Báo Công An Đà Nẵng

Đại thắng mùa Xuân 1975- biểu tượng của sự phối hợp giữa QĐND và CAND Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Chủ nhật, 05/04/2015 17:30

 (Cadn.com.vn) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như một trong những chiến công rực rỡ nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quan trọng và quyết định nhất là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó còn là thắng lợi của sự đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam, đã trở thành truyền thống quý báu của lực lượng vũ trang cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ khi chính quyền cách mạng mới ra đời, Công an nhân dân đã kề vai sát cánh cùng Quân đội nhân dân chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hai lực lượng đã đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ trong công tác, chiến đấu, bảo vệ an toàn các căn cứ địa cách mạng, các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, hai lực lượng đã tăng cường phối hợp, hiệp đồng làm trong sạch địa bàn, bảo vệ hậu phương, bảo vệ bí mật, an toàn chuyển quân, vận chuyển lương thực, vũ khí; bắt, tiêu diệt nhiều toán thám báo, chỉ điểm của địch, tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội tấn công địch trên chiến trường, làm nên chiến thắng vẻ vang “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ở miền Bắc, cùng với việc bóc gỡ mạng lưới gián điệp do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cài lại, thu giữ hàng chục kho vũ khí bí mật, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội đồng loạt mở các chiến dịch tiễu phỉ, giải quyết dứt điểm nạn “nổi phỉ” ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, bắt và diệt gần 5.000 tên.

Từ năm 1957, Mỹ - ngụy công khai phát động cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích ra miền Bắc với mưu đồ “đánh cộng sản trong lòng cộng sản”, lực lượng Công an đã phối hợp với Quân đội chú trọng công tác hướng dẫn, tập dượt cho quần chúng các phương án phòng, chống gián điệp biệt kích ngay tại địa bàn thôn, bản. Qua đó, đã xây dựng được thế trận phòng ngừa, chủ động đánh địch, đấu tranh có hiệu quả với các trung tâm gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy, bắt hàng trăm toán gián điệp với gần 400 tên, thu hàng chục tấn vũ khí tối tân, phương tiện thông tin liên lạc, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm.

Năm 1964, trước tình hình đế quốc Mỹ tiến hành “leo thang” mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc và đẩy mạnh chiến tranh cục bộ ở miền Nam, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội, cấp ủy, chính quyền các cấp, với lực lượng dân quân, tự vệ, bảo vệ dân phố làm tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự; vận động, tổ chức nhân dân đi sơ tán; bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân; đấu tranh phòng, chống gián điệp biệt kích, “người nhái” thuộc lực lượng Biệt Hải Mỹ - ngụy thâm nhập vùng duyên hải phá hoại cầu cống, cơ sở vật chất ở miền Bắc; bóc gỡ, xử lý toàn bộ số đối tượng gián điệp hoạt động theo phương thức cài gián điệp trong tù binh. Trong các trận máy bay địch đánh phá miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, lực lượng Công an đã phối hợp với Quân đội và Dân quân, Tự vệ tuần tra canh gác, bảo vệ trật tự, trị an; vừa chiến đấu bắn máy bay Mỹ, vừa bảo đảm giao thông vận tải, tham gia cứu thương, cứu người sập hầm, phòng cháy, chữa cháy... Đáng chú ý, Đội phòng cháy, chữa cháy Hoa Lư, Công an tỉnh Ninh Bình đã mưu trí, dũng cảm dập tắt đám cháy tên lửa, cứu được trận địa tên lửa và pháo phòng không. Kinh nghiệm này được nhân rộng, đã giúp Công an các tỉnh Thanh Hóa, Nam Hà, Hà Bắc, Hải Phòng... chữa cháy tên lửa có kết quả tốt.

Với sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, Quân giải phóng miền Nam ngày một lớn mạnh. Lực lượng An ninh miền Nam đã phát triển thành hệ thống tổ chức từ Trung ương Cục đến khu, tỉnh và các huyện, xã. Lực lượng An ninh miền Nam và Quân giải phóng miền Nam tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo; phối hợp xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của Mỹ - ngụy, diệt ác, trừ gian, bảo vệ căn cứ cách mạng; làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, nội gián của địch, bảo vệ các cơ quan của Đảng, căn cứ cách mạng, bảo vệ lực lượng vũ trang, kho tàng vũ khí, đạn dược, các trận địa, mục tiêu, cơ sở kinh tế, quốc phòng. Lực lượng An ninh đã tích cực, chủ động nắm chắc tình hình địch; bám sát cơ sở, vận động quần chúng, chống các hoạt động tình báo, gián điệp; trấn áp, trừng trị số đối tượng ác ôn, có nợ máu, ngoan cố chống phá cách mạng, phục vụ có hiệu quả các chiến dịch quân sự. Trên các chiến trường miền Nam, từ vùng giải phóng đến vùng địch tạm chiếm, từ rừng núi, đồng bằng đến vùng đô thị, sào huyệt của kẻ địch, lực lượng An ninh vũ trang, trinh sát vũ trang của An ninh miền Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Quân đội làm thất bại kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược, đẩy mạnh diệt ác phá kìm, mở rộng vùng giải phóng, góp phần giải phóng nhân dân khỏi ách kìm kẹp của địch; xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Sự phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng trinh sát vũ trang, an ninh vũ trang và lực lượng đặc công, biệt động tấn công vào sào huyệt của địch ở các thành phố, thị xã đã gây tiếng vang lớn, góp phần đánh thắng chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy.

Tại các vùng giải phóng, lực lượng An ninh và Quân đội đã phối hợp với các ban, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia các phong trào cách mạng, phong trào phòng gian, bảo mật, đánh bại âm mưu và hoạt động do thám, gián điệp, nội gián, chiến tranh tâm lý, chiêu hàng của địch; tích cực bảo vệ nội bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể cách mạng; giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ hành lang vận chuyển, phục vụ chiến đấu của Quân đội và đấu tranh chính trị của quần chúng. Lực lượng An ninh vũ trang đã phối hợp với các đơn vị quân đội và du kích bám trụ chiến đấu, bảo vệ các khu căn cứ địa cách mạng, bảo vệ Trung ương Cục, các khu ủy, tỉnh ủy;  bẻ gãy các cuộc hành quân càn quét của địch, diệt ác, trừ gian, làm rối loạn hàng ngũ của chúng; đồng thời nắm vững phương châm “đánh sâu, đánh hiểm, đánh trúng đối tượng” tiến công vào tận hang ổ địch, bóc gỡ nhiều mạng lưới tình báo, gián điệp của Mỹ - ngụy.

Ngày 30/3/1972, quân và dân ta mở cuộc tấn công chiến lược vào tuyến phòng thủ đường 9 – Quảng Trị, Kon Tum, Khu V, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi bộ đội chủ lực đánh vào tỉnh lỵ và các căn cứ của địch, thì lực lượng An ninh phối hợp với Bộ đội địa phương tấn công các chi cục cảnh sát, dinh tỉnh trưởng, ty chiêu hồi, cơ quan tình báo, biệt kích của địch, hỗ trợ quần chúng phá ấp chiến lược trở về quê quán.

Cuối năm 1974, trước điều kiện, thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1974 và tháng 1-1975 đã ban hành Nghị quyết lịch sử: Tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã nguỵ quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam. Hội nghị nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975” [1]. Bộ Chính trị từng bước hoạch định kế hoạch tiến công chiến lược và chiến trường Tây Nguyên được chọn làm điểm đột phá đầu tiên.

Ngày 4-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu, then chốt là trận đánh mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột. Để thực hiện chiến dịch quan trọng này, lực lượng An ninh và Quân đội đã tăng cường phối hợp xây dựng cơ sở, đẩy mạnh hoạt động nội tuyến để thu thập tài liệu về tình hình, hệ thống bố phòng những mục tiêu trọng điểm của địch... Trong chiến dịch này, lực lượng An ninh đã phối hợp với Quân đội phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm; đánh chiếm các mục tiêu được phân công, như trụ sở làm việc của ngụy quyền, cảnh sát, tình báo và tình báo trá hình, Ty phát triển sắc tộc, Ty chiêu hồi, tổ chức bình định nông thôn, các tổ chức đảng phái phản động, thu hồi toàn bộ hồ sơ, tài liệu của địch.

Lực lượng An ninh, nhất là ở các thành phố Huế, Đà Nẵng đã đưa cán bộ trinh sát vào nội đô phát triển cơ sở, nắm tình hình địch, đồng thời phát động quần chúng chuẩn bị nổi dậy. Với khí thế cách mạng tiến công, lực lượng  Quân đội, An ninh cùng các lực lượng khác và quần chúng cách mạng đã giải phóng Huế (26-3), Đà Nẵng (29-3), Bình Định (1-4), Khánh Hòa (3-4-1975)…

Thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đã tập trung huy động nhân lực, tài lực, vật lực phục vụ Chiến dịch. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, lực lượng An ninh đã chủ động nắm tình hình, tham gia tiến công kìm chân địch, không để chúng có điều kiện ứng cứu Sài Gòn, đồng thời vận động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, chiếm lĩnh các cơ quan, công sở, đập tan các tổ chức tình báo, gián điệp. Để tiến vào nội đô, các binh đoàn chủ lực đã phối hợp với lực lượng An ninh tổ chức những trận đánh lớn, ác liệt với quân địch ở vòng ngoài như Phan Rang, Xuân Lộc… Ở nội đô, nhiệm vụ của các lực lượng đặc công, biệt động, an ninh vũ trang, tự vệ là chủ động đánh chiếm và bảo vệ các cầu, không để địch phá hoại; hướng dẫn và chỉ đường cho các mũi đột kích của quân chủ lực, khống chế các lực lượng địch tại địa bàn, phát động quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của địch.

Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975. Đúng như Bộ Chính trị đã nhận định, đây là “chiến dịch hiệp đồng binh chủng”[2], không chỉ là sự hiệp đồng giữa các binh chủng trong Quân đội mà còn là sự hiệp đồng giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Trong chiến dịch này, lực lượng Quân đội và An ninh miền Nam đều huy động tổng lực những đơn vị tinh nhuệ, chủ lực tham gia tấn công ở cả 5 hướng: tây bắc, bắc, đông, đông nam, tây và tây nam đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Trong giờ phút cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, cơ sở của lực lượng An ninh đã cùng các lực lượng khác phối hợp tiếp cận, tác động Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, tổ chức ghi âm và phát thanh lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã phối hợp, hiệp đồng tác chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiếp quản an toàn các cơ sở, mục tiêu, tài liệu quan trọng của địch. Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là một chiến công tiêu biểu sáng ngời tình đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, có hiệu quả giữa lực lượng Công an nhân dân và lực lượng Quân đội nhân dân, tô thắm thêm truyền thống anh hùng vẻ vang của hai lực lượng vũ trang nhân dân trong 30 năm chiến đấu kiên cường, bất khuất để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đặt ra hết sức nặng nề: vừa phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vừa  bảo đảm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Yêu cầu đó đòi hỏi Công an nhân dân và Quân đội nhân dân cần tiếp tục gắn bó, phối hợp, hiệp đồng trong công tác, chiến đấu có hiệu quả hơn nữa; đồng thời đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa các lĩnh vực công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng nhằm đáp ứng kịp thời, có hiệu quả trước các diễn biến mau lẹ, đa dạng, phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt”. Hơn lúc nào hết, Công an nhân dân và Quân đội nhân dân cần tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ nhau”[3],  phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng lên tầm cao mới.

Ôn lại lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng tự hào với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và tôn vinh những chiến công vang dội, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã xây đắp nên truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân nguyện sát cánh cùng lực lượng Quân đội nhân dân phấn đấu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.                                       

Đại tướng Trần Đại Quang
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.9.

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, sđd,  tr.191.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1959-1960), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 2011, tr. 153.