Báo Công An Đà Nẵng

Đại hội XIII của Đảng: Công an, Quân đội chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Thứ năm, 28/01/2021 07:10

Ngày 27-1, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có tham luận trong phiên thảo luận tại hội trường Đại hội XIII của Đảng.

Đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh

Tham luận về chủ đề “Tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”,  Đại tướng Tô Lâm nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Công an nhân dân đã chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân triển khai toàn diện các mặt công tác, quyết liệt đổi mới, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, đạt những kết quả, thành tựu quan trọng, tạo dấu ấn nổi bật. Trong đó, Đảng bộ Công an Trung ương và toàn lực lượng Công an nhân dân đã quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng; tham mưu Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng có tính chiến lược về bảo đảm an ninh trật tự.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tham luận tại Đại hội.

Lực lượng Công an nhân dân đã chủ động, thường xuyên nắm chắc và dự báo sát, đúng tình hình từ xa, từ sớm, từ cơ sở, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, quan điểm có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài về bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Qua đó, tạo môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển kinh tế - xã hội mở rộng đối ngoại, nâng tầm vị thế đất nước. “Đây là thành tựu bao trùm và quan trọng nhất!”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất 6 vấn đề theo hướng: Bổ sung, nhấn mạnh và làm rõ những quan điểm, nội dung mới, nội dung cơ bản, cốt lõi mà dự thảo Báo cáo chính trị đề cập và đó cũng là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà lực lượng Công an nhân dân tập trung thực hiện trong những năm tới.

Trong 6 vấn đề, đáng chú ý, Đảng bộ Công an Trung ương và toàn lực lượng Công an nhân dân sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để làm cơ sở tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác công an. Lực lượng Công an nhân dân chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong mọi tình huống; nắm tình hình từ khi mới khởi nguồn các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ quyền và an ninh của đất nước. Giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ...

Lực lượng Công an nhân dân tập trung xây dựng thế trận lòng dân vững chắc về an ninh trật tự; phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền an ninh nhân dân. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an xã trong bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở, theo phương châm: “Trọng dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”; tập trung xây dựng từng thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống 

Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội, tham luận do Thượng tướng Phan Văn Giang trình bày làm rõ kết quả và đề xuất một số nội dung chủ yếu về “Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phát biểu tham luận tại Đại hội.

Từ thực tiễn thực hiện chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân, một số bài học kinh nghiệm đã được đúc kết, trong đó, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng. 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tăng cường củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, Đảng tiếp tục tập trung lãnh đạo Quân đội, các lực lượng chức năng tăng cường cảnh giác, nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nghiên cứu xác định chủ trương, giải pháp tổng thể, cơ bản, lâu dài, hóa giải nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân.

Nhấn mạnh vai trò của việc kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; xây dựng, phát huy hiệu quả các đoàn, khu kinh tế - quốc phòng ở vùng biên giới, biển, đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm, tạo thế trận, “phên dậu” vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài, Thượng tướng Phan Văn Giang cho rằng, cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự; thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng thực chất, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

QUỲNH NHƯ – TTXVN

Tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Chiều 27-1, tại Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Mai Trực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình bày tham luận với chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Trong tham luận, đại biểu Mai Trực cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15.000 tổ chức đảng và trên 47.000 đảng viên (trong đó trên 23.000 là cấp ủy viên các cấp), giám sát trên 183.000 tổ chức đảng và trên 528.000 đảng viên (trong đó trên 154.000 là cấp ủy viên các cấp); tập trung nhiều vào những điểm “nóng”, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm. Trong đó, nhiều việc mới, tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm (Quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm).

“Có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu,... với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn, mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục” - đại biểu Mai Trực cho biết.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được kết quả quan trọng. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra ở những nơi, những lĩnh vực mà trước đây ít hoặc chưa được kiểm tra như: Cơ quan tư pháp, các cơ quan trong lực lượng vũ trang, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước... Một số kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tạo tiền đề cho các ngành chức năng xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật (như các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, vụ Đinh Ngọc Hệ, vụ AVG, vụ BIDV,...). 

T.T