Báo Công An Đà Nẵng

Đại lễ Vesak 2014: Nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam

Thứ bảy, 03/05/2014 08:59

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu.

(Cadn.com.vn) - Trước thềm Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014 – Vesak 2014 (chính thức diễn ra từ ngày 8-5 đến 10-5 tại khu du lịch văn hóa tâm linh Bái Đính – Ninh Bình), Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Vesak 2014 đã trả lời báo giới một số vấn đề chính.

P.V: Thưa Hòa thượng, đây là lần thứ hai Đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam, vậy Đại lễ lần này có điểm gì khác với Đại lễ Vesak 2008 và công tác chuẩn bị Đại lễ đến nay thế nào?

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Đại lễ Vesak năm 2008 do Nhà nước đứng ra tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ là thành viên và tất cả kinh phí tổ chức đều do Nhà nước bỏ ra. Còn năm nay, Đại lễ Vesak do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức, kinh phí được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, do các tăng ni, Phật tử và doanh nghiệp đóng góp.

Phật giáo Việt Nam vươn lên thành một trong những trung tâm của Phật giáo quốc tế

Trong thư chúc mừng gửi Đại lễ Vesak 2014, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khẳng định: Đại lễ là dịp để chúng ta tôn vinh các giá trị giáo huấn nhân bản của đức Phật như: từ bi và trí tuệ; khoan dung và hòa hợp; tôn trọng bảo vệ con người, sự sống và môi trường sinh thái; tự chủ, không ngừng tiến bộ và giải thoát; thực hiện dân chủ và công bằng xã hội; chống bá quyền, bạo lực, tội ác, chiến tranh, khủng bố và các tệ nạn xã hội; xây dựng con người và cộng đồng xã hội an lạc, phát triển hài hòa bền vững trong hòa bình hữu nghị và hợp tác thân thiện.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân” trong 2.000 năm qua, ngày càng “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”, từng bước làm cho Phật giáo Việt Nam vươn lên thành một trong những trung tâm của Phật giáo quốc tế, qua đó thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo các nước, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng chính là cách làm rạng tỏ giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống nhân gian và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Một điểm khác nữa là Vesak năm 2008, chúng ta làm tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nhưng năm nay, chúng ta làm ở một ngôi chùa rất đẹp và đây cũng là ngôi chùa lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Qua đây, chúng ta khẳng định với bạn bè quốc tế là Việt Nam có một ngôi chùa có thể tổ chức được Đại lễ Vesak của Liên hợp quốc, đồng thời cũng nói lên chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng.

Trong nội dung của Đại lễ cũng có điểm khác biệt ở chỗ, trước đây, chúng ta chỉ có khai mạc Đại lễ, tổ chức hội thảo và thắp nến cầu nguyện hòa bình, còn lần này có thêm một đàn lễ cầu quốc thái dân an, âm siêu dương thái nên lượng người về dự đàn lễ sẽ rất đông, chủ yếu là Phật tử ở khắp mọi miền đất nước.

Để Đại lễ Vesak 2014 được tổ chức thành công, 13 ban, ngành của Trung ương đã vào cuộc giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ công tác đối ngoại, ngoại giao, an ninh đến y tế, truyền thông... Chính phủ đã cử một Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ làm tổ trưởng. Công tác chuẩn bị cho Đại lễ đến thời điểm này đã cơ bản hoàn tất.

Các khách sạn ở Hà Nội, Ninh Bình và một số tỉnh lân cận đã được bố trí đón tiếp các đại biểu trong nước và quốc tế. Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện Bạch Mai, Hữu Nghị và bệnh viện một số địa phương có đại biểu nghỉ chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng hỗ trợ kịp thời trong các tình huống đột xuất.

Ngoài ra, ở ngay tại các phòng họp của Đại lễ cũng có một bộ phận y tế thường trực để hỗ trợ khi cần thiết. Các nhu yếu phẩm thiết yếu đều được cung cấp từ các nguồn bảo đảm. Ban Tổ chức và hơn 2.000 sinh viên tình nguyện ở các trường đại học ở Hà Nội và Ninh Bình đã được tập huấn kỹ càng, sẵn sàng để tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến tham dự Đại lễ.

Chùa Bái Đính, nơi đăng cai Đại lễ Vesak 2014.

P.V: Chủ đề của Đại lễ năm nay là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”. Xin Hòa thượng cho biết những đóng góp của Phật giáo Việt Nam cùng đất nước trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ?

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Chủ đề năm nay là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc” được nước chủ nhà Việt Nam đề xuất và được Ủy ban tổ chức quốc tế thông qua là sự khẳng định của Phật giáo trên toàn thế giới về xây dựng một thế giới hòa bình, đời sống an lạc, hạnh phúc cho tất cả mọi người, vì một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Việt Nam chúng ta tự hào là một trong số các quốc gia đã sớm đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ đề ra. Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam với hơn 30 năm trưởng thành, tiếp nối truyền thống đồng hành cùng dân tộc đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ, vì mục tiêu lợi đạo, ích đời phục vụ chúng sinh.

Năm nào Ban từ thiện xã hội – một trong 13 ngành của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng tổ chức nhiều đoàn đi làm công tác từ thiện xã hội như tặng quà cho bà con nghèo, các cháu mồ côi, anh em chiến sĩ ngoài hải đảo, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách...

Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức một đoàn lên Điện Biên làm từ thiện, tặng 100 tấn gạo và tiền, tổng cộng khoảng 3 tỷ đồng cho bà con ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi năm, số tiền Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động, ủng hộ cho các hoạt động an sinh xã hội lên đến cả trăm tỷ đồng.

1.500 đại biểu quốc tế sẽ dự Vesak 2014

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) kỷ niệm 3 sự kiện thiêng liêng về Đức Phật Thích ca Mâu ni là Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn, từ năm 1999 đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận là Lễ hội văn hóa, tôn giáo của Liên hợp quốc.

Năm 2008, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak tại Thủ đô Hà Nội và Ninh Bình là địa phương diễn ra một số hoạt động hưởng ứng Đại lễ.

Vesak 2014 dự kiến sẽ có khoảng 1.500 đại biểu quốc tế trong đó có các nguyên thủ, đại diện Hoàng gia một số quốc gia và hàng chục nghìn chức sắc Phật giáo, tăng ni, Phật tử trong nước tham dự.

P.V: Thưa Hòa thượng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỳ vọng gì ở thành công Đại lễ?

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Được các cơ quan nhà nước tận tình giúp đỡ, cộng với sự đồng tâm hiệp lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ Vesak 2014 chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp. Tôi nghĩ Đại lễ lần này có lẽ thành công hơn cả Đại lễ Vesak 2008 bởi vì năm 2008 mình mới làm lần đầu, nhiều kinh nghiệm đã được rút ra.

Đại lễ Vesak 2014 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế, trách nhiệm của Phật giáo Việt Nam đối với Liên hợp quốc, đồng thời giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế dự Đại lễ; tuyên truyền cho nhân dân ta hiểu biết về vấn đề phải bảo vệ môi trường, bảo vệ môi sinh. Hơn nữa, việc tổ chức Đại lễ ở một ngôi chùa sẽ đem đến cho bạn bè quốc tế hiểu biết về đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam, thấy được Việt Nam là một đất nước tự do về tôn giáo, đề cao giá trị nhân bản của Phật giáo.

Tổ chức thành công Đại lễ Vesak sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Giáo hội Phật giáo các nước và cũng là cơ hội để phát triển tiềm năng du lịch tâm linh, góp phần vào sự hợp tác phát triển toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là điều kiện tốt để các đại biểu quốc tế thấy được cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong việc vận động UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

B.T – T.V

(thực hiện)