Báo Công An Đà Nẵng

Đại học Bách khoa Đà Nẵng: Tiên quyết là đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

Thứ bảy, 03/11/2018 13:06

Là một trong những trường đại học (ĐH) đào tạo chuyên ngành về kỹ thuật, công nghệ có uy tín của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, trong quá trình đào tạo, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng (ĐHBKĐN) luôn xác định để giữ vững và nâng cao thương hiệu, vị thế cho nhà trường, điều kiện tiên quyết chính là đảm bảo chất lượng đào tạo gắn với đầu ra việc làm cho người học.

Đại diện lãnh đạo các DN trao đổi với SV ĐHBK Đà Nẵng về hướng nghiệp.

Đến nay, Trường ĐHBKĐN đã mời được hơn 100 doanh nghiệp (DN) tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo của 15 chuyên ngành, hầu hết đều là  những DN có thương hiệu và uy tín trên thị trường Việt Nam.

Chủ động tìm đến doanh nghiệp

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời hội nhập, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, Trường ĐHBKĐN thực hiện phương châm đào tạo kiến thức cho người học theo hướng DN, đơn vị cần, chứ không phải kiến thức do nhà trường có sẵn. Ngoài việc thường xuyên tổ chức khảo sát, lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía các đơn vị, DN về nhu cầu, xu hướng của thị trường tuyển dụng lao động, nhà trường đã tích cực chủ động mời các DN tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, tham gia vào hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp cho sinh viên (SV), tổ chức nhiều buổi tọa đàm, đối thoại giữa DN với SV...

Thông qua việc chủ động tiếp cận này, nhà trường đã đặt vấn đề với các đơn vị, DN về việc tuyển dụng SV của trường vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2017, có 56 DN tham gia tuyển dụng 1.228 SV tốt nghiệp của nhà trường với mức lương thỏa thuận, trong đó có 11 DN tuyển dụng không giới hạn. Từ đầu năm 2018 đến nay, có 58 DN tham gia tuyển dụng 1.188 SV của trường vừa tốt nghiệp với mức lương khởi điểm từ 5- 22 triệu đồng, hoặc mức lương thỏa thuận; trong đó, riêng công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải đã tuyển dụng 500 người. Đáng nói hơn, có 8/58 DN có kế hoạch về việc tuyển dụng hàng năm với nhà trường.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh- Hiệu trưởng Trường ĐHBKĐN- được biết, có ngành SV tốt nghiệp không đủ số lượng để DN tuyển dụng. Đơn cử tại lễ tốt nghiệp vừa qua, có 2 DN đến trường liên hệ để tuyển dụng 50 SV tốt nghiệp ngành Công trình thủy nhưng chỉ có 30 SV chuyên ngành này tốt nghiệp trong đợt này. Một trong những ngành “hót” của trường được TP  “đặt hàng”, đề nghị tăng thêm chỉ tiêu đào tạo là ngành CNTT...

PGS.TS Đoàn Quang Vinh- Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng trao học bổng khuyến khích tài năng cho các SV đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.  Ảnh: P.T

Tương hỗ trong quá trình đào tạo

Để đáp ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng, có 2 vấn đề được Trường ĐHBK Đà Nẵng luôn chú trọng là kiến thức truyền đạt cho SV và kỹ năng cần trang bị cho SV khi ra trường. Bởi cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, khoa học kỹ thuật, yêu cầu về mặt bằng kiến thức mà DN cần đối với người lao động vì thế cũng thay đổi. Theo đó, tập thể sư phạm Trường ĐHBKĐN xác định phải không ngừng tự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo với một quyết tâm rất lớn từ BGH đến đội ngũ giảng viên, nhân viên và SV.

Thực tế không phải DN nào cũng mặn mà, tích cực tiếp nhận SV đến thực tập. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân để đảm bảo an toàn sản xuất, bảo mật thông tin, quản lý SV trong quá trình thực tập v.v. Nếu thời bao cấp, việc tiếp nhận SV đến thực tập tại các đơn vị, DN được xem là một trong những tiêu chí bắt buộc, thì hiện nay, Nhà nước không có quy định ràng buộc này đối với DN, đơn vị. Theo đó, việc tiếp nhận SV đến thực tập chủ yếu dựa trên cơ sở tự nguyện. Mặt khác, so với mặt bằng 2 đầu đất nước, số lượng DN, cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng, khu vực miền Trung- Tây Nguyên không nhiều, chủ yếu là DN vừa và nhỏ, thiếu những công nghệ tiên tiến, quy mô, trình độ tổ chức sản xuất không lớn. Trong khi đó, số lượng SV của ĐHĐN trong đó có ĐHBKĐN khá lớn, nên SV thiếu cơ hội được thực tập trong môi trường sản xuất lớn... Nhận thức rõ khó khăn này, trong quá trình hợp tác, trường ĐHBKĐN đã thẳng thắn đặt vấn đề về trách nhiệm của các đơn vị, DN đối với nhà trường trong quá trình phối hợp đào tạo. Theo đó, bản thân DN cũng phải coi việc tham gia vào quá trình đào tạo của các trường, tư vấn góp ý cho nhà trường, tiếp nhận và hướng dẫn SV đến thực tập cũng chính là trách nhiệm của mỗi DN. “Bởi, xét cho cùng, DN chính là người sử dụng đầu ra của các trường đào tạo”- PGS.TS Đoàn Quang Vinh bày tỏ quan điểm. Nhờ sự tương hỗ trách nhiệm qua lại này đã góp phần đảm bảo chất lượng đầu ra của Trường ĐHBKĐN. 

Trên cơ sở hồi đáp, phản ánh của các đơn vị, DN về những hạn chế của SV, chủ yếu tập trung vào kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, giải quyết vấn đề, trình độ ngoại ngữ..., Trường ĐHBKĐN đã nghiên cứu, thay đổi nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy. Theo đó, nhà trường đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo (CTĐT) tiên tiến, chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của người học và xã hội.

Song song, trường rất chú trọng đến công tác kiểm định chất lượng (KĐCL), đặc biệt là KĐCL quốc tế nhằm nâng cao uy tín, vị thế của nhà trường trên trường quốc tế. Theo đó, ĐHBKĐN là một trong 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam  KĐQT đạt chất lượng Châu Âu theo Tiêu chuẩn HCERES. Nhiều CTĐT, đặc biệt là các CTĐT chất lượng cao, CTĐT tiên tiến đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CTI) và đạt chuẩn chất lượng theo đánh giá của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (AUN-QA)... Với những nỗ lực đó, Trường ĐHBKĐN xứng đáng là trường ĐH nòng cốt của ĐHĐN.

P.THỦY