Đái Tháo Đường – Vết thương dai dẳng
Bệnh Đái Tháo Đường (ĐTĐ) là bệnh do tăng đường huyết mạn tính điều trị được nhưng không dứt điểm, một khi đã mắc bệnh nhân phải chung sống với bệnh trong suốt phần đời còn lại. Việc kiểm soát đường huyết tốt là một công việc không hề đơn giản. Bệnh nhân được yêu cầu phải ăn uống và luyện tập theo chế độ riêng, thường xuyên kiểm tra đường huyết, sử dụng thuốc hàng ngày, tái khám định kỳ… Những biến chứng của bệnh như tim mạch, thận, mắt, thần kinh,… gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người bệnh.
Bs.CKII.Hoàng Ngọc Thọ tư vấn cho bệnh nhân trong một buổi sinh hoạt CLB Đái Tháo Đường Đà Nẵng |
Sự bùng nổ của Đái Tháo Đường trên toàn cầu
Bệnh Đái Tháo Đường được Liên đoàn ĐTĐ Thế Giới (IDF) phân loại là mối nguy cộng đồng – một tình trạng khẩn cấp nhưng diễn ra âm thầm. Nhìn bề ngoài, ĐTĐ có thể không cấp thiết như sốt rét, lao và HIV, nhưng số người tử vong do ĐTĐ bằng cả ba bệnh này cộng lại trên toàn cầu.
Theo số liệu mới nhất của IDF năm 2017 trên toàn thế giới đã có 415 triệu người lớn mắc đái tháo đường, vượt xa các dự đoán trước đó và có khoảng 642 triệu người vào năm 2040. Không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, bệnh ĐTĐ còn là một mối nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, gánh nặng của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, dự đoán trên toàn quốc hiện nay ĐTĐ chiếm khoảng 5,4% dân số người lớn, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000. Tỉ lệ người bệnh chưa được chẩn đoán chiếm 69% và tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.
Gia tăng Đái Tháo Đường ở người trẻ tuổi
Lối sống ít vận động, ăn uống thừa năng lượng dẫn đến dư cân, béo phì là nguyên nhân phổ biến gây bệnh tiểu đường ở người trẻ. Rất nhiều biến chứng ĐTĐ xuất hiện 10 năm sau khi bị tiểu đường, do đó, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường càng sớm, càng dễ gặp biến chứng. Biến chứng tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trong ĐTĐ. Người trưởng thành bị đái tháo đường có nguy cơ bệnh tim mạch tăng gấp 2 đến 4 lần so với người không bị ĐTĐ. Bệnh thận ĐTĐ có thể dẫn đến suy thận mạn phải lọc máu trong tương lai. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù mắt. Khả năng tuần hoàn và tự hồi phục vết thương kém ở người bệnh, có thể gây ra việc cắt cụt chân.
Ở giai đoạn tiền ĐTĐ, phần lớn những người trẻ tuổi đều cảm thấy khỏe mạnh, không có biểu hiện gì khác biệt. Nếu tiếp tục tăng cân, ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động một vài năm sau bệnh sẽ thành ĐTĐ thực sự. Lúc này, bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều hơn, uống nước nhiều hơn, và cân nặng bắt đầu giảm.
Hành động từ hôm nay
Mặc dù là căn bệnh thầm lặng và nguy hiểm, bệnh ĐTĐ và các biến chứng có thể phòng tránh thông qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, ăn uống hợp lí, tham gia hoạt động thể thao thường xuyên. Để có thể đạt được điều này, trước hết mỗi người cần gia tăng nhận thức về bệnh Đái Tháo Đường, qua đó giúp đỡ chính bản thân mình và những người thân, cộng đồng thực hiện các thói quen tốt trong sinh hoạt và kiểm tra sức khỏe định kỳ để tự bảo vệ trước căn bệnh thế kỷ này.
Đối với bệnh nhân ĐTĐ cần được theo dõi thường xuyên về bệnh, cũng như cập nhật, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý ĐTĐ, giúp bệnh nhân kiểm soát tốt bệnh tật để có thể vui sống cùng Đái Tháo Đường.
Hưởng ứng ngày Đái Tháo Đường Thế Giới, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tổ chức chương trình “Vui sống cùng Đái Tháo Đường”. Chương trình sẽ mang đến một thông điệp mạnh mẽ, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các thói quen tốt trong ăn uống và sinh hoạt, kiểm tra sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc đúng cách để góp phần giảm tác hại của căn bệnh thế kỷ này. Thời gian: 6h30-11h ngày 18/11/2017 Địa điểm: Hội trường D, tầng 2, Nhà hàng hội nghị tiệc cưới Golden Phoenix, đường 2/9, Đà Nẵng Hoạt động:
Để đăng ký tham gia miễn phí, vui lòng gọi điện qua số điện thoại: 02363 509 808 hoặc 02363 650 565 |