Báo Công An Đà Nẵng

Đại học Đà Nẵng: Nhịp cầu tri thức Việt – Lào

Thứ sáu, 30/11/2018 12:28

Với hàng trăm lưu học sinh (LHS) Lào đến để học tập, nghiên cứu, Đà Nẵng trở thành một trong những cái nôi liên kết đào tạo, vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước. Và, Đại học (ĐH) Đà Nẵng được LHS Lào lựa chọn là nơi để bắt nhịp cầu tri thức.

Tổ chức Tết Bunpimay cho LHS Lào tại Trường ĐH Sư phạm. Ảnh: T.Thảo

* Từ khóa đầu tiên năm 2002 đến nay, Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 750 lưu học sinh Lào từ các tỉnh Champasak, Sekong, Savanakhet, Salavan, Attapeu, ĐH Quốc gia Lào… theo học tiếng Việt, đại học và cao học các chuyên ngành sư phạm và kinh tế. Trong năm học 2017-2018, thành phố cấp học bổng cho 42 học viên của các tỉnh Nam Lào sang theo học tại Đà Nẵng. Học bổng bao gồm 1 năm học dự bị tiếng Việt và khóa học chuyên ngành tại một trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Hiện nay đang có 194 lưu học sinh Lào đang theo học tại ĐH Đà Nẵng theo chương trình học bổng của thành phố. Ngoài ra, xu hướng các cán bộ và sinh viên Lào học tự túc tại Đà Nẵng ngày càng tăng, hiện nay có khoảng hơn 300 sinh viên Lào đang theo học tại Đà Nẵng theo diện tự túc.

Khampatha Souphavady, sinh viên ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng cho biết, lý do bạn chọn Việt Nam để học tập là vì Việt Nam cho chúng tôi cảm giác ấm cúng như ở quê nhà. Các bạn sinh viên ở trường rất thương yêu đùm bọc các học sinh Lào, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, tạo cảm giác gần gũi như đang ở nhà. "Chỉ có ở Việt Nam mới dành cho Lào tình cảm như thế".

LHS Lào ở Đà Nẵng được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hết mức cả về cơ sở vật chất lẫn đời sống văn hóa, tinh thần. Mới đây, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Ký túc xá sinh viên quốc tế trị giá hơn 30 tỷ đồng tại khuôn viên trường. Ngoài ra, trường cũng đã tự đầu tư thêm kinh phí để hoàn thiện, nâng cao phần nội thất bên trong. Ký túc xá "5 sao" hiện đại gồm 5 tầng với 36 phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại, đáp ứng hơn 200 chỗ ở cho LHS. Với trang thiết bị, nội thất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, khu bếp tập thể và khu căng-tin tiện nghi, sang trọng. "Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần hỗ trợ các LHS Lào đang học tập tại trường, đây là bước tiến lớn trong nỗ lực quốc tế hóa môi trường đào tạo của Nhà trường, đồng thời sẽ là cột mốc mới trong mối quan hệ hợp tác của 2 nước trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo", PGS.TS Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Đào Hữu Hòa, hiện số lượng sinh viên Lào theo học tại trường kinh tế khá đông. Tính đến nay, trường đã đào tạo cho nước bạn được hơn 600 sinh viên ra trường. Trong đó có nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh. Những năm qua nhà trường luôn có các chính sách ưu tiên cho các LHS quốc tế như Lào, Campuchia, Hàn Quốc… Hàng năm đều có cấp học bổng khuyến học cho 10% đến 25% tổng số LHS quốc tế tại trường và thường xuyên chăm lo, hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Để các em có cơ hội hòa nhập với cuộc sống mới và có nhiều cơ hội tiếp xúc với người bản xứ, giúp nâng cao vốn tiếng Việt, Trường ĐH Kinh tế còn phối hợp với Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức chương trình homestay (ở nhà dân) trong thời gian 2 tuần để LHS Lào có thể hiểu thêm về nếp sống văn hóa và con người Việt Nam.

Nhiều năm qua, không chỉ đảm bảo nơi ăn, chốn ở, các sinh viên của xứ "triệu Voi" còn được tạo điều kiện tốt nhất để học tập, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao. Là nơi đào tạo tiếng Việt cho LHS Lào trong toàn ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm đã biên soạn tập giáo trình "Tiếng Việt thực hành" dùng riêng cho LHS Lào. Hiện tại trường có 106 LHS Lào học tiếng Việt, 50 LHS Lào học chuyên ngành và sau đại học. "Một số LHS Lào được tạo điều kiện ở trong ký túc xá của trường miễn phí với trang thiết bị đầy đủ. Mỗi sinh viên Lào có một sinh viên Việt Nam giúp đỡ để làm quen với môi trường sống và học tốt hơn", Ths Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm chia sẻ.

Mỗi dịp lễ, Tết cổ truyền của người Việt hay Tết của người Lào như Bunpimay, ngày Quốc khánh các ký túc xá của trường đều treo băng rôn chào mừng, tổ chức văn nghệ và chương trình giao lưu ẩm thực Việt - Lào với các món ăn đặc sản của hai đất nước. Nhiều bạn LHS còn tham gia vào các câu lạc bộ kỹ năng, câu lạc bộ tình nguyện của Hội Sinh viên và Đoàn thanh niên. Từng gặp gỡ bạn Sisomphone Hansana, sinh viên năm 3, ngành quản lý tài nguyên - môi trường tại chương trình "60+ Yêu thương" của Đội Công tác xã hội Trường ĐH Sư phạm, nếu không được giới thiệu thì có lẽ không ai biết Sisomphone là một LHS Lào. Sisomphone cùng một vài người bạn khác nhiệt tình tham gia làm sạch bãi biển Xuân Thiều và tặng quà cho các cô chú công nhân vệ sinh. "Em thích làm tình nguyện, theo chân giúp đỡ nhiều người ở các nơi khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Vừa tham gia, mình vừa hiểu biết, học hỏi và có cơ hội giao lưu nhiều hơn với các bạn Việt Nam", Sisomphone vui vẻ cho biết.

 Sisomphone Hansana (người đầu tiên) tham gia hoạt động tình nguyện cùng sinh viên Việt Nam. Ảnh: T.HƯNG

Được biết, ngoài liên kết đào tạo trong nước, ĐH Đà Nẵng còn mở rộng hợp tác hợp tác, đặt cơ sở đào tạo ngay trên chính đất nước Lào. Chính quyền thành phố và tỉnh Champasak đã cam kết tạo điều kiện cho việc trao đổi đoàn giữa ĐH Đà Nẵng và phân hiệu ĐH Quốc gia Lào tại Champasak. Hiện, ĐH Kinh tế cũng đang kết nối với các cơ quan chức năng để tiến tới mở một cơ sở đào tạo với ĐH Quốc gia Lào nằm ở Thủ đô Vientiane trong năm 2019. "Đây sẽ là bước tiến lớn trong nỗ lực quốc tế hóa môi trường đào tạo của nhà trường, đồng thời sẽ là cột mốc mới trong mối quan hệ hợp tác của 2 nước trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo", PGS.TS Đào Hữu Hòa chia sẻ thêm.

Theo Sở Ngoại vụ, nhằm tạo điều kiện hết sức trong hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước, một số sở ban ngành trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận sinh viên Lào thực tập tại cơ quan để các em trải nghiệm thực tế trong công tác quản lý, điều hành. Chính quyền thành phố cũng đã hỗ trợ xây dựng nhiều Trung tâm dạy tiếng Việt và nâng cấp trường học tại các tỉnh Trung và Nam Lào. Trong các chuyến thăm và làm việc tại Lào, thành phố đã trao tặng nhiều trang thiết bị trường học như máy vi tính, máy in, bàn ghế học sinh... Năm học 2018 - 2019, thành phố đã cử 8 giáo viên sang dạy tiếng Việt tại 4 trung tâm tiếng Việt ở Lào.

Các nỗ lực trong hợp tác giáo dục của chính quyền và nhân dân thành phố đã góp phần vun đắp tình hữu nghị keo sơn giữa hai nước, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của nhân dân hai nước.

MAI VINH