Báo Công An Đà Nẵng

Dai dẳng bạo lực gia đình (Kỳ cuối: Nguyên nhân do đâu?)

Thứ năm, 02/07/2020 18:50

Trong mỗi người, khi đến tuổi trưởng thành ai cũng mưu cầu hạnh phúc và kết hôn là một trong những dự định đẹp đẽ của cuộc đời. Có chuyến đò đưa đến bến đỗ bình yên nhưng cũng có chuyến đò phải trải qua biết bao bão giông. Nơi đó hạnh phúc bị nhấn chìm bởi những trận bạo hành, bởi sự xuất hiện của người thứ 3, sự im lặng và cả những tổn thương. BLGĐ có lẽ là vấn nạn mà tất cả chúng ta đều đang quan tâm, mong muốn đẩy lùi nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng ngay cả khi đã có những biện pháp can thiệp.

Công tác tuyên truyền xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng tổ chức.

* Theo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 25/CT – TU của Thành ủy về phòng, chống BLGĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tình hình bạo lực gia đình trong 10 năm qua trên toàn thành phố xảy ra 1.957 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực thân thể chiếm 1.564 vụ, bạo lực tinh thần 302 vụ, bạo lực kinh tế 84 vụ, bạo lực tình dục 7 vụ. Theo đó, 100% số vụ bạo hành đã có các biện pháp can thiệp, xử lý. Cụ thể, trong số 1.957 vụ BLGĐ, 592 vụ người gây bạo lực được góp ý, phê bình tại khu dân cư, 23 số người gây bạo lực được giáo dục tại phường, xã, 7 người gây bạo lực bị cấm tiếp xúc, 967 người gây bạo lực bị xử lý hành chính, 48 người gây bạo lực bị xử lý hình sự, 320 người được tư vấn, hòa giải.

Bên cạnh xử lý các hành vi BLGĐ, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với các tầng lớp người dân cũng được các cơ quan chức năng quan tâm. Các mô hình phòng chống BLGĐ tại cộng đồng ra đời như mô hình tổ phản ứng nhanh phòng chống BLGĐ do Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã H. Hòa Vang thành lập với hơn 1.000 thành viên; Mô hình Địa chỉ tin cậy phòng chống BLGĐ do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP triển khai để tạo ra chỗ dựa tinh thần, nơi hòa giải những bất hòa, mâu thuẫn giúp các gia đình tìm lại sự yên ấm, hạnh phúc. Đến nay toàn thành phố có 721 “Địa chỉ tin cậy”; Mô hình CLB Nam giới “Phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em” với 14 CLB ra đời, thành viên của CLB đều là nam giới, những người nòng cốt, có ảnh hưởng tại khu dân cư”. Thế nhưng, thực tế đáng buồn đó là nạn BLGĐ vẫn chưa được đẩy lùi và tái diễn tình trạng bạo hành với những vụ việc đã được xử lý trước đó.

Theo bà Trần Thị Thu Huyền - Trưởng ban Gia đình – Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Đà Nẵng: “Thống kê thì có 58% phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ. Mặc dù có nhiều vụ việc BLGĐ đã đưa ra ánh sáng và các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ lại tiếp tục tái diễn đối với các nạn nhân đó. Nguyên nhân là do bản thân người phụ nữ không dứt khoát mối quan hệ sau khi đã ly hôn”.

Hiện nay, rất nhiều trường hợp đã xử lý ly hôn nhưng lại chung sống với nhau như vợ chồng. Đơn cử hoàn cảnh của một phụ nữ (trú tại đường Đống Đa, Q. Hải Châu), tòa đã xử lý ly hôn vào năm 2015 nhưng sau đó 2 người lại quay về chung sống với nhau như vợ chồng và có thêm một đứa con chung. Trong khi đó, bản thân người chồng bị nghiện ma túy, thường xuyên đánh đập, chửi bới. Có lần đánh chị phải nhập viện may 6 mũi và chị phải chạy về nhà tạm lánh ở P. Tam Thuận, Q. Thanh Khê. Đó không phải là trường hợp duy nhất. Theo bà Huyền, rất nhiều gia đình xảy ra nạn bạo lực sau khi ly hôn vì mâu thuẫn trong phân chia tài sản. Có những trường hợp đã cầm trên tay tờ giấy quyết định ly hôn nhưng lại về sống chung một nhà, lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn của BLGĐ.

Hiện nay, nhiều gia đình vẫn còn quan niệm BLGĐ là một vấn đề riêng tư, nhạy cảm. Chuyện vợ chồng mâu thuẫn cãi cọ dẫn đến đánh chửi nhau là khó tránh khỏi trong cuộc sống. Các cặp vợ chồng vẫn mang tâm lý việc tố cáo bạo hành là hành động “vạch áo cho  người xem lưng”. Nhiều trường hợp đổ vỡ lại muốn hàn gắn vì con cái. Từ đó, xử lý vi phạm pháp luật về BLGĐ cũng gặp nhiều khó khăn do nạn nhân và người thân trong gia đình không hợp tác, hàng xóm, láng giềng ngại va chạm không tố giác. Việc nắm bắt thông tin để tiến hành các biện pháp hỗ trợ, xử lý các vụ việc liên quan đến BLGĐ gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng ban Nếp sống, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho biết: “Việc xử lý các hành vi vi phạm Luật phòng chống BLGĐ đôi lúc, đôi nơi chưa kịp thời, thiếu tính răn đe. Hiệu quả của công tác tư vấn, hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình chưa cao; chủ yếu tập trung giải quyết, can thiệp các vụ việc bạo lực về thể chất; các hình thức bạo lực khác chưa được quan tâm phát hiện và giải quyết kịp thời; chưa chú trọng phòng, ngừa. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực tinh thần là một hình thức bạo lực rất khó phát hiện và có bằng chứng cụ thể, chính vì vậy để phát hiện ra những vụ bạo lực gia đình về tinh thần cần có sự hợp tác và tố giác của chính những nạn nhân bị BLGĐ”.

Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội TP. Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Mai cho hay: “Hiện nay Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội luôn sẵn sàng tư vấn tâm lý, cùng những nạn nhân của BLGĐ xây dựng kế hoạch trong cuộc sống, hỗ trợ sinh kế. Tuy nhiên, đến nay trung tâm chưa thể kết nối, tiếp cận với các ca BLGĐ để giúp đỡ”.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về gia đình ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không ổn định để theo dõi và chưa nắm bắt kịp thời tình hình ở cơ sở. Đầu tư nguồn lực cho công tác này chưa nhiều, còn quan niệm coi BLGĐ là “chuyện riêng của mỗi nhà”, là trách nhiệm của hội phụ nữ; nên kết quả công tác phòng chống BLGD chưa đạt kết quả như mong muốn.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao trong thời gian tới, Sở tiếp tục tuyên truyền về phòng chống BLGĐ dưới nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm để thu hút nhiều thành phần người dân tham gia, qua đó nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình góp phần hạn chế được tình trạng BLGĐ. Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hòa giải, giáo dục, cảm hóa để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác này. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn kỹ năng hòa giải trong các vụ mâu thuẫn gia đình cho các hòa giải viên tại cơ sở nhằm hạn chế các vụ mâu thuẫn dẫn đến BLGĐ.

NGUYỄN LIÊN

>> Dai dẳng bạo lực gia đình (Kỳ 1: Vén màn bí mật)