cụ thể. Tuy vậy, theo Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết, các dự án chậm trễ, phát sinh tổng mức đầu tư chủ yếu giai đoạn trước năm 2019 khi có cơ sở dữ liệu đất đai. Đơn cử như dự án đường vành đai phía Tây mà đại biểu phản án lúc khảo sát chỉ có hơn 600 hồ sơ giải tỏa nhưng khi triển khai tăng hơn 1,2 ngàn hồ sơ, được lập dự án từ năm 2017. Ông Tô Văn Hùng cũng chia sẻ, hiện trong cơ sở dữ liệu đất đai thống kê TP có khoảng 350 khu đất lớn để đấu giá kêu gọi đầu tư. Quỹ đất tái định cư còn hơn 15 ngàn lô có thể phục vụ cho việc đền bù giải tỏa để triển khai các dự án.

Vì sao hụt thu từ đất?

Đại biểu chất vấn vì sao nguồn thu từ đất phục vụ đầu tư công trung hạn mới thông qua 6 tháng trước là hơn 28,8 ngàn tỷ đồng, nay lại điều chỉnh giảm xuống còn hơn 17 ngàn tỷ đồng? Bà Tâm cho biết, do hiện nay TP đề xuất giảm tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn xuống còn hơn 44,1 ngàn tỷ đồng. Qua tính toán lại, trong giai đoạn từ nay tới 2025 sẽ giảm nguồn thu từ tiền sử dụng đất hơn 3,4 ngàn tỷ, giảm thu từ nguồn đấu giá đất hơn 5,8 ngàn tỷ, giảm thu từ nguồn đấu thầu dự án hơn 2,4 ngàn tỷ. Việc rà soát và điều chỉnh tổng nguồn thu dự kiến từ các nguồn như thu từ đấu giá, thu từ đấu thầu dự án và thu từ tiền sử dụng đất như trên, dẫn đến tổng số tiền dự kiến nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 giảm từ hơn 28,8 ngàn tỷ xuống còn khoảng 17 ngàn tỷ.

Đại biểu lại chất vấn, cơ sở nào để 6 tháng trước dự nguồn thu từ đất hơn 28,8 ngàn tỷ nay lại giảm xuống còn 17 ngàn tỷ. Điều này đã ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư công trung hạn. Phải chăng việc lập kế hoạch thiếu chặt chẽ. Ông Tô Văn Hùng trả lời, việc tính ra nguồn thu hơn 28,8 ngàn tỷ trước đây dựa vào nguồn thu tự thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ (tức thu tiền đất đã giảm 5%, 10%). Thu từ đấu thầu đất các dự án đầu tư. Thời điểm đó Sở KH&ĐT báo cáo có 4 dự án nhưng sau báo lại chỉ thực hiện được 2 dự án lớn. Ngoài ra còn nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất với quĩ đất hiện có. TP tiếp cận theo hướng thu đất cho thuê triển khai dự án thương mại dịch vụ trả tiền một lần. Sau đó TP có chủ trương chỉ một số khu đất thương mại dịch vụ lớn mới thu tiền một lần để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, có nhiều khu đất khác thu hàng năm để tạo nguồn thu ổn định.

Cũng theo ông Hùng, việc giảm nguồn thu từ đất không phải hụt thu. Hiện TP vẫn còn nhiều dư địa để khai thác nguồn thu từ đất. Trong đó, nguồn thu từ đất sau khi tháo gỡ vướng mắc của nhiều dự án trước đây sẽ rất lớn. Đơn cử như sau khi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 2 dự án khu đô thị Goldenhills và Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân sẽ tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách. "Đại biểu phản ánh việc đấu giá đất đầu tư nhiều dự án tiến hành chậm. Thực ra chúng tôi đang rà soát, xác định tiêu chí từng khu đất, đặc biệt về mức giá phải rất thận trọng. Bởi thực tế ở Đà Nẵng thời gian qua đã có những sai phạm rất nghiêm trọng trong định giá đất. Vì thận trọng, làm chắc nên sẽ chậm"- ông Hùng chia sẻ.

HẢI QUỲNH