Báo Công An Đà Nẵng

Dai dẳng bạo lực gia đình (Kỳ 1: Vén màn bí mật)

Thứ tư, 01/07/2020 17:26

Trong những năm qua, công tác phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn TP Đà Nẵng đạt nhiều kết quả, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn còn xảy ra, phổ biến là hành vi bạo lực về tinh thần, kinh tế, tình dục giữa vợ và chồng. Đây là hình thức BLGĐ rất khó nhận biết, là nguyên nhân đẩy các cuộc hôn nhân đứng trước bờ vực.

Tình trạng BLGĐ vẫn thường xuyên xảy ra khó phát hiện và xử lý.

Trong 10 năm qua, các cấp hội Phụ nữ đã tư vấn trực tiếp cho hơn 2.015 hội viên phụ nữ về các vấn đề mâu thuẫn gia đình và BLGĐ, giải quyết 328 đơn về BLGĐ. Nhìn chung, tình trạng BLGĐ rất khó phát hiện nhưng thường xuyên diễn ra trong cuộc sống gia đình. Đó là hành vi chồng cấm cản vợ đi làm, tham gia các hoạt động xã hội. Đó là hành vi chồng nghiện ngập bia rượu, cờ bạc thường xuyên bắt ép vợ đi làm kiếm tiền để tiêu xài, nướng vào "đỏ đen". Và ngay cả những hoàn cảnh người chồng "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" cũng là hành vi BLGĐ.

 

Hơn 10 năm gắn bó với Ban Gia đình - Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng, Trưởng ban Trần Thị Thu Huyền đã tư vấn nhiều trường hợp liên quan đến BLGĐ. Nếu như trước đây bà Thu Huyền ám ảnh bởi các vụ việc, tra tấn đánh đập, đâm chém giữa các thành viên trong gia đình thì hiện nay lại trăn trở với hành vi bạo lực tinh thần rất phổ biến trong xã hội hiện đại và khó tháo gỡ.

Bà Thu Huyền nhớ lại, tháng 4-2020, người đàn ông sinh năm 1991 (trú P. Thạch Thang, Q. Hải Châu) với khuôn mặt rầu rĩ, chán nản tìm đến Ban Gia đình - Xã hội để dốc bầu tâm sự và mong được tư vấn vì đang rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Sau khi kết hôn 2 năm, anh liên tục bị "khủng bố" tinh thần khi đứng giữa mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu thường xuyên lời qua tiếng lại. Mong muốn của người đàn ông trẻ mới bước vào ngưỡng cửa hôn nhân chỉ đơn giản là một bữa cơm đầm ấm nhưng thật xa vời, bởi mỗi lúc ngồi với mẹ thì mẹ liên tiếp kể tội nàng dâu và ngược lại khi bên vợ, vợ lại trách móc mẹ. Anh đành phải chọn lựa giữa bên tình và bên hiếu. Cũng giống như nhiều người đàn ông khác, anh nghĩ rằng dứt bỏ mẹ ruột là điều không thể và có lẽ ly hôn là lựa chọn để giải quyết mọi mâu thuẫn và thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương.

Tình trạng BLGĐ không chỉ xảy ra với những cặp vợ chồng trẻ mà đối với các cặp vợ chồng lớn tuổi, đã đi với nhau hơn nửa đời người cũng không ngoại lệ. Đó là hoàn cảnh của người phụ nữ năm nay 63 tuổi, giáo viên về hưu (trú P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ). Theo lời kể của bà Trần Thị Thu Huyền, tháng 5-2020 người phụ nữ này trong tâm trạng vừa bức xúc vừa tủi hờn tìm đến Ban Gia đình - Xã hội lên tiếng đòi lại sự công bằng. Theo lời nạn nhân, suốt 20 năm nay bà phải "nuốt hận" để tiếp tục chung sống với người chồng "cắm sừng" mình.

Cụ thể, người đàn ông mặc dù đang có hôn thú hợp pháp với bà nhưng lại có quan hệ bất chính với phụ nữ khác. Họ có với nhau hai mặt con. Chỉ vì muốn giữ gìn hạnh phúc bà làm ngơ. Tuy nhiên "cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng", vừa qua đứa con riêng của chồng tổ chức đám cưới có mời bà đến dự tiệc nhưng bà từ chối tham gia. Sau đó, người mà suốt một đời bà "đầu gối, tay ấp" lại có phản ứng tiêu cực, lấy đó làm cái cớ để chửi bới thậm tệ, đâm đơn ra tòa đòi ly hôn. 20 năm dài đằng đẵng sống trong cảnh bạo lực về tinh thần đến bây giờ khi "giọt nước tràn ly" bà mới đủ can đảm lên tiếng và đâm đơn "cầu cứu" các cơ quan chức năng mong đòi lại lẽ phải. Dường như sau tất cả những vết thương lòng người phụ nữ ấy đã dám buông tay "hạnh phúc bong bóng" kia để đổi lấy bình yên trong tâm hồn.

Bà Trần Thị Thu Huyền cho biết: "Đó chỉ là 2 vụ bạo hành tinh thần còn rất nhiều vụ việc khác trong năm nay. Riêng năm 2019 vừa qua có tất cả 37 vụ bạo lực tinh thần trong tổng số 117 vụ BHGĐ mà Ban Gia đình - Xã hội tiếp nhận tư vấn. Số vụ việc còn lại là các bạo lực về thân thể, kinh tế, tình dục".

Hiện nay, bên cạnh hình thức bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục vẫn diễn ra nhưng rất khó nhận biết. Bà Huyền kể lại, khi đang ngồi làm việc ở văn phòng, một người phụ nữ (trú Q.Hải Châu) đến gặp bà với vẻ mặt tức tối nhờ tư vấn về thủ tục ly hôn, phân chia tài sản. Theo lời người phụ nữ thuật lại, chồng chị ngang nhiên đưa bồ nhí về sống trong chính căn nhà chung cư mà chị phải lao động cật lực gom góp mới mua được. Khi phát hiện chuyện "động trời" đó, chị cương quyết ly hôn nhưng chồng không đồng ý. Bẵng đi một thời gian, cơn giận của chị dần nguôi ngoai, nhưng "ngựa quen đường cũ" chồng lại tiếp tục lén lút với người phụ nữ kia. Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn các vụ việc ngoại tình giữa các cặp vợ chồng, bà Huyền ngồi lại nói chuyện để tìm ra mấu chốt vấn đề.

Bà Huyền cho biết: "Thực ra, người đàn ông trong vụ việc trên là một nạn nhân của vụ BLGĐ mà cụ thể là bạo lực tình dục. Theo như người vợ trình bày thì 2 vợ chồng sống với nhau nhưng lại không sinh hoạt vợ chồng. Người vợ tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ, không muốn gần chồng mặc cho người chồng đòi hỏi "chuyện chăn gối". Khi hỏi cặn kẽ nguyên nhân thì người vợ cho biết là không có gì xảy ra, chỉ bản thân chị không muốn gần chồng. Bạo lực tình dục không chỉ là cưỡng bức, bạo dâm... mà việc lạnh nhạt, không đồng ý quan hệ tình dục cũng là một dạng bạo lực tình dục và người đàn ông trong câu chuyện trên cũng chính là nạn nhân. Khi không thỏa mãn đời sống vợ chồng đã có hành vi ngoại tình để lại những hậu quả đáng buồn".

Bà Huyền chia sẻ thêm, để có thể tìm ra nguyên nhân của những vụ BHGĐ bà phải ngồi nói chuyện rất lâu với nạn nhân cũng nhằm mục đích giúp các nạn nhân giải tỏa lòng mình. Đối với những vụ bạo hành tinh thần dựa trên tình cảm và pháp luật để tư vấn. Sau đó mỗi người sẽ đưa ra quyết định. Đối với vụ việc bạo hành mang tính chất nghiêm trọng sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xử lý và theo dõi kết quả.

                                        (còn nữa)

NGUYỄN LIÊN