Báo Công An Đà Nẵng

Đại tướng đã về bên Bác

Thứ sáu, 04/10/2013 11:23

(Cadn.com.vn) - Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 vào lúc 18 giờ chiều hôm qua (4-10) làm cả nước bàng hoàng. Đã đến cái tuổi 103, ai cũng biết, ai cũng mừng vì Đại tướng Đại Thọ; ai cũng biết rồi Đại tướng sẽ về bên Bác Hồ, song vẫn cầu mong không có những giây phút ấy, vậy nhưng...

Giản dị Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Người dân Quảng Bình quê nhà, một thời đạn bom, mất mát tang thương vẫn không rơi nước mắt nhiều đến thế. Bão số 10 tàn phá kinh hoàng đến thế, không làm người dân quê hương Đại tướng rụng rời. Ấy vậy mà, tin dữ báo về, đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, người buông cuốc, người lơi tay, ai nấy khóc òa. Cũng dễ  hiểu, người dân Việt Nam luôn tự hào đất nước vì có Đại tướng, thì người Quảng Bình còn hơn thế. Với họ, Đại tướng không chỉ là vị tướng lừng danh văn võ song toàn, mà còn là một người ông, một người anh, một người con huyền thoại của xứ sở, nay Người đã đi xa...

Cái chất Quảng Bình, cái chất nhà giáo vốn khiêm nhường đã ăn sâu vào từng tế bào, trí não của Đại tướng, ấy nên, khi đã được thế giới tôn vinh, xếp hàng đầu trong danh sách tướng tài của nhân loại, Đại tướng vẫn cho rằng những chiến thắng, chiến công mình kinh qua là của nhân dân, của quân đội nhân dân. “Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa. Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ được ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta và của nhân dân các dân tộc trên thế giới”- đúc kết của Đại tướng về chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy chấn động địa cầu còn vang dội như mới vừa hôm qua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm Điện Biên Phủ.

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng”,-mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt.

 “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống ở Việt Nam. Ông được công nhận là một trong các nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược về chiến tranh nhân dân”, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel - nguyên là phóng viên thường trú báo Nhân đạo tại Việt Nam những năm 1980 đã viết.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Napoleon của Việt Nam”, trong số ra ngày 9-2-1968, tạp chí Time của Mỹ đã đăng tít nổi bật như thế, kèm theo câu nói nổi tiếng của Đại tướng những năm chiến tranh: “Skike to win, skike only when success is certain, if it is not, then dont' strike”. (Tạm dịch: Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh).

“Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng Châu Á”, kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên, tờ TimeAsia (Thời báo Châu Á) số đặc biệt giới thiệu danh sách các “Anh hùng châu Á”, đã viết như thế về Đại tướng.

“Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 20 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”. Tác giả Ducan Townson đã viết như thế trong cuốn sách Những vị tướng lừng danh)

“Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”- Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh đã viết.

“Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”- Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 đã viết...

“Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...”.  Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam” đã viết...

Thế giới, trước đây và bây giờ, là đối địch hay bạn bè, đã có hàng ngàn, hàng vạn trang sách viết về Đại tướng đều với lòng ngưỡng mộ, nể phục, trong đó có cả những bại tướng dưới tay của Đại tướng. 

Thanh thản

Còn với nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng là... Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không tên nào có thể thay thế, là “người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”, là “anh Văn”,  là “Một ông già hiền lành, đôn hậu. Nước da đỏ au, mái tóc bạc trắng như mây. Trông ông có dáng dấp của một ông tiên trong những câu chuyện cổ tích dành cho con trẻ” (Trần Đăng Khoa).

Nhiều người thích lối miêu tả này hơn, bởi rất Việt Nam, rất “tướng Giáp", gần gũi như nơi Đại tướng xuất thân là vùng quê làng An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình), như một ông giáo dạy sử...

“Đối với thế giới, cái tên Võ Nguyên Giáp quen thuộc đồng nghĩa với Việt Nam, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải”, có lẽ đoạn viết này của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nêu khá sâu sắc về Đại tướng.

“Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”- Có lẽ những ngày qua và những ngày tiếp theo sau này, câu nói tâm can của Đại tướng sẽ vọng mãi cùng thời gian. Kính tiễn đưa Đại tướng về bên Bác, để Người thanh thản như một buổi chiều về quê nằm trên chiếc võng đung đưa dưới hàng tre quê hương, cùng Bác nghe những điệu dân ca xứ sở, ngắm nhìn cháu con xây dựng đất nước thanh bình, mạnh giàu...

T.S