Báo Công An Đà Nẵng

Đại ngàn Ia Pa vẫn “chảy máu” (Bài 1: “Cung đường” gỗ lậu)

Thứ hai, 16/09/2019 08:45

Tiếng xe máy, ô-tô độ chế inh ỏi cả con đường xuyên rừng là những gì mà PV chứng kiến, ghi nhận trong nhiều ngày thâm nhập cánh rừng của H. Ia Pa (Gia Lai). Những khúc gỗ từ nhóm I, nhóm II được vận chuyển bằng xe máy và cả ô-tô nối đuôi nhau chạy ung dung trên đường. Lâm tặc vào rừng như đi làm rẫy, xe độ chế vẫn cứ ùn ùn chở gỗ ra  khỏi rừng trong khi các cơ quan chức năng sở tại dường như “không thấy”.

Chiếc máy cưa của “lâm tặc” để bên đường. 

Theo dấu đoàn xe độ

Dù Tây Nguyên đã vào mùa mưa nhưng H. Ia Pa vẫn nắng gay gắt và oi bức. Từ thông tin của người dân về việc một “cung đường” gỗ lậu xuyên cánh rừng mà BQL RPH Chư Mố quản lý, chúng tôi quyết định xâm nhập vào cung đường này. Dù có rất nhiều đường vào rừng nhưng người dân đã chỉ cho chúng tôi: đường vào thì nhiều nhưng chỉ có 2-3 con đường mà lâm tặc vận chuyển gỗ ra và lâm tặc thường chọn con đường băng qua xã Ia Kdăm để đưa gỗ ra bởi con đường này luôn “bình an” với lâm tặc và ra gần với một số xưởng gỗ nơi đây. Từ lời dặn của người dân, chúng tôi chuẩn bị vội vài ổ mỳ, hộp sữa và nước uống cho chuyến băng rừng bởi cả ra và vào mất 7-8 giờ đồng hồ.

Trong vai những người đi tầm lan, hái măng, chúng tôi bắt đầu vào rừng trên chiếc xe độ chế thuê lại của một thanh niên ở trong làng. Chiếc xe xốc như con ngựa trở chứng và nổ đinh tai trên con đường đầy đá và dốc. Dù thanh niên này bảo xe chỉ để chở mỳ trên rẫy nhưng nhìn chiếc xe độ đến 8 phuộc nhún chúng tôi thừa biết thanh niên này cũng là một “người vận chuyển”. Nhiều lần, tưởng chừng như chiếc xe máy đã hất văng chúng tôi xuống đường khi xe lao qua hàng loạt ổ trâu, ổ gà do xe máy cày, công nông độ chế chở gỗ để lại.

Đánh vật với gần chục con suối lởm chởm đá và những con dốc dựng đứng, tưởng chừng như bữa ăn sáng đang từ dạ dày “chạy” lên cổ. Hơn 2 giờ đồng hồ sau, chúng tôi bắt đầu thâm nhập vào nơi lâm tặc tập kết gỗ để vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. Tiếng xe độ, tiếng máy cưa vang lên ở những cánh rừng phía trước. Ven đường đầy những bếp củi tạm bợ, lon nước ngọt, đồ hộp, chai nhựa vàng được chế thành bình xăng vứt lăn lóc khá nhiều bởi một chuyến đi, lâm tặc thường chuẩn bị thức ăn, nước uống, đồ dùng cho cả tuần, nửa tháng. Cũng từ đây, PV chứng kiến hàng chục chiếc xe máy lẫn xe công nông, máy cày độ chế ì ạch chở gỗ ra trên “cung đường” này.

Một đống gỗ được chất bên “cung đường” gỗ lậu chờ vận chuyển ra khỏi rừng.

Giáp mặt “lâm tặc”

Băng qua con suối sình lầy, từ xa chúng tôi đã nghe tiếng xe công nông độ chế chói tai giữa rừng. Những chiếc xe này luôn có các đối tượng lâm tặc canh đường bởi trên xe chở số lượng gỗ khá lớn tầm 5-7m3/xe. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi giấu xe máy vào bụi cây chờ đợi. Chỉ 15 phút sau, 1 đối tượng đi xe máy rà rà phía trước làm “chim lợn” canh đường cũng như xem chừng người lạ. Và 10 phút sau, chiếc xe độ chất đầy những thân gỗ vuông vức phía dưới, bên trên là những thân cây nhỏ ì ạch nhích từng tí một. Để vượt qua những đoạn đường dốc và đầy đá, chiếc xe độ trên lắp cả tời cùng dây cáp cả trước lẫn sau xe.

Đợi chiếc xe nông nông độ chế vượt qua, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào bên trong, nơi được xem là “thánh địa” của các loại xe máy độ chế. Đa phần những chiếc xe máy này là do các thanh niên người địa phương điều khiển và trên xe là những loại gỗ: căm xe và hương. Với vai người đi hái lan ngồi nghỉ bên đường, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cả chục chiếc xe máy chất đầy các hộp, gốc gỗ đi qua “cung đường” này. Những lâm tặc cũng chỉ nhìn liếc qua chúng tôi với ánh mắt dò xét rồi tiếp tục ung dung điều khiển chiếc xe máy độ chế rời cánh rừng.

 Đoàn xe máy độ chế chở gỗ khai thác trái phép nối đuôi nhau ra khỏi rừng.

Trên “cung đường” này đã không còn cây gỗ lớn bởi tình trạng phá rừng diễn ra từ nhiều năm nay, giờ đây lâm tặc phải đi sâu hơn vào những cánh rừng khác mới có thể khai thác gỗ. Tuy nhiên, trên đường đi vào lâm phần của BQL RPH Chư Mố (H. Ia Pa) việc bắt gặp những thân cây gỗ bị cưa hạ và xẻ ngay trên đường không phải là chuyện hiếm hoi. Cũng trên “cung đường” này, hai bên đường chúng tôi bắt gặp từng đống gỗ nhỏ được xẻ vuông vức dài khoảng 1m mà lâm tặc tập kết để dùng xe máy độ chế chở ra bãi tập kết. Khu vực tập kết là nơi có sóng điện thoại, lâm tặc có thể liên lạc để chờ đêm xuống dùng các loại xe khác nhau để đưa về xưởng gỗ ngay trên địa bàn xã Ia Kdăm.

Điều lạ là những ngày xâm nhập vào “cung đường” gỗ lậu này, chúng tôi không hề gặp một cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng nào. Trong khi đó, xe máy, xe công nông độ chế đều đi ra con đường ngay xã Ia Kdăm, nơi có trạm cửa rừng của BQL RPH Chư Mố nhưng không hề “thấy” đoàn xe độ chế này. Chưa kể, việc vận chuyển gỗ lậu trên con đường liên xã, qua trụ sở UBND xã Ia Kdăm vẫn bình thường như chốn không người…

MINH TÂN

(còn nữa)