Đắk Nông: Công an huyện Đắk Song phát hàng ngàn tờ rơi khuyến cáo người dân cảnh giác với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng và các trang mạng xã hội, trong những ngày vừa qua, lực lượng Công an Công an huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông mà nòng cốt Đội Cảnh sát hình sự, Đoàn Thanh niên Công an huyện, Công an các xã, thị trấn phối hợp các ban, ngành đoàn thể và lực lượng vũ trang đến tận các khu dân cư, nơi tập trung đông người, các chợ, đến tận các nhà dân tuyên truyền, phát hàng ngàn tờ rơi cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng ngừa trước các thủ đoạn dụ dỗ, lừa phỉnh của kẻ xấu với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, tránh bị thiệt hại về sức khỏe, tài sản, đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát hiện, tố giác tội phạm....
Cầm trên tay tờ rơi tuyên truyền vừa được lực lượng Công an phát, bà Phạm Thị Đào, ông Y Soi, bà Triệu Thị Nãy, bà Thị Doanh cùng nhiều người dân ở huyện Đắk Song chia sẻ “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi thấy tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng nói riêng, trong đó có lừa đảo qua Campuchia làm việc thời gian gần đây xảy ra khá nhiều với các phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Nghe lời chào mời, quảng cáo trên mạng xã hội, nhiều thanh niên đã “sập bẫy” với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” rồi bị bán ra nước ngoài làm việc và bị đánh đập, ép buộc lao động, không được trả lương và phải nộp số tiền lớn để được trở về nhà. Việc lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành đoàn thể đến tận cơ sở, tận nhà dân tuyên truyền, phát tờ rơi cảnh báo, phòng ngừa tội phạm, đây là việc làm rất thiết thực nhằm kịp thời cung cấp thông tin giúp Nhân dân chủ động phòng tránh các thủ đoạn của tội phạm cũng như tích cực phát hiện, tố giác tội phạm. Qua đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho người thân, bạn bè và con cháu trong gia đình nêu cao cảnh giác, tránh bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo....”.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Lục Văn Vinh, phó Trưởng Công an xã biên giới Thuận Hà và Đại úy Đỗ Văn Phúc, cán bộ Công an thị trấn Đức An, huyện Đắk Song cho biết, cùng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác phòng ngừa; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, lợi dụng việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc nhu cầu tìm việc làm của người dân để trục lợi, mua bán người... Chúng tôi còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm đến với mọi tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức như (thông qua các trang mạng xã hội; phát tờ rơi tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến tận các khu dân cư; thông qua hệ thống báo chí, hệ thống truyền thanh ở các xã, thị trấn....) Đặc biệt, lực lượng Công an còn phối hợp với lực lượng Quân sự, Biên phòng, chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể đến tận từng khu dân cư, tận nhà dân để phát tờ rơi tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng ngừa tội phạm cũng như huy động sự tham gia của người dân trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phát hiện, tố giác tội phạm... Đây là những hình thức tuyên truyền rất thiết thực, hiệu quả, giúp người dân dễ tiếp cận với thông tin cũng như nêu cao ý thức cảnh giác trong việc phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi dụ dỗ, lừa phỉnh của các đối tượng, tránh hậu quả xấu xảy ra, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ngay tại cơ sở...”.
Đắk Song là một trong 4 huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, có hơn 24km đường biên giới, tiếp giáp với huyện Ô Răng và huyện Pích Chăm Đa, tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Đây là địa phương có địa bàn rộng, nhiều thành phần dân cư và tiếp giáp với nhiều địa phương trong tỉnh, nơi có các tuyến quốc lộ huyết mạch chạy qua và cũng là địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT. Đời sống của người dân còn gặp không ít khó khăn, chủ yếu dựa vào nương, rẫy. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận thanh niên với mong muốn tìm được việc làm ổn định tại các công ty, các đối tượng xấu đã kết bạn, nhắn tin hoặc gọi điện làm quen và giới thiệu “việc nhẹ lương cao” qua trang mạng xã hội như facebook, zalo... rồi dụ dỗ, lừa phing đưa sang Campuchia để làm việc trong các sòng bạc, tụ điểm phức tạp, bóc lột sức lao động, thậm chí còn bị đánh đập khi không làm việc được theo điều kiện ở đó. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Công an huyện Đắk Song đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và lực ượng Công an các xã, thị trấn tiến hành xác minh điều tra nắm rõ các vụ việc liên quan đến công dân trên địa bàn bị dụ dỗ lừa phỉnh qua Campua chia làm việc, đồng thời chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, tích cực tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác về thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm này để không bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, sập bẫy "việc nhẹ, lương cao".
Trung tá Trịnh Ngọc Dũng, Phó trưởng Công an huyện Đắk Song, tính đến ngày 30/9/2022 trên địa bàn huyện có 11 trường hợp (xã Thuận Hạnh 5 trường hợp, Thuận Hà 3 trường hợp, Nam Bình, Đắk N’Drung, Nâm N’jang, mỗi xã 1 trường hợp) bị dụ dỗ, lừa sang Campuchia làm việc với mức lương cao. Trong đó có 8 trường hợp may mắn được các cơ quan chức năng giải cứu và gia đình chuộc về, 3 trường hợp còn lại vẫn ở Campuchia, hiện chưa biết số phận ra sao. Qua điều tra và làm việc với các nạn nhân đã được trở về địa phương và những người thân có con em bị lừa sang Campuchia nhưng chưa được chuộc về, cho thấy, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, chủ yếu sử dụng các trang mạng xã hội Facebook với việc lập nhiều tài khoản ảo, sử dụng công dân Việt Nam bị dụ dỗ, ép buộc xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia để nhắn tin về Việt Nam tìm kiếm “con mồi” để tiếp tục dụ dỗ xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” hoặc dụ dỗ tham gia các trò chơi trực tuyến sau đó chiếm đoạt tiền của người chơi.... Quá trình làm việc tại Campuchia, người lao động không được trả lương và phải làm việc theo chỉ tiêu, nếu không đạt chỉ tiêu hoặc vi phạm nội quy sẽ bị đánh đập...
Khi vào làm việc mà không đáp ứng yêu cầu thì sẽ bị bán cho chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi. Công an huyện Đắk Song đã và đang phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền để thực hiện các giải pháp giải cứu các nạn nhân còn lại về nước an toàn. Đồng thời phối hợp với các ban, các ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, tránh bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo lừa đảo sang Campuchia làm việc rồi bị chiếm đoạt tài sản.... Đặc biệt, chúng tôi đã và đang chỉ đạo Đoàn Thanh niên Công an huyện phối hợp với các đội nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chú trọng tuyên tuyền cá biệt, phát hàng ngàn tờ rơi đến tận từng hộ dân, từng khu dân cư để cảnh báo, nâng cao ý thức phòng ngừa trong Nhân dân, qua đó chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu với các hành vi lừa đảo, mua bán người, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương....
Hồng Long – Bá Hiển