Báo Công An Đà Nẵng

Đại hội đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ

Thứ năm, 01/01/2015 17:34

(Cadn.com.vn) - Cách đây vừa tròn 55 năm (1-1960 – 1-2015), bên dòng sông A Vương, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IV diễn ra. Đây là Đại hội đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhằm đưa phong trào cách mạng trên toàn tỉnh bước vào giai đoạn mới. Tháng 6-1959, tại thôn Bà Ghì (H. Bến Giằng), Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị mở rộng để truyền đạt nội dung Nghị quyết T.Ư15. Tiếp đến, tháng 1-1960 tại thôn Adhur (A Duân), bên dòng sông A Vương, H. Bến Hiên (nay thuộc xã A Rooi, H. Đông Giang). Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ IV.

Đây cũng là Đại hội đầu tiên của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tham dự Đại hội có 50 đại biểu chính thức và 20 đại biểu dự thính. Đại hội tiến hành trong 15 ngày, nghiên cứu Nghị quyết 15, kiểm điểm, đánh giá các mặt công tác của Đảng bộ tỉnh từ sau khi thi hành Hiệp định Genève, đề ra phương hướng nhiệm vụ theo chủ trương mới của Đảng và học Lịch sử Đảng Lao động Việt Nam.

Các đại biểu dự ĐH Đảng bộ QN-ĐN tại thôn Adhur, Bến Hiên tháng 1-1960.

Những ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh, Adhur sôi động hẳn lên. Đây là lần đầu tiên sau khi Hiệp định Genève, Bến Hiên được tiếp đón cùng một lúc nhiều đồng chí lãnh đạo đại diện Liên Khu ủy, Tỉnh ủy, các cán bộ chủ chốt của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 19 đồng chí, đồng chí Trương Chí Cương (Trương Kiểm, Tư Thuận) được Liên khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi) được bầu làm Phó Bí thư. Đại hội có ý nghĩa trọng đại đối với sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, đánh dấu bước phát triển mới về phương thức hoạt động: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và nổi dậy giành chính quyền làm chủ của quần chúng.

Sau Đại hội, Tỉnh ủy thành lập các Ban Quân sự, Kinh tế, Tuyên huấn, Binh vận. Ban Cán sự cánh Bắc, cánh Trung và miền Tây được giải thể, Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo các huyện. Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang được thành lập lại. Từ đó, lực lượng cách mạng trong tỉnh phát triển lên một bước mới, đội công tác các xã, liên xã được thành lập, trong đó có cán bộ vũ trang làm nòng cốt để tuyên truyền đường lối của Đảng, phát động tinh thần đấu tranh của nhân dân và xây dựng cơ sở.

Trên địa bàn toàn tỉnh đã dấy lên nhiều hoạt động đấu tranh chính trị và quân sự có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đánh dấu bước phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 15. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa làng Ông Tía ở H. Phước Sơn ngày 13-3-1960. Rồi những chiến thắng Gợp (H. Đông Giang) ngày 15-10-1960, GaLâu, A Tép (Tây Giang) vào trung tuần tháng 10-1960, giải phóng Tứ Mỹ, Kỳ Sanh (8-1962), giải phóng Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước) tháng 9-1962... từng bước đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

Lê Năng Đông