Báo Công An Đà Nẵng

Đảm bảo an ninh mạng, yếu tố then chốt xây dựng chính phủ số

Thứ năm, 03/12/2020 07:52

Ngày 2-12 Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức “Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2020”. Đây là diễn đàn quan trọng cấp quốc gia trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin mạng, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, các đơn vị liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an toàn an ninh mạng trong thế giới ảo. Niềm tin số sẽ trở thành yếu tố quyết định sự thành công của cuộc di chuyển này. Công nghệ mở là lựa chọn của các quốc gia để làm chủ công nghệ và đảm bảo an toàn an ninh mạng, góp phần giúp cho thế giới được hòa bình và Việt Nam lựa chọn công nghệ mở để xây dựng nền tảng hạ tầng an toàn thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, để các sản phẩm dịch vụ và hệ thống công nghệ thông tin Việt Nam được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, Việt Nam phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng làm nòng cốt riêng về lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Ngoài những công cụ đảm bảo an toàn an ninh mạng, các chuyên gia, đặc biệt là các cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực này là nhân tố quan trọng.

Hiện nay, đội ngũ nhân lực đảm bảo an toàn an ninh mạng nằm chủ yếu ở các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhưng khi cần thiết có thể trưng dụng để giải quyết các vấn đề an toàn an ninh mạng của quốc gia. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Hiệp hội An toàn thông tin và Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc, đứng ra liên kết mạng lưới đội ngũ nhân lực đảm bảo an toàn an ninh mạng quốc gia.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam khẳng định, an toàn an ninh mạng với những công nghệ “Make in Việt Nam” là yếu tố then chốt trong chuyển đổi số quốc gia. Tại sự kiện này, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam mong muốn là cầu nối gắn kết “3 nhà” gồm doanh nghiệp an toàn an ninh mạng, đơn vị sử dụng dịch vụ sản phẩm an toàn, an ninh mạng và các cơ quan xây dựng chính sách để cùng nhau giải quyết những vấn đề an toàn an ninh mạng của mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị của Việt Nam bằng giải pháp của người Việt.

Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ khoảng 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Năm 2021, Việt Nam có thể là một trong số ít quốc gia có thể làm chủ 100% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn thông tin. Do đó, việc tiếp tục xây dựng đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng cần được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các Hiệp hội phối hợp thực hiện. 
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, Hiệp hội An toàn Thông tin mạng Việt Nam sẽ liên kết các doanh nghiệp An toàn thông tin hội viên, để đưa ra những cam kết đối với xã hội về các dịch vụ an toàn mạng cơ bản, có chất lượng tốt, miễn phí, dễ tiếp cận nhờ sử dụng mô hình dịch vụ an toàn thông tin trên nền tảng điện toán đám mây.

Cùng ngày, Ban tổ chức đã công bố các nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Các đội sinh viên đạt giải cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020 cũng vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dịp này, các tập đoàn công nghệ lớn trong nước và quốc tế đã triển lãm các sản phẩm giải pháp an toàn an ninh mạng. 

NGỌC BÍCH