Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII:

Đảm bảo tối đa quyền lợi cho người bị thu hồi đất

Thứ năm, 07/11/2013 09:30

(Cadn.com.vn) - Sáng 6-11, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – dự án luật được các cấp, các ngành và cử tri cả nước trông chờ nhất đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tích cực tại hội trường trong buổi làm việc được truyền hình trực tiếp.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 có 14 chương, 212 điều tăng 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập đến 15 vấn đề lớn, liên quan đến toàn bộ các nội dung trong dự thảo: Về những quy định chung; quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai; chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giá đất; đất ở tại đô thị; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; và, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Các đại biểu trao đổi bên lề phiên họp sáng 6-11.

Quy định rõ các trường hợp thu hồi đất

Điểm c, Khoản 1, Điều 62 quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển KT-XH, bao gồm: công trình thuộc hệ thống giao thông, điện lực, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; công trình thu gom, xử lý chất thải.

Góp ý về nội dung này, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng nếu các công trình thực sự vì mục đích quốc gia thì chấp thuận theo quy định dự thảo luật, nhưng nếu vì lợi ích của doanh nghiệp, do doanh nghiệp xăng dầu đầu tư cần thỏa thuận với người dân thỏa đáng trước khi bị thu hồi đất. Trên cơ sở đó, ĐB đề nghị chỉ nên thu hồi đất đối với trường hợp do Nhà nước làm chủ đầu tư.

Góp ý Điều 69 về trình tự, thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển KT-XH, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về thời gian thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 đảm bảo tính kịp thời tránh tình trạng chậm trễ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Về Điều 92 những trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất, ĐB đề nghị cần bổ sung trách nhiệm nhà đầu tư thực hiện các dự án đã cấp phép, tránh tình trạng chủ đầu tư thực hiện không đến cùng để Nhà nước phải bồi thường phần đầu tư dở dang.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu ý kiến, nếu Luật Đất đai sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định thu hồi đất tại Điều 62 thì vấn đề khiếu kiện đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải. ĐB đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích KT-XH; phân loại các loại dự án phát triển KT-XH vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi các dự án phát triển KT-XH trong chính sách thu hồi đất; chỉ những dự án do Nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì Nhà nước mới thu hồi đất, với dự án cơ quan Nhà nước chỉ ra thông báo chấp nhận đầu tư thì không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất phải trưng mua quyền sử dụng đất; quyền, lợi ích của chủ đầu tư và người có đất thu hồi thuộc quan hệ dân sự được pháp luật bảo vệ.

ĐB cũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch; làm rõ thời điểm thu hồi đất diễn ra khi nào, tránh tình trạng cứ quy hoạch là thông báo thu hồi đất.

Làm rõ khái niệm giá đất phù hợp với giá thị trường

Đồng tình với dự thảo Luật quy định, Nhà nước quyết định giá đất (Điều 18), tuy nhiên, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm “giá trị trường” và “giá thị trường” được xác định như thế nào?

Theo ĐB, đã là giá thị trường thì phải để thị trường quyết định chứ không phải giá đất do Nhà nước công bố hàng năm là giá thị trường. Để đảm bảo công khai, minh bạch trong định giá đất trong quá trình đấu giá, đại diện người dân phải được tham gia giám sát hoạt động đấu giá, điều này sẽ giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến giá đất và đền bù giải phóng mặt bằng.

ĐB đề nghị dự thảo Luật cần xem xét vấn đề này cụ thể, khi thu hồi đất cần công khai minh bạch, giá cả cần thỏa thuận chứ không thể như hiện nay do chính quyền quyết định, họp dân chỉ là thông qua. Đại biểu cũng kiến nghị Nhà nước cần thành lập cơ quan thẩm định giá đất độc lập.

Phân tích về vấn đề giá đất, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng việc xác định giá đất đang là vấn đề quan tâm lớn của đông đảo cử tri, quy định nguyên tắc xác định giá đất như điểm c, d Khoản 1 Điều 112 chưa rõ ràng cụ thể. Thế nào là giá đất phù hợp với thị trường là câu hỏi khó của các cơ quan Nhà nước trong việc xác định giá, đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn, định giá đất; đồng thời Nhà nước có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường, công bố giá đất định kỳ làm cơ sở tham chiếu trong xác định giá đất.

Theo chương trình, dự kiến ngày 29-11, các ĐB sẽ thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

* Buổi chiều, Quốc hội đã nghe các Tờ trình và báo cáo thẩm tra về các dự án: Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo chương trình làm việc, hôm nay, 7-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao; công tác thi hành án; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

B.T