Báo Công An Đà Nẵng

Đai học Huế: Nhiều ngành học tiếp tục “ế ẩm”

Thứ bảy, 24/05/2014 10:52

(Cadn.com.vn) - Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014, TT-Huế có đến 24 ngành học, chiếm khoảng hơn 20% số ngành tỷ lệ “chọi” dưới 1 (hồ sơ dự thi thấp hơn so với chỉ tiêu).

Từ những ngành khoa học cơ bản...

Trong số các Trường, Khoa, Phân hiệu trực thuộc ĐH Huế, Trường ĐHKH Huế tuyển sinh 24 ngành nhưng trong đó có 13 ngành có số thí sinh (TS) nộp hồ sơ dự thi thấp hơn chỉ tiêu.

Cụ thể, các ngành: Xã hội học, chỉ tiêu (CT) 50 nhưng chỉ có 39 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT); ngành Vật lý học, CT 60 nhưng chỉ có 23 hồ sơ ĐKDT, ngành Địa chất hóa học CT 66 nhưng chỉ có 10 hồ sơ ĐKDT; ngành Kỹ thuật Trắc địa-Bản đồ CT 67 nhưng chỉ có 12 hồ sơ ĐKDT; ngành Toán ứng dụng tuyển 60 CT nhưng chỉ có 7 hồ sơ; ngành Ngôn ngữ học, CT 50 nhưng chỉ có 13 hồ sơ; ngành Ngữ văn, CT 50 nhưng chỉ có 32 hồ sơ ĐKDT; ngành Triết học, CT 40 nhưng chỉ có 28 hồ sơ dự thi...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tận  -Hiệu Trưởng Trường ĐHKH Huế đây là tình trạng chung những năm gần đây. Nói về nguyên nhân TS không mặn mà với các ngành khoa học cơ bản, theo PGS.TS Nguyễn Văn Tận, trước đây các ngành khoa học cơ bản rất được coi trọng và lượng thí sinh thi vào hàng năm rất đông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi cơ chế thị trường và nhu cầu thị trường thay đổi nên TS đều chạy đua thi vào các ngành “hot”...

Trao đổi về tình trạng các ngành học có số lượng hồ sơ ĐKDT quá thấp, e rằng không đủ sinh viên để đào tạo, PGS Tận nói, về vấn đề đó nhà trường không lo lắng, bởi ngoài NV1, chắc chắn sẽ có một lượng TS chọn NV2, NV3 vào các ngành trên. Tuy nhiên, điều lãnh đạo trường băn khoăn là chất lượng đầu vào không được cao. Những năm gần đây, một số ngành học ở nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước sau nhiều năm tuyển không đủ chỉ tiêu đã tạm thời “đóng cửa”.

PGS Nguyễn Văn Tận cho biết, năm 2011, Trường cũng tạm dừng đào tạo ngành Triết học trong 1 năm do không có sinh viên. Nhưng, sau đó mở lại ngành học này dù lượng TS không đủ chỉ tiêu đề ra. Bởi, cùng với ngành triết, ngành Hán-Nôm, Ngôn Ngữ dù không đủ chỉ tiêu nhưng vẫn đào tạo vì đây là các ngành học cơ bản, đặc thù. Nhằm thu hút thí sinh dự thi vào ngành Triết học, những năm gần đây và cả năm nay, nhà trường miễn, giảm học phí cho sinh viên.

Theo PGS Nguyễn Văn Tận, cũng như Trường ĐHSP, để thu hút thí sinh học các ngành khoa học cơ bản như: Toán, Lý, Văn, Sử..., Nhà nước cần có chính sách miễn giảm học phí. Không cần phải tuyển dụng nhiều mà cơ bản chú trọng vào chất lượng. Nếu Nhà nước không kịp thời có chính sách đối với các ngành khoa học cơ bản thì lâu dài nước ta sẽ không có các nhà Toán học, Văn học xuất sắc...

Tương tự, Trường ĐHKH Huế, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị tuyển 3 ngành, thỉ cả 3 ngành số hồ sơ ĐKDT đều thấp hơn nhiều so với CT. Đó là các ngành: công nghệ kỹ thuật môi trường CT 50, hồ sơ dự thi là 11; kỹ thuật điện, điện tử CT 55, chỉ có 15 hồ sơ dự thi và Kỹ thuật công trình xây dựng tuyển 50 CT nhưng chỉ có 19 hồ sơ...

Thí sinh dự thi vào ĐH Huế năm 2013.

... Đến ngành mới mở

Lần đầu tiên, ĐH Huế tuyển mới 9 ngành, là các ngành Quản lý tài nguyên và môi trường (Trường ĐH Khoa học), Lâm nghiệp đô thị, Kỹ thuật cơ-điện tử (Trường ĐH Nông Lâm), Marketing, Kiểm toán, Quản trị nhân lực, Kinh doanh thương mại, Kinh doanh nông nghiệp, Kinh tế nông nghiệp (Trường ĐH Kinh tế).

9 ngành này đã được Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Huế họp và thông qua trên cơ sở hội đủ các tiêu chí xét tuyển mã ngành mới theo thông tư 54 của Bộ GD-ĐT. Với 9 ngành mới mở này, năm 2014, Đại học Huế sẽ tuyển sinh tổng số 103 ngành, tăng 7 ngành so với  năm ngoái.

Việc mở các ngành mới xuất phát từ nhu cầu của thị trường, tuy nhiên các ngành mới như: Kiểm toán, Quản trị nhân lực, Kinh doanh thương mại, Kinh doanh nông nghiệp của Trường ĐH Kinh tế, số lượng thí sinh nộp hồ sơ cũng rất khiêm tốn. Như vậy, số lượng ĐKDT vốn đã thấp hơn nhiều so với CT và chắc chắn số thí sinh dự thi chính thức sẽ thấp hơn số lượng ĐKDT, có nghĩa là các ngành học này đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh “chợ chiều”.

H.Lan