Báo Công An Đà Nẵng

Đại cử tri có “phản bội” ông Trump?

Thứ hai, 19/12/2016 07:41

(Cadn.com.vn) - Tổng thống đắc cử Donald Trump hiện đang bận rộn xây dựng nội các và lên kế hoạch cho chương trình nghị sự khi lên nắm quyền. Nhưng trên thực tế ông chưa phải là tổng thống chính thức của nước Mỹ, cho đến khi được 538 đại cử tri bỏ phiếu bầu chọn.

Hôm nay (19-12), 538 đại cử tri sẽ thay mặt cho hàng triệu cử tri Mỹ bắt đầu nhóm họp để bỏ phiếu chính thức bầu tổng thống. Vai trò của đại cử tri được nâng tầm mạnh mẽ trong cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump “mất mặt” khi để thua người bại trận Hillary Clinton đến 3 triệu phiếu bầu phổ thông và bùng lên những tranh cãi về việc Nga can thiệp để giúp ông Trump  chiến thắng.

Theo kết quả bầu cử ngày 8-11, ông Trump dự kiến sẽ có 306 phiếu đại cử tri – vượt quá 270 số phiếu cần thiết. Trong nỗ lực cuối cùng trước giờ G, hàng ngàn người kêu gọi cử tri đoàn không bỏ phiếu cho ông Trump. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều đại cử tri tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump, nhiều người Mỹ đã lo về một kịch bản khủng hoảng cho nền chính trị Mỹ. Đó là khi có ít nhất 37 đại cử tri không bỏ phiếu cho ông Trump. Nếu kịch bản này xảy ra, tổng thống đắc cử sẽ không có đủ phiếu để trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ. Và khi đó, nếu bà Hillary Clinton có hơn 270 số phiếu bầu, bà sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, kịch bản này cũng khó xảy ra. Hiến pháp Mỹ không quy định ràng buộc các đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng viên mà họ đã tuyên bố lựa chọn. Tuy nhiên, uy tín và sự trung thành của các đại cử tri chính là thước đo cho giá trị dân chủ của Mỹ. Vì vậy, hiếm đại cử tri nào không bỏ phiếu theo cam kết. Trong lịch sử bầu cử Mỹ gần 100 năm qua chỉ chưa đến 10 đại cử tri bỏ phiếu không đúng theo cam kết.

Và trong trường hợp không ai trong hai ứng viên trên đủ số phiếu cần thiết để trở thành tổng thống, Quốc hội Mỹ sẽ phải vào cuộc để giải quyết vấn đề. Và tất nhiên, lúc đó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Vì vậy, có thể nói, áp lực đang đè nặng lên các đại cử tri, trong nỗ lực tránh để nước Mỹ tiếp tục rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị không lối thoát và chọn được một vị tổng thống được lòng dân.

Thanh Văn