Đại lễ tưởng niệm và an vị tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
(Cadn.com.vn) - Ngày 3-12, tại Khu di tích - danh thắng non thiêng Yên Tử, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 705 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 – 2013) và khánh thành, an vị tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng hàng nghìn tăng ni, Phật tử dự lễ. Tại buổi lễ, các đại biểu và đông đảo chức sắc Phật giáo, tăng ni, Phật tử, nhân dân đã cùng ôn lại và tôn vinh công đức to lớn của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) được sử sách ca ngợi là một bậc minh quân kỳ tài, người có nhiều đóng góp quan trọng trên cả ba lĩnh vực: dựng nước, giữ nước, mở nước, là vị vua duy nhất từ bỏ ngai vàng đến cõi Phật. Ngài là vị Tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm - Thiền phái mang tư tưởng hòa nhập đạo với đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.
Khánh thành tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. |
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông có tư thế ngồi tĩnh tại được đặt trang trọng tại khu vực tượng đá An Kỳ Sinh, trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Tượng nặng 138 tấn, chiều cao 15m, được đúc bằng đồng liền khối theo phương pháp thủ công của các làng nghề Đại Bái - Bắc Ninh, Ý Yên - Nam Định với tổng số vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa lên tới hơn 72 tỷ đồng. Đây là bức tượng đồng liền khối lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là điểm nhấn quan trọng tạo nên sức hút mới cho khu di tích - danh thắng Yên Tử, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Phật tử và nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đại lễ tưởng niệm lần thứ 705 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn và khánh thành, an vị tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là dịp để bày tỏ lòng kính ngưỡng vị minh quân kỳ tài gắn liền với thời kỳ huy hoàng của đất nước ta. Đại lễ cũng thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ủng hộ các tôn giáo cùng đồng hành với Nhà nước thực hiện chính sách hòa nước an dân. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn, với phương châm tốt đời đẹp đạo, tăng ni, Phật tử sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ công dân, cùng nhân dân cả nước góp phần xây dựng tổ quốc giàu mạnh, bình an.
Hiện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với các ban, ngành liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới; Khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều và Khu di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) là Di sản văn hóa thế giới.
Xuân Tùng