Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa đời thường
(Cadn.com.vn) - Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một trong 10 vị tướng lĩnh tài ba nhất mọi thời đại, là vị tướng huyền thoại, đến cả kẻ thù của ông cùng nể phục, ca ngợi. Điều đó trên thế giới ai cũng biết. Trong lòng người dân, vị Đại tướng tài đức vẹn toàn. Tôi vinh hạnh được nhà báo Quân đội nhân dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng gửi vô Huế tặng cuốn sách ảnh “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (NXB Lao Động, 2015). Đây là cuốn sách quý. Cuốn sách dày 130 trang, với 112 bức ảnh Đại tướng đời thường và phần văn của tác giả kể chuyện đằng sau những bức ảnh quý ấy. Trong cuốn sách ảnh này, tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh xúc động về Đại tướng được chụp trong sinh hoạt thường ngày: Đi thăm dân, viếng nghĩa trang liệt sĩ, ăn, nghỉ, tập thiền, thắp nhang trên bàn thờ cha mẹ, đánh đàn, đi bộ, ghi nhật ký, chụp ảnh, nằm viện, bên cháu con... Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng là nhà báo được gần gũi Đại tướng, đi đến nhiều nơi với Đại tướng trong nhiều năm cho đến giờ phút cuối cùng của ông, lại là một nghệ sĩ ảnh tài hoa, nhạy cảm, chọn được góc máy tinh tế, và chớp được thời cơ bấm máy để có những tấm ảnh chân dung Đại tướng rất quý hiếm, góp vào việc hoàn thiện chân dung Đại tướng trong tâm cảm Dân tộc.
Đại tướng ghi nhật ký. |
Trần Hồng kể: "Lại có lần ông (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) hỏi tôi: “Trần Hồng ơi, sao cậu chụp ảnh tớ nhiều thế?”. Tôi trả lời: "Thế tại sao Đại tướng lại cho em chụp ảnh Đại tướng nhiều như vậy?”. Ông chỉ cười, một nụ cười hiền, rất hiền...”. Sự gần gũi gia đình ấy đã cho phép Trần Hồng bấm máy bất cứ lúc nào mà không e ngại. Ở Cao Bằng, mùa đông năm 1994, trời rét, Đại tướng mặc cái áo bông to sụ, chỉ hở khuôn mặt. Trần Hồng đã chớp được bức ảnh Đại tướng rất thần sắc. Trong cái nền đen mùa đông Tây Bắc, hiện ra gương mặt đôn hậu hồng hào, cặp mắt sáng linh hoạt với nụ cười ấm áp của Đại tướng. Chi tiết đặc biệt là “chút le lói nhà binh dưới chiếc áo khoác mùa đông to sụ. Một chút, một chút le lói thôi...” (lời bình của Trần Hồng). Vâng, chiếc quân hiệu đỏ của Đại tướng bị che khuất, chỉ còn lộ ra một tí, như một đốm sáng trí tuệ, đốm sáng của niềm tin! Trần Hồng cho biết, năm 1994 lên Cao Bằng, Đại tướng nói chuyện với bà con bằng tiếng Tày. Nghĩa là 40 năm Đại tướng vẫn nhớ tiếng của đồng bào. Cũng chuyến đi Cao Bằng ấy, Trần Hồng bấm được bức ảnh cảm động: Đại tướng Võ Nguyên Giáp chống gậy vượt đèo, vượt rừng với mọi người trong đoàn, như là người lính hành quân năm xưa, mặc dù lúc đó ông đã 83 tuổi. Trần Hồng viết: "Bữa ấy, Cao Bằng mưa tầm tã. Đi sâu vào trong rừng, trời tối đen như lúc nửa đêm... Thế nhưng mọi lo lắng đều thừa. Chính ông còn động viên mọi người: Mưa to thì dừng lại, tạnh mưa lại hành quân”. Cái tầm cao của bức ảnh: Võ Nguyên Giáp trọn đời vẫn là một người lính can trường, không khuất phục hoàn cảnh! Lên Điện Biên, Đại tướng đã đến thăm ngôi lán đơn sơ trong rừng Mường Păng, là nơi Đại tướng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi là người đọc nhiều, xem nhiều, mà lần đầu tiên thấy ngôi nhà đơn sơ mà vỹ đại này. Có lẽ nhiều người cũng lần đầu như tôi được ngắm bức ảnh quý giá của lịch sử. Nghệ sĩ Trần Hồng viết: "Ngôi lán đơn sơ như nhà dân thật khác một trời một vực với những đồn bốt, hầm hào kiên cố của sở chỉ huy bên địch”- một sự so sánh nặng hơn mọi lời ngợi ca chiến thắng! Trần Hồng viết tiếp: “Năm 1994, Đại tướng trở lại nơi này. Ông nói với những cán bộ cùng đi: "Tôi vẫn đang làm công việc mà tôi đã làm 40 năm trước. Tôi chỉ tiếc rằng nhiều đồng chí của tôi thời đó không còn ở bên chúng ta nữa”. Nghĩa là ông vẫn đang suy nghĩ để tổng kết về chiến tranh Việt Nam, thắng lợi của Việt Nam, tức là ông vẫn đang làm công việc của một người lính.
Đại tướng ăn cơm với người bạn đời-GS Đặng Bích Hà. |
Năm 2004, lần cuối cùng Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình, nhà báo Trần Hồng đã ghi lại những bức ảnh rất quý: Đón Đại tướng ở sân ga Đồng Hới. Bức ảnh là một minh chứng về lối sống dân dã của Đại tướng, đi tàu về thăm quê như bao người dân khác, chứ chẳng cần máy bay chuyên cơ hay xe sang từng đoàn tiền hô hậu ủng. Ảnh Đại tướng chăm chú theo dõi trên sa bàn bước phát triển của H. Lệ Thủy quê hương, ảnh ngôi nhà thân yêu của Đại tướng ở An Xá, Đại tướng trồng chanh ở vườn nhà, Đại tướng thăm nhà thờ tổ họ Võ... Nhưng ám ảnh nhất, xúc động nhất đối với tôi trong chuyện Đại tướng về Quảng Bình năm ấy là hai bức ảnh Trần Hồng chụp Đại tướng thắp nhang ở bàn thờ trong ngôi nhà xưa của mình và bức ảnh Đại tướng ghi nhật ký trong giờ nghỉ ở một khách sạn tại Đồng Hới. Năm ấy, Đại tướng đã 93 tuổi, ông vẫn về kính cẩn thắp nhang lên bàn thờ gia đình, giữ trọn chữ hiếu của một đứa con của cha mẹ, ông bà. Hình ảnh đó khẳng định chất phương Đông, chất Việt Nam của vị tướng lừng danh thế giới. Bức ảnh Đại tướng mặc thường phục, ngồi ghi nhật ký ở phòng nghỉ mà Trần Hồng chớp được mang nhiều giá trị sâu sắc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Đại tướng mặc thường phục, trông như ông tiên, lại chăm chú ghi lại những suy tư của mình sau một ngày gặp gỡ nhân dân quê hương nói lên ông luôn là một trí thức lớn, một nhà văn hóa lớn, suy tư với con chữ bất cứ lúc nào. Trần Hồng viết: "Tôi hỏi bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng rằng, tại sao Đại tướng ít mặc thường phục thế? Bà chỉ về phía Đại tướng: Nhà báo đi mà hỏi ông ấy. Tối đó, ở khách sạn, dùng bữa xong, cụ về phòng nhưng không nghỉ ngơi mà lấy sổ và bút ra cặm cụi ghi nhật ký, trong khi miệng thì vẫn ngậm chiếc tăm tre. Tôi phải nằm bò xuống sàn mà nhẹ nhàng tỉa suốt mười phút. Khi màng chụp của máy ảnh rung lên lần thứ 8, cụ mới giật mình ngẩng lên và nạt : - Thế này mà cậu cũng chụp được à?”. Trần Hồng trả lời: - Vâng, đại tướng không thích nhưng tôi thích...”. Những bức ảnh Trần Hồng “chụp trộm” đã cho lịch sử Việt một bức ảnh quý giá về vị Đại tướng giữa đời thường!
Đại tướng tập thể dục. |
Ở căn nhà 30- Hoàng Diệu, Trần Hồng đã chụp được rất nhiều ảnh quý về Đại tướng hàng ngày. Tôi thích nhất là 2 tấm ảnh: Đại tướng trong phòng tiếp khách, năm 2001, ông 91 tuổi, trông thật khỏe mạnh. Trần Hồng viết: "Tính tuổi tây là tròn 90. Nhưng mỗi lần nói với Đại tướng như thế, Đại tướng nhắc nhở: “Các cậu lấy mất của tớ một tuổi trong bụng mẹ rồi”. Nghĩa là đại tướng vẫn rất minh mẫn, nhớ phong tục tính “tuổi mụ”. Hình ảnh Đại tướng dang hai tay, nói và cười rất hồn nhiên. Tôi ngắm bức ảnh mà ứa nước mắt. Bức ảnh vợ chồng Đại trướng đang ăn cơm cũng là một bức ảnh lịch sử. Nhà báo Trần Hồng viết: “Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh hai quả trứng cứ lăn qua lăn lại”... “Em ăn đi! Cứ gắp cho anh nhiều thế!”. Người chụp bức ảnh này chỉ nghe được trọn vẹn giọng nói thương yêu, trìu mến, nhanh tay bấm được bức ảnh rồi mắt chớp chớp lệ nhòa”. Cuốn sách Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm 7 phần: Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình, Căn nhà 30- Hoàng Diệu, Với đồng bào, đồng chí, Với bạn bè năm châu, Bản môn xuân ấy còn nguyên vẹn. Phần Cuối là phần ảnh những năm tháng Đại tướng nằm viện và Khu mộ Đại tướng ở Vũng Chùa, Quảng Bình. Đọc Trần Hồng ta mới biết, Đại tướng nhập viện ngày 24-6-2009."Ông ở liền trong Bệnh viện Trung ương quân đội 108” và nằm viện 1.559 ngày cho đến khi rời cõi tạm, về với đất mẹ Quảng Bình. Phần này có 19 bức ảnh. Cảm động nhất là bức ảnh cô y tá đang ghé tai hỏi Đại tướng hôm nay cụ ngủ có ngon không, với sự chứng kiến của đại tá Trịnh Nguyễn Huân, người đã gắn bó với Đại tướng suốt cả cuộc đời quân ngũ. Bức ảnh cho nhân dân cả nước biết trong suốt 1.559 ngày ấy, Đại tướng được sự chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện 108, không chỉ bằng thuốc men mà còn bằng cả tình cảm kính yêu của những người con, người cháu đang thay mặt nhân dân cả nước hàng ngày lo cho sức khỏe Đại tướng.
Bộ sách ảnh Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng là bộ sách quý, gom lại 20 năm tác giả luôn ở bên Đại tướng huyền thoại. Trong Lời mở sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết rất chính xác, chụp ảnh Đại tướng rất dễ, vì người dân Việt Nam đã có hình ảnh Đại tướng trong lòng. Người ta xem ảnh là xem Đại tướng chứ đâu có xem ảnh đẹp hay xấu. Nhưng chụp ảnh Đại tướng cũng khó vô cùng. Đó là một cửa ải hiểm hóc mà người nghệ sĩ phải vượt qua. Vì người dân đã có sẵn chân dung Đại tướng trong lòng, trong tâm hồn để so sánh. “Và Trần Hồng đã vượt qua một cách ngoạn mục. Anh đã cho chúng ta nhiều bức ảnh độc đáo, mà ngoài Trần Hồng, không ai có”.
Ngô Minh