Báo Công An Đà Nẵng

Đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014

Thứ bảy, 23/11/2013 14:01

(Cadn.com.vn) - Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Giáp Ngọ 2014. Đến nay, công tác chuẩn bị hàng Tết đang được các ngành, các DN Đà Nẵng lên kế hoạch để đón đầu mùa tiêu dùng, vừa đảm bảo nguồn cung với giá cả ổn định.

Vào cuộc dự trữ hàng Tết

Tại thời điểm này, các DN đã triển khai xong kế hoạch sản xuất và dự trữ hàng nhằm tăng nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường trong tháng Tết Giáp Ngọ 2014 tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng trong năm, tương đương 600 tỷ đồng tiền hàng hóa được tiêu thụ nên công tác chuẩn bị hàng hóa cũng như tổ chức bán hàng bình ổn giá đã được Sở triển khai đến từng DN, siêu thị và các chợ.

Đến nay có 19 DN, siêu thị trên địa bàn TP đăng ký tham gia bình ổn giá với tổng số tiền 224 tỷ đồng, chủ yếu các mặt hàng nằm trong diện bình ổn như lương thực, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, bánh, mứt, kẹo các loại, rượu, bia, nước giải khát... Bên cạnh đó, UBND TP sẽ trích 4 tỷ đồng cho Cty Đắc Vinh không tính lãi, hỗ trợ chênh lệch bù giá, hỗ trợ chi phí phục vụ bán hàng để trữ lượng 35 tấn thịt heo để bán vào các ngày cao điểm từ 25 đến 30 tháng Chạp tổ chức 13 điểm bán hàng bình ổn từ 6 giờ 30 đến 16 giờ hằng ngày, tập trung tại các chợ gần khu dân cư, 2 xe bán hàng bình ổn lưu động phục vụ tại các điểm nóng, khu đông dân cư, khu công nghiệp và theo sự điều động của UBND TP để phục vụ nhu cầu của người dân. Về giá bán bình ổn phải thấp hơn 10-15% so với giá thị trường tại thời điểm bán và được niêm yết công khai...

Thời điểm từ tháng Giêng đến đầu tháng 2-2014, mức tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng cao nhằm ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá các DN, siêu thị đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10 - 25% so với các tháng trong năm, tổ chức bán ra thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng.

Cụ thể, tại Cty Vissan Chi nhánh Đà Nẵng đã lên kế hoạch dự trữ 195 tấn thịt chế biến, đông lạnh và các loại lạp xưởng, xúc xích, thịt nguội, thịt hộp, chả giò... với số tiền 18,5 tỷ đồng; Siêu thị Metro Đà Nẵng dự trữ 35 tấn gạo; 42 tấn thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá tươi; 78 tấn rau, củ, trái cây và hàng ngàn thùng nước giải khát, bánh kẹo các loại với trị giá 24,5 tỷ đồng; Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng dự trữ 15 tấn gạo; 4 tấn thịt gia súc; 25 tấn rau, củ, quả, bánh kẹo, hạt dưa... với giá trị hơn 10 tỷ đồng; Chi nhánh Cty CP Chăn nuôi Việt Nam tại Đà Nẵng trích 32 tỷ đồng dự trữ 570 tấn thịt heo hơi với giá 50.000 đồng/kg thịt hơi; 75 tấn gà với giá bán 45.000 đồng/kg; Siêu thị BigC Đà Nẵng cũng dự trữ 5 tấn gạo, 12 tấn thịt gia cầm, 6 tấn cá... với số tiền 14 tỷ đồng; Lotte Mart trích 20 tỷ đồng để dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết...

Ngoài ra, để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân TP trong dịp cuối năm, Sở Công Thương tổ chức Hội chợ Hàng Việt 2013 từ ngày 12 đến 16-12-2013, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế với khoảng 400 gian hàng; Hội chợ Xuân 2014 từ ngày 16 đến 22-1-2014 với khoảng 300 gian hàng.

Hệ thống siêu thị đã sẵn sàng hàng phục vụ Tết. Trong ảnh: Mua sắm tại BigC Đà Nẵng.

Tăng cường kiểm tra giám sát

Lượng hàng hóa phục vụ Tết, theo sự chuẩn bị sẽ không thiếu, nhưng vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhất là giá bán hàng Tết liệu có tăng. Ông Lê Viết Tươi cho biết, để tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như giá cả hàng hóa.

Cũng theo ông Tươi, sức tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết sẽ tăng mạnh, trong khi đó lượng cung các tỉnh lân cận giảm sút do dịch bệnh và thiên tai nên Đà Nẵng đã chủ động liên kết với một số địa phương cung cấp như An Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Khánh Hòa... để kịp thời cung cấp khi có sự thiếu hụt.

Ông Tươi khẳng định cùng với việc tập trung chuẩn bị nguồn hàng hóa dự trữ, Sở Công Thương cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, trọng tâm là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, các mặt hàng trong kế hoạch bình ổn giá; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các điểm bình ổn cũng như các siêu thị và các chợ. Kiên quyết chống các hành vi đầu cơ, ghim hàng tăng giá bất hợp pháp, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép, gian lận thương mại... gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các nhà sản xuất kinh doanh chân chính.

Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với Chi cục ATVSTP tăng cường kiểm tra, xử lý vấn đề VSATTP, nhất là phải xử lý nghiêm việc buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm không kiểm dịch, nhập lậu, gây nguy hại đến sức khỏe người dân nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho nhân dân vui xuân đón Tết.

Xuân Đương