Báo Công An Đà Nẵng

"Đại sứ môi trường" thầm lặng của APEC

Thứ bảy, 11/11/2017 10:35

"Nói thật với anh, người lao động chúng tôi không cắt nghĩa cụ thể được APEC là gì. Chỉ biết đó là việc lớn của đất nước. Vất vả một tí mà thành phố tươm tất, sạch sẽ thì nước mình cũng đẹp mặt với người ta", chị trò chuyện vội vàng rồi tranh thủ lúc chưa có xe qua nhanh chóng tiếp cận những đoạn đường ưu tiên. Tiếng chổi, tiếng rì rầm của chiếc xe thùng vẫn miệt mài trên những cung đường quen thuộc. Bây giờ đã là những thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới.

Trong thời gian sau khi mở đường và trước khi đóng đường, công nhân môi trường đô thị
phải thu gom rác, vệ sinh sạch sẽ, kể cả điều kiện trời mưa.
   Ảnh: CÔNG KHANH

Mưa ngớt là phố phải sạch

Lâu lâu một trận mưa rào xiên ánh đèn đường đổ xuống bất chợt. Đường phố tấp nập hàng ngày chỉ còn lực lượng công an làm nhiệm vụ chốt chặn, đảm bảo an ninh cho những đoàn xe chở đại biểu APEC đến Đà Nẵng trong đêm. Tiếng còi hụ ưu tiên xé toang màn đêm trong vài phút rồi xa dần. Nhưng tiếng chổi, tiếng chiếc xe thùng lăn bánh lộc cộc theo những bước chân thầm lặng, miệt mài từ bộ đồ phản quang cứ vọng xuống mặt đường. "Hôm rồi trúng ca trực thì mưa trắng trời. Về giao ca thì người ướt sũng, lại hay tin lũ cô lập trong quê. Bồn chồn rứa chứ dứt mưa thì tất cả đều ra đường, bất kể ngày đêm.  Trúng dịp mưa bão, cứ quét xong rồi lá lại rụng đầy, nhưng yêu cầu đặt ra là đường phải sạch trước mỗi đoàn xe qua. Không phải cứ có khách quý rồi mới sạch, nhưng trước sự kiện lớn, cũng phải đặt trách nhiệm mình vào đấy", chị Ngô Thị Hồng Thu - công nhân Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 2 chia sẻ. Tranh thủ lúc barie chốt chặn được dỡ đi, chị Nguyễn Thị Tâm nhanh chóng tiếp quản đường Nguyễn Văn Linh, đoạn trước cổng sân bay Đà Nẵng quét sạch bong cả những cọng rác nhỏ mà trận mưa vừa dứt "lôi" về gần những miệng cống thoát nước. Bảy năm làm nghề, quen với nhịp sinh học lấy đêm làm ngày, chị Tâm vẫn cảm thấy có điều gì đó rất đặc biệt cho nhiệm vụ kéo dài gần một tháng trời này. "Tui không dùng mạng nên không biết. Nhưng nghe nói sau mưa bão, lãnh đạo thành phố viết thư kêu gọi người dân làm vệ sinh môi trường để đón lãnh đạo của mấy chục nước trên thế giới. Người bình thường còn xuống đường dọn dẹp được thì mình phải làm gấp đôi. Quen rồi cũng chẳng nặng nhọc gì", chị cười hiền.

Với chế độ làm việc từ 2 giờ sáng, mười ngày nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung và chị Nguyễn Thị Trách (công nhân Xí  nghiệp môi trường Sơn Trà) phải gửi 2 đứa con nhỏ qua nhà ngoại để có mặt trên tuyến đường "ưu tiên số một" của Tuần lễ Cấp cao APEC Hoàng Sa - Võ Nguyễn Giáp - Trường Sa. Chuyện 2 vợ chồng cùng làm công nhân môi trường đô thị thì rất nhiều, nhưng trong cái vất vả đó, thường ngày họ vẫn được linh hoạt đổi ca, đổi bộ phận để luôn có một người lo toan cho cuộc sống gia đình. Nhưng kể từ ngày bắt đầu chiến dịch đặc biệt, sẽ không có chuyện thay ca đổi kíp, ai cũng phải tự xoay xở vì nhiệm vụ chung. "Biết sao được anh. Ngày mưa bão ấy, xí nghiệp huy động tổng lực đột xuất, vợ chồng phải đưa hai đứa con ngái ngủ đội mưa sang nhà ông bà rồi đi miết đến hôm sau mới về được vài tiếng đồng hồ. Chưa kịp ăn với chúng bữa cơm lại phải đi, rác trên đường, rác dưới biển, không kịp thì dồn ứ lên", anh Trung kể.

"Biến có thành không"

Thấy tôi ngạc nhiên vì một số người đi xuyên đêm cùng các xe thu gom, cũng vật lộn với từng thùng rác nhưng không hề mặc áo bảo hộ lao động, ông Trần Văn Nhựt - Phó Giám đốc Xí nghiệp môi trường Hải Châu 2 giải thích: "Họ là tổ trưởng, tổ phó kiểm tra, giám sát các khu vực. Nhưng trúng giờ cao điểm hoặc có công nhân mắc lụt ở quê chưa ra kịp thì phải trám vào để đảm bảo tiến độ ở các tuyến đường trọng điểm. Cả tuần lễ nay, quản lý cũng sáp vào gánh vác cùng anh chị em công nhân. Luôn luôn phải có 160 người trên các đoạn đường từ Sân bay đến Cầu Rồng để dọn khoảng 120 tấn rác mỗi ngày". Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Nhiên - Giám đốc Xí nghiệp môi trường Sơn Trà ví von rằng, nếu các tuyến đường ở quận Hải Châu là cửa ngõ đón các thượng khách vào thành phố thì đường Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp là huyết mạch trong một khu biệt thự dành cho những thượng khách này. "Cứ coi như chuyện ngâm mình dưới biển vớt rác trong mưa là bình thường đi! Chuyện anh chị em công nhân đi rung từng cái cây bên đường cho lá vàng rơi xuống để quét bằng sạch, tỉ mẩn nhổ từng cây cỏ lọt trong nắp cống chắc chắn sẽ không bao giờ quên được. Cung đường đặc biệt này cũng có phương án dọn dẹp không giống ai", ông Nhiên kể. Dù số lượng nhân lực hơn khu vực Hải Châu nhưng với yêu cầu đặc biệt cao, 125 công nhân tại Sơn Trà phải thu gom khoảng 165 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, chưa kể cùng các lực lượng gom 300 tấn rác biển "thần tốc" sau trận mưa lớn trước thềm khai mạc Tuần lễ Cấp cao.

"Dầm mưa cả tuần, muốn đau rồi nhưng không dám đau vào giờ này", ông Lê Thanh Nhã - Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, Cty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng hài hước khi trao đổi về chiến dịch đặc biệt kéo dài một tháng trời. Theo ông Nhã, thành phố thu gom khoảng 850 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày bình thường thì trong Tuần lễ Cấp cao con số này lên gần 1.000 tấn. Khác với những lễ hội lớn hay dịp Tết, yêu cầu của nhiệm vụ này còn phải đạt đến độ chỉn chu, chi tiết tuyệt đối, lại phải chịu áp lực về thời gian ưu tiên cho các đoàn xe đại biểu đi qua. Sau khoảng thời gian mở rào chắn, xe cộ của người dân lưu thông sẽ để lại "dấu vết", trách nhiệm của mỗi công nhân hoặc nhóm công nhân được phân khu vực là trước khi một đoàn đại biểu khác đến, ngay lúc đóng hàng rào thì đường ưu tiên đã phải sạch bong. "Nghề ni hay lắm. Công việc của chúng tôi là biến có thành không, người ta không thấy một sản phẩm cụ thể nào như xây cái nhà, làm cái cầu. Nhiệm vụ của công nhân môi trường đô thị là làm cho mọi người... không thấy gì cả. Có đoàn kiểm tra gọi điện hỏi vì sao không thấy công nhân làm việc trên đường. Chúng tôi nói với họ là đừng hỏi thế, hãy xem có rác trên đường không. APEC này, họ xứng đáng được tri ân", ông Nhã nói.

CÔNG KHANH