Báo Công An Đà Nẵng

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai: Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự lực tự cường

Thứ ba, 01/12/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 30-11, tại TP Pleiku (Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất. Đây là đại hội điểm của khu vực Tây Nguyên, có sự tham dự của hơn 300 đại biểu chính thức đại diện cho 33 dân tộc thiểu số sinh sống tại Gia Lai.

Theo số liệu điều tra, dân số Gia Lai hiện có 1.289.000 người, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,5%, trong đó chủ yếu là dân tộc Gia Rai và Ba Na. Cộng đồng DTTS tỉnh Gia Lai có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, nguyện một lòng đi theo Đảng. Đại hội cũng là ngày hội của 33 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Gia Lai có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.

Các phong trào thi đua “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ Tổ quốc”,... đã trở thành động lực thúc đẩy KT-XH phát triển. Các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào được các cấp chính quyền tạo điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; đồng bào các DTTS, đồng bào có đạo ngày càng hiểu rõ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng...

Tham dự đại hội có 33 DTTS là cư dân bản địa và di cư từ phía Bắc vào đều có chung một niềm vui được hội ngộ, giao lưu và thể hiện tình đoàn kết bền vững. Chị Bế Thị Hợi (dân tộc Tày, trú tổ dân phố 1, TT. Chư Prông, H. Chư Prông, Gia Lai) tâm sự: “Tôi rất phấn khởi khi đại diện cho dân tộc mình tham dự đại hội lần này.

Qua đại hội này, các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Gia Lai được gặp gỡ, giao lưu. Sự cởi mở, gần gũi đã khích lệ các đại biểu, các dân tộc trên địa bàn tỉnh thể hiện được bản sắc dân tộc mình. Đồng thời qua đó đã thấy được bản sắc của các dân tộc bạn. Đồng bào dân tộc Tày chúng tôi di cư vào đây cũng khá nhiều, gia đình tôi đã di cư vào đây được 21 năm. Chúng tôi chung sống với đồng bào các dân tộc bản địa Gia Rai, Ba Na, Ê-Đê,...  thương yêu như anh em một nhà. Vì vậy trong sản xuất, chúng tôi luôn có sự tương trợ lẫn nhau, đoàn kết hỗ trợ về kinh nghiệm sản xuất, giống...”.

Những năm qua, bên cạnh sự quan tâm của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Gia Lai có sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các DTTS. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt, diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều đổi thay sâu sắc. Trường học, trạm xá, đường sá, công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng; hầu hết các buôn, làng đã có điện. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, đến nay hàng trăm ngàn đồng bào DTTS được cấp thẻ khám chữa bệnh; hàng ngàn người bị đục thủy tinh thể đã được phẫu thuật miễn phí...

 Quang cảnh đại hội.

Đời sống vật chất được nâng lên rõ rệt, đồng thời trình độ dân trí cũng tiến bộ hẳn. Chị Đào Thị Sua, đồng bào dân tộc Mông ở làng Mông 1, xã Ya Hội, H. Đắc Pơ, Gia Lai trao đổi: “Không phải là dân tộc bản địa, nhưng đời sống chúng tôi rất ổn định. Hằng năm từ việc trồng cây bắp, cây mỳ, chăn nuôi bò,... gia đình chúng tôi thu nhập đến vài chục triệu đồng, cuộc sống gia đình thoải mái hơn. Hầu hết chúng tôi đều quyết định lập nghiệp ở đây mãi mãi...”.

Trong không khí nhộn nhịp của Đại hội, NSND Y Brơm (dân tộc Ba Na)-người giữ hồn cho bản sắc văn hóa các dân tộc Gia Lai xúc động nói về đại hội lần này: “... Đây là đại hội làm theo lời dạy đoàn kết của Bác, đoàn kết là sức mạnh. Trong 6 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, tôi nhớ trong một lần gặp Bác, Bác hỏi: Đoàn kết là thế nào? Tôi trả lời: Thưa Bác, cháu không biết.

Lúc này Bác mới lấy một bó đũa rồi rút ra một chiếc đũa bẻ gãy đôi, sau đó Bác cầm cả bó đũa bẻ hết sức mạnh nhưng bó đũa không gãy. Lúc này tôi mới hiểu đó là đoàn kết. Thế nên đại hội lần này như một dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi để các dân tộc tỉnh Gia Lai thương yêu nhau hơn, đoàn kết xây dựng cộng đồng các dân tộc Gia Lai, xây dựng địa phương, xây dựng đất nước... Tuy nay tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn đam mê công việc sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác để giữ cồng chiêng cho các dân tộc Tây Nguyên...”.

Tại đại hội, đồng chí Ksor Phước - Chủ tịch HĐDT Đoàn đại biểu Quốc hội đã phát biểu chỉ đạo sâu sắc, đầy tâm tình: “Tôi rất vui mừng vì Gia Lai quan tâm tốt đến công tác giáo dục truyền thống. Gia Lai đã có sự phát triển vươn lên và các đồng bào DTTS cũng đã nỗ lực để vươn lên phát triển KT-XH. Gia Lai cần tiếp tục phát huy công tác nâng cao trình độ dân trí, từ chỗ chỉ có 6 cán bộ có trình độ đại học từ sau ngày giải phóng đến nay Gia Lai đã có nhiều cử nhân đại học, thạc sĩ là người DTTS, đó là thành quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, công lao của Nhà nước, công sức của đồng bào các dân tộc.

Đồng thời Gia Lai cũng đã rất nỗ lực trong việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Gia Lai đã làm tốt công tác đại đoàn kết các dân tộc. Tôi mong muốn các đại biểu ở đây làm sao phải truyền tải được cho các đồng bào DTTS ở thôn, làng mình hiểu trách nhiệm của họ, phải tập trung sản xuất, xóa đói giảm nghèo, không sợ nghèo mà chỉ sợ không dám làm giàu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải có trách nhiệm cộng đồng, các DTTS có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng ở nơi mình sinh sống, khắc phục tư tưởng ỷ lại hiện nay, tự lực, tự cường mỗi gia đình có trách nhiệm nâng cao dân trí cho gia đình mình, dân tộc mình. Phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy văn hóa của dân tộc mình...”.

Bài, ảnh: Lê Duy