Báo Công An Đà Nẵng

Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5: Đà Nẵng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế khai thác tài nguyên

Thứ năm, 19/11/2015 07:57

(Cadn.com.vn) - Tại phiên họp với chủ đề “Hành động của địa phương góp phần vào cam kết toàn cầu” trong khuôn khổ Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 (PEMSEA), Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng, được các đại biểu đánh giá cao. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, Đà Nẵng đã xác định rõ các  giải pháp của nền kinh tế xanh trong lộ trình xây dựng TP thân thiện với môi trường.

Theo đó, đến năm 2020, sẽ đạt đủ các yêu cầu về chất lượng  môi trường đất, nước, không khí, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho cư dân sinh sống trên địa bàn. Đà Nẵng cũng có đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục sư cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức cao nhất của người dân.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, việc triển khai một cách nghiêm túc  các cam kết quốc tế  mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết thể hiện trách nhiệm của TP Đà Nẵng đối với khu vực cũng như toàn cầu. Và việc thực hiện các cam kết cũng mang lại cho TP nhiều cơ hội trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ. “TP Đà Nẵng của chúng tôi cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một đô thị phát triển bền vững, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, lấy đó làm tiền đề phát triển các ngành KT-XH, thương mại dịch vụ và an ninh quốc phòng” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi với mong muốn lãnh đạo TP chỉ ra một số hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, kết quả xây dựng TP thân thiện với môi trường và chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ, qua đó nhằm thu hút các đối tác, nhà tài trợ tìm đến Đà Nẵng tham gia? Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn chứng: Như thời gian 5 năm qua, Đà Nẵng đã tổ chức sự kiện “ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp”, phát động tất cả các địa phương tham gia dọn dẹp môi trường.

Ở hoạt động này, từng địa phương đều có trách nhiệm tuyên truyền, tổ chức bài bản phong trào, và mỗi người dân đều tham gia, còn TP hỗ trợ công cụ, phương tiện. Hay việc thu gom rác thải tại nguồn trước khi đưa ra khu thu gom rác tập trung, cũng được người dân đồng tình ủng hộ, có ý thức trong việc phân loại rác. Hay chương trình mỗi đơn vị là một địa điểm môi trường, nếu khi nào có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh môi trường, đơn vị ấy sẽ tổ chức dọn dẹp. Thực hiện chương trình này, hàng quý, mỗi năm đều có tổng kết, đề xuất khen thưởng.

Về những thành tựu chung, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, Đà Nẵng đã từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khai thác chức năng vị thế. Như năm 2001 dịch vụ chiếm 50% GDP thì đến năm 2015 chiếm hơn 61%. Đà Nẵng cũng đã từ chối rất nhiều dự án công nghiệp lớn, nhưng có khả năng đe dọa tới môi trường. Bởi vai trò của môi trường ngày càng được quan tâm xem xét nhiều hơn. Và giá trị của hệ thống tự nhiên được lượng giá một cách thích đáng hơn trong các quyết định quản lý, các kế hoạch phát triển của TP. Nhờ vậy, TP kiểm soát được ô nhiễm môi trường, các thông số chất lượng môi trường đều đạt chuẩn Việt Nam; tài nguyên được bảo vệ, đặc biệt là các hệ sinh thái vùng ven bờ biển. 

Về việc tham gia Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, đây chính là công cụ phát triển bền vững của TP. Qua thực hiện chương trình đã có những đóng góp đáng kể vào việc quản lý hiệu quả tài nguyên và môi trường vùng bờ tại địa phương, làm cơ sở cho việc thực hiện đề án Đà Nẵng – TP thân thiện với môi trường.

Thông qua chương trình, TP đã xây dựng được chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ. Đó là nền tảng cho việc triển khai các hoạt động liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường, và cũng là cơ sở cho các bên liên quan xây dựng kế hoạch ngành, địa phương, hạn chế việc chồng chéo và mâu thuẫn trong quản lý và phát triển.

Công Hạnh