Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 – 01/01/2014):

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên mặt trận an ninh tư tưởng

Thứ hai, 16/12/2013 16:35

(Cadn.com.vn) - Ngày 01 tháng 01 năm 2014, chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam- Người con ưu tú của đất nước và quê hương Thừa Thiên - Huế, nhà lãnh đạo kiệt xuất, kiên trung, mẫu mực của Đảng; vị tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Trần Đại Quang thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngày 9-12-2013. 
Ảnh Công Gôn

Là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên gọi thân mật là Anh Sáu Di, đã nêu một tấm gương  sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, lập trường cách mạng kiên định, đạo đức cách mạng trong sáng, tinh thần cách mạng triệt để, ý chí tiến công mãnh liệt, chiến đấu không mệt mỏi, không lùi bước trước bất cứ khó khăn, thử thách nào. Được Đảng, Bác Hồ và nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách, trên mọi cương vị công tác, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, đem hết tài năng, trí tuệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tận tâm, tận lực cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Trên lĩnh vực an ninh tư tưởng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đặc biệt quan tâm công tác đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch mưu toan thực hiện các chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, mà trọng tâm là chiến lược “diễn biến hòa bình”  nhằm xóa bỏ phe xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.  Trong chiến lược này, hoạt động phá hoại tư tưởng được các thế lực thù địch coi là “mũi đột phá”, là thủ đoạn nham hiểm gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để đưa hệ tư tưởng tư sản xâm nhập, tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng chỉ rõ: “Chúng đang thực hành nhiều mưu kế thâm độc, trong đó có một mưu kế mà chúng ta cần hết sức cảnh giác là tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng ráo riết với chúng ta, phục vụ cho âm mưu chính trị, quân sự, kinh tế rộng lớn của chúng. Từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai đến nay, chúng đã có nhiều chiến thuật mới trong công tác tư tưởng, truyền bá các thứ triết học phản động, chúng nặn ra cái thuyết “tư bản nhân dân” để gieo rắc tư tưởng thỏa hiệp giai cấp trong nhân dân và ngay cả trong công nhân; chúng khuyến khích một số nước mới giành được độc lập chính trị qua tư bản chủ nghĩa bằng con đường “xã hội chủ nghĩa” nhưng không có cộng sản, không qua đấu tranh giai cấp, chúng dùng chủ nghĩa xét lại của Nam Tư làm một tên “địch vận” phá hoại cách mạng vô sản, phá hoại cách mạng dân tộc dân chủ, phá hoại sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc giành hòa bình thế giới, phá hoại phe xã hội chủ nghĩa”[1]. Đồng chí nhắc nhở: “Âm mưu của chúng quyết không thể lừa bịp được ai. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng chủ quan, vì những người tiểu tư sản, những người trí thức tiến bộ trên thế giới cũng có thể bị chúng lừa được và ngay trong hàng ngũ vô sản thế giới cũng có một số bị chúng lừa vì trong họ còn tồn tại tư tưởng không vô sản trên một mức độ nhất định. Các thứ lý luận và tư tưởng phản động của chúng còn có thể đánh trúng vào tâm lý tiểu tư sản hay dao động, có thể đánh trúng vào những người vô sản thiếu kiên định lập trường và quan điểm giai cấp”[2].

Bài học từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước cho thấy, những nhận định trước đó của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hoàn toàn đúng đắn. Do xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, mơ hồ trong đấu tranh giai cấp, nên Liên Xô và các nước Đông Âu đã làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa bị tan rã, đúng như V.I. Lênin đã cảnh báo: "Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam và trên thế giới đã chứng minh sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin với tư cách là học thuyết cách mạng và khoa học, là lý luận và phương pháp nhận thức và cải tạo thế giới nhằm mục đích giải phóng người lao động, giải phóng xã hội khỏi mọi áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh là nguy cơ chủ yếu trong phong trào quốc tế cộng sản vào những năm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: “Cuộc đấu tranh chống tư tưởng tiểu tư sản và các tư tưởng phi vô sản khác phải là cuộc đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, để bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, để khắc phục lập trường, quan điểm giai cấp mơ hồ, để giữ vững tổ chức, kỷ luật của Đảng, để bảo vệ sự đoàn kết và nhất trí trong Đảng”[3]. Đồng chí chỉ rõ: “Kinh nghiệm chỉ cho chúng ta rằng, nếu tư tưởng tư sản và tư tưởng tiểu tư sản còn tồn tại trong các Đảng và giai cấp công nhân, mà không được khắc phục ráo riết thì nó sẽ là đám đất mọc lên mọi chủ nghĩa cơ hội, mọi thứ dao động, mọi thứ lừng chừng, mọi thứ phiêu lưu, mọi thứ cầu an hưởng lạc, mọi thứ kèn cựa cấp bậc địa vị... làm cho tinh thần đoàn kết nhất trí, kiên quyết phấn đấu để hoàn thành mọi nhiệm vụ bị sút kém; làm cho những người có tư tưởng đó bị thoái hóa về chính trị, tư tưởng, phẩm chất của con người bị hạ thấp. Nếu như đỉnh cao của tư tưởng tư sản là chống đấu tranh giai cấp của vô sản, của nhân dân bị áp bức và chuyên chính vô sản thì đỉnh cao nhất của tư tưởng tiểu tư sản là ngại đấu tranh giai cấp và ngại chuyên chính vô sản và từ chỗ ngại đấu tranh giai cấp đến chỗ thủ tiêu đấu tranh giai cấp chỉ cách nhau có một bước”[4].

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch mưu toan đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, tách lực lượng vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ XX, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ rõ âm mưu thâm độc của kẻ địch trên lĩnh vực này và khẳng định: “Địch thường tìm mọi cách che giấu bản chất phản động của quân đội của chúng hòng lừa dối nhân dân và binh lính của chúng. Chúng nói rằng quân đội đứng ngoài chính trị, đứng trên giai cấp, không đảng phái... Thực chất của các luận điểm này cũng giống như những luận điểm về Nhà nước của bọn học giả tư sản mà C. Mác, F. Ăng-ghen, V. Lênin đã bóc trần từ lâu. Chúng ta đều hiểu rằng, lịch sử loài người từ khi có giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp, Nhà nước và quân đội là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, chứ không phải là cái trên trời rơi xuống. Quân đội chúng ta là công cụ chính trị của Đảng, của giai cấp, của nhân dân lao động; nó phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng thời kỳ”[5].

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Bảo vệ và giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là vấn đề có ý nghĩa quyết định bản chất giai cấp công nhân của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Một quân đội nhân dân chân chính, phải thực sự nhân dân, thì phải do Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin lãnh đạo. Chúng ta đã theo đúng nguyên lý đó, chúng ta đã xác định dứt khoát quan điểm: Quân đội ta là quân đội của Đảng, và thực tiễn cũng đã chứng minh điều đó. Do nắm vững quan điểm cơ bản đó, mà chúng ta đã chủ trương Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh chống tất cả những khuynh hướng cho quân đội là phi Đảng, phi chính trị, phi giai cấp và đòi làm giảm nhẹ sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”[6].

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã đưa ra luận điệu: “lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân”; “phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân, chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào” (?!)... Đây là những luận điệu vô căn cứ, phản khoa học và không đúng với thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam mà trước đây Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phê phán.

Nhận thức rõ vị trí quan trọng của công tác bảo vệ an ninh tư tưởng, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực này. Để đảm bảo thắng lợi  của cuộc đấu tranh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Trước hết, phải xác định cho được lập trường kiên định, xây dựng một lập trường tư tưởng và những quan điểm cách mạng nhất, tiên tiến nhất của thời đại, vì đó là cái gốc của mọi vấn đề. Có lập trường cách mạng kiên định, mới có dũng khí cách mạng, do đó mới có hành động cách mạng kiên quyết và sáng tạo; nói đơn giản là muốn đánh giặc, thắng giặc, thì trước hết gan phải to, chí phải quyết, lòng phải bền. Có vũ khí tư tưởng sắc bén, mới có vũ khí bằng sắt thép sắc bén để chiến thắng quân thù”[7].

Cần nhận thức sâu sắc, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực an ninh tư tưởng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để đảm bảo thắng lợi của cuộc đấu tranh,  cần phát huy sức mạnh tổng hợp, sử dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp về công tác chính trị, tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu rõ: “Chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa tính chiến đấu, tính lãnh đạo, tính nguyên tắc trong công tác chính trị và tư tưởng. Một mặt, chúng ta phải hết sức khuyến khích, biểu dương những người tốt, việc tốt, những cái mới, những cái tích cực... Mặt khác, chúng ta cũng phải đấu tranh không khoan nhượng đối với những người xấu, việc xấu, những cái sai, cái tiêu cực... Chúng ta không thể để những tư tưởng không vô sản lũng đoạn trong hàng ngũ chúng ta. Chúng ta không thể để xu hướng hữu khuynh tiêu cực của tư tưởng tiểu tư sản làm cho ý chí phấn đấu của chúng ta cùn đi, cảnh giác cách mạng tê liệt đi”[8].

Trước tình hình các thế lực thù địch, phản động chống phá quyết liệt trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, hòng phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm mơ hồ bản chất giai cấp của Đảng; ráo riết tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”; đả kích, vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây chia rẽ nội bộ; kích động tư tưởng ly khai, tự trị, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...; Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, công tác lý luận, nâng cao cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ an ninh tư tưởng có vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, sự ổn định của đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra hệ thống các giải pháp nhằm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, chủ động phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ sự trong sáng, tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trong bối cảnh đó, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về công tác an ninh tư tưởng vẫn còn nguyên giá trị và là bài học quý báu để lực lượng Công an nhân dân tiếp tục kiên định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2014), lực lượng Công an nhân dân biết ơn và tôn vinh những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng, với cách mạng và dân tộc Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng ngời về một người cộng sản chân chính, kiên cường, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, đúng như lời ca ngợi của Nhà thơ Tố Hữu: “Sáng trong như ngọc, một Con Người”, để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập, rèn luyện và noi theo.

 Đại tướng Trần Đại Quang

                                                Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

 

[1] Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 7 năm 1963, tr. 2.

[2] Sđd, tr. 2.

[3] Sđd, tr. 9.

[4] Sđd, tr. 9.

[5] Tạp chí Học tập, sô 8 năm 1959, tr. 7.

[6] Tạp chí Học tập, số 8 năm 1959, tr. 8.

[7] Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 7 năm 1968, tr. 3.

[8] Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 7 năm 1963, tr. 11.