Báo Công An Đà Nẵng

Đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại Đà Nẵng

Thứ ba, 29/01/2019 12:00

Nhằm mục đích quản lý ngành chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn sức khỏe cho người dân trên địa bàn TP nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, lại đúng vào thời điểm dịch bệnh trên địa bàn cả nước đang chuyển biến phức tạp, UBND thành phố Đà Nẵng kịp thời ban hành Đề án "Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng (LMLM) ở trâu bò trên địa bàn H. Hòa Vang".

Phun thuốc phòng dịch bệnh tại xã Hoài Nhơn, H. Hòa Vang sáng 28-1.

Hiện nay, Hòa Vang là địa phương có tỷ lệ chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm lớn nhất trên địa bàn thành phố, trong đó có trên 13 nghìn con trâu, bò, hơn 33 nghìn con heo, gần 270 nghìn gia cầm, chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn thành phố. Trong những năm qua, tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn TP nói chung và H. Hòa Vang nói riêng đạt được nhiều chuyển biến tích cực, ngành chăn nuôi đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân, bước đầu hình thành các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, vấn đề dịch bệnh trên động vật nuôi cơ bản được kiểm soát. Tuy vậy, hiện trạng ngành chăn nuôi tại các địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, đặc biệt vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh vẫn là mối quan tâm hàng đầu.

Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh động vật nuôi trên địa bàn huyện được quan tâm thực hiện, các bệnh như cúm H5N1, LMLM ở trâu, bò ít xảy ra. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các địa phương khác, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi an toàn phục vụ người tiêu dùng TP, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới. Chính vì vậy, việc xây dựng vùng ATDB cúm gia cầm H5N1 và LMLM ở trâu, bò trên địa bàn H. Hòa Vang là rất cần thiết. Hiện tại, huyện đã hướng dẫn xây dựng được 3 cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh: Dịch tả lợn; Tai xanh; Cúm gia cầm và Newcastle (bệnh gà rù).

Dự kiến, Đề án thực hiện đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc khống chế, thanh toán bệnh cúm gia cầm H5N1 và LMLM trâu, bò; hoàn tất hồ sơ về vùng ATDB để Cục Thú y công nhận H. Hòa Vang là vùng ATDB đối với bệnh cúm gia cầm H5N1 và bệnh LMLM ở trâu, bò. Tổng kinh phí thực hiện đề án từ năm 2019 - 2020 hơn 6 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và các hộ chăn nuôi chi trả.

Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với H. Hòa Vang và các ngành liên quan tổ chức triển khai các quy chuẩn, quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật. Tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở ATDB trên động vật. Kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật trên địa bàn thành phố, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Hằng năm, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng vaccine phòng bệnh LMLM ở trâu, bò và Cúm H5N1.

Tại 11 xã thuộc H. Hòa Vang, cần nghiêm túc thực hiện việc thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và giám sát dịch bệnh động vật trên cạn. Quản lý hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, đảm bảo các hộ, cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ chấp hành tốt việc tiêm phòng và quản lý dịch bệnh LMLM và Cúm gia cầm theo quy định. Đặc biệt, các cơ sở chăn nuôi tại H. Hòa Vang cần nâng cao ý thức, nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn. Hưởng ứng các chương trình tiêm phòng các loại bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch hằng năm của UBND thành phố. Từng bước chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, hoặc chuyển đổi ngành nghề đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch chăn nuôi quy mô nhỏ.

Theo bà Ngô Thị Hạnh - Phó phòng NN&PTNT H. Hòa Vang, hiện nay, H. Hòa Vang đang chờ Văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án từ Sở NN&PTNT TP. Tuy nhiên hằng năm, Phòng NN&PTNT huyện vẫn có chương trình tiêm phòng vaccine, phun thuốc tiêu độc khử trùng trên đàn gia súc, gia cầm ở 11 xã trên địa bàn huyện. Bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn duy nhất là việc đồng bào có tập quán chăn thả trâu, bò trong rừng, có khi lên đến 1 tháng mới dắt về, gây ra khó khăn trong việc kiểm soát, tiêm vaccine trừ bệnh ở những trường hợp này.

Bà Ngô Thị Hạnh nhấn mạnh, 4 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại huyện được kiểm soát và không xảy ra trường hợp nào được ghi nhận liên quan đến dịch LMLM và Cúm H5N1. Có được những kết quả khả quan đó, bởi công tác tiêm chủng vaccine, phun thuốc tiêu độc khử trùng được huyện triển khai nghiêm túc và đạt được hiệu quả cao.

NGỌC QUỐC