Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch UBND thành phố biểu dương các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong 10 năm thực hiện chỉ thị 29, đồng thời nhấn mạnh: Qua thực hiện Chỉ thị, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị- xã hội đã có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, xem việc đảm bảo ATVSLĐ trong doanh nghiệp, đơn vị và các tổ chức, cá nhân và người dân trên toàn thành phố là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực tăng năng suất lao động; đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người dân, người lao động và tài sản của doanh nghiệp, tạo môi trường lao động bình yên an toàn cho mỗi người dân nói chung và người lao động nói riêng.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu cần tiếp tục chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn lao động, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao được nhận thức của người dân, người lao động và người sử dụng lao động. Duy trì và nâng cao chất lượng các tổ chức, các hoạt động về an toàn thực phẩm để phát động các hành động an toàn lao động thành phố hằng năm. Cùng với đó, phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tích cực chủ động thực hiện chương trình ATVSLĐ; giám sát phản biện các vấn đề có liên quan đến các chính sách về ATVSLĐ để tạo môi trường bình yên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
“Mục tiêu của chúng ta là giữ được thành phố đáng sống và phải giúp cho mỗi người dân đều có cuộc sống tốt. Tôi đề nghị liên đoàn lao động thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mới nội dung, cách thức, tổ chức hoạt động, chú trọng nghiên cứu nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở doanh nghiệp. Phối hợp với các sở ban ngành trong việc thực hiện công tác điều tra lao động và thực hiện tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp. Ban cán sự đảng UBND thành phố có chỉ đạo các sở ngành có liên quan, trong đó yêu cầu Sở Lao động Thương binh xã hội chủ trì phối hợp các sở ngành địa phương, tham mưu ủy ban thành phố tăng cường công tác này trong giai đoạn tiếp theo. Phối hợp các sở ngành địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đặt mục tiêu người lao động lên hàng đầu; phối hợp các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng Kế hoạch triển khai thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên toàn địa bàn thành phố. Chú trọng tập huấn an toàn, vệ sinh lao động cho các chủ thầu xây dựng thi công các công trình dân sinh ở khu dân cư; các làng nghề truyền thống; các đối tượng lao động không giao kết hợp đồng lao động… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng đông lao động; các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động” – Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.
Đánh giá tại hội nghị cho thấy: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức xã hội đã có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, xem việc đảm bảo ATVSLÐ trong doanh nghiệp, đơn vị và các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tạo động lực tăng năng suất lao động, đảm bảo tính mạng, sức khỏe NLĐ. 100% cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ tại địa phương mình. Hầu hết các Sở, ngành đều bố trí bộ phận hoặc cán bộ làm công tác ATVSLĐ, nhờ đó năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về tổ chức hoạt động ATVSLĐ được nâng lên rõ rệt; công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố đã tặng bằng khen cho 6 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29.
Công Hạnh