Báo Công An Đà Nẵng

Đakrông gọi mời!

Thứ sáu, 17/05/2019 13:51

Chủ tịch UBND H. Đakrông (Quảng Trị) Lê Đắc Quỳ ngày 16-5 cho biết, mọi nguồn lực, phương tiện, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc H.Đakrông lần 2 đã sẵn sàng, đặc biệt lễ khai mạc diễn ra vào sáng 18-5. Thị trấn Krongklang và Khu  Du lịch cộng đồng Klu (xã Đakông) là hai địa điểm được chọn tổ chức lễ hội với 7  hoạt động xuyên suốt 3 ngày nhộn nhịp hứa hẹn mang lại sự hấp dẫn, đặc sắc, tươi mới.

Nét văn hóa đặc sắc trên rẻo cao Đakrông.

Trong dòng người đổ về trước thềm lễ hội, không chỉ có đồng bào Pa Cô, Vân Kiều tại 14 xã, thị trấn của H. Đakrông mà còn có người dân đến từ H. Hướng Hóa và du khách gần xa. Ông Lê Đắc Quỳ cho biết, khách mời tham gia còn có cả Salavan và Sa Muồi của nước bạn Lào. Đây là dịp Đakrông giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển, quảng bá và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào địa phương.

Tại trung tâm du lịch cộng đồng Klu, chúng tôi gặp một nhóm phượt hơn 20 thành viên đến từ TP Đông Hà. Cả nhóm cho biết trên đường đến thác Chênh Vênh (H. Hướng Hóa), sau đó trở lại tham gia Lễ hội tại Đakrông vào sáng sớm 18-5. "Cả nhóm rất háo hức với hoạt động liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục và ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc, đồng thời còn chờ trải nghiệm suối Klu", Lê Thanh Hiền chia sẻ kế hoạch. Hồi đáp cho sự trông đợi ấy của du khách tìm đến lễ hội chính là sự chuẩn bị chu đáo của khu du lịch cộng đồng vô cùng ấn tượng này. Nhà ngắm cảnh, sân lễ hội, trung tâm thông tin giới thiệu danh thắng, suối nước Klu, nhà nghỉ cùng cộng đồng, bãi đỗ xe, đường đi bộ... đặc biệt là các món ẩm thực bản địa do cư dân địa phương chế biến, đậm đà hương vị của núi rừng.

Một nữ giám đốc đến từ TPHCM cũng tìm về Krongklang từ mấy ngày qua. Chị cho biết, đây không phải là lần đầu đến rẻo cao Quảng Trị nhưng dịp lễ này là cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực dệt thổ cẩm nổi tiếng của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều. "Tôi hy vọng trong hoạt động giới thiệu sản phẩm địa phương và trình diễn trang phục truyền thống, tôi sẽ được đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm và nét đặc sắc của "báu vật" đồng bào cũng như tìm thấy cơ hội hợp tác, kinh doanh", vị giám đốc chia sẻ.

Được biết, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều đang dần hồi sinh, khôi phục và bảo tồn. Mỗi sắc màu tấm thổ cẩm được dệt thủ công từ những đôi bàn tay tinh hoa, tinh tế và độc đáo của người dân bản địa hứa hẹn sẽ giới thiệu với đông đảo người tham lễ hội sự ngọt ngào, tha thiết.

Chia sẻ thêm về hấp dẫn của Đakrông, Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân cho biết, trên địa bàn có 31 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được Bộ, tỉnh xếp hạng. Không chỉ giàu về tiềm năng tự nhiên, Đakrông còn dồi dào về kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều với bản sắc văn hóa độc đáo, có các làn điệu dân ca mượt mà, lễ hội văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống được khôi phục, bảo tồn. Đặc biệt, Khu Du lịch cộng đồng Klu đã đi vào hoạt động từ giữa năm 2018, đón gần 20 ngàn lượt khách đến du lịch, nghỉ dưỡng. Trong 7 hoạt động chính của Lễ hội lần thứ 2 này, chương trình giới thiệu và bán các sản phẩm địa phương tin chắc là phần thu hút khiến đông đảo du khách khó cưỡng lại. Tại đây, các sản phẩm nổi tiếng như nếp than, gạo rẫy; đặc sản cheo cá mát, cát mát nướng, muối kiến, rượu cần, rượu men lá Pa Nang, dệt thổ cẩm, mật ong, sâm núi, dứa Tà Rụt... sẽ để lại ấn tượng và hương vị khó phai trong lòng người đến.

Bảo Hà