Báo Công An Đà Nẵng

Đảm bảo trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ mầm non

Thứ tư, 28/12/2022 15:49
Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non.

Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 70 trường MN công lập với 1.872 giáo viên (GV) và 140 trường MN dân lập với 2.590 GV. Trong thời gian đến lớp, trẻ ở bậc học MN thường gặp những rủi ro như: ngã, tai nạn giao thông, động vật, côn trùng cắn, ngộ độc, đuối nước, ngạt thở, hóc nghẹn, tổn thương phần mềm, gãy xương... Vậy nên, việc trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành về sơ cấp cứu cho GV MN để xử lý hiệu quả các trường hợp tai nạn thương tích xảy ra tại trường học là một hoạt động rất cần thiết, góp phần giảm thiểu hậu quả đáng tiếc cho trẻ.

Vì vậy, Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng đã phối hợp với Sở GD-ĐT TP thực hiện Đề án “Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non” trên địa bàn TP. Đề án được thực hiện thí điểm từ năm 2019- 2021, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên Đề án kéo dài đến 2022 với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Đề án đặt ra tiêu chí cụ thể: 100% GV MN hoàn thành khóa đào tạo tình nguyện viên sơ cấp cứu cấp I theo quy định của Bộ Y tế; đảm bảo kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống tai nạn thương tích tại lớp học và trở thành những tình nguyện viên sơ cấp cứu hoạt động hiệu quả tại cộng đồng.

Tham dự một tiết học ngoại khóa tại trường MN Dạ Lan Hương (Q.Hải Châu) về các kỹ năng sơ cấp cứu và phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, chúng tôi cảm nhận rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc kịp thời sơ cấp cứu khi trẻ gặp nạn. Các cô giáo cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng chi tiết khi thực hành giả định băng bó vết thương cho trẻ, luôn nhẹ nhàng dỗ dành, an ủi và trấn an trẻ... Cô Hoàng Thi Ngọc Ánh – GV trường MN Dạ Lan Hương cho biết: Thông qua đợt tập huấn này, bản thân cô và các đồng nghiệp khác được học theo phương pháp dạy học tích cực, kết hợp thực hành trên mô hình và dụng cụ trực quan, như: Kỹ thuật di chuyển nạn nhân khẩn cấp; Sơ cứu dị vật, tắc đường thở; Sơ cứu ngừng thở, ngừng tim (kỹ thuật CPR); Sơ cứu chảy máu - sốc; Sơ cứu các vết thương phần mềm, băng bó vết thương; Sơ cứu gẫy xương; Kỹ thuật vận chuyển nạn nhân an toàn; Sơ cứu bỏng; Sơ cứu điện giật; Sơ cứu đuối nước. “Đây là những kỹ năng rất thiết thực để vận dụng trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là với các bé ở trường MN”- cô giáo Ngọc Ánh nhìn nhận.

Sau đợt tập huấn, các cô giáo MN tỉ mỉ trong từng chi tiết khi thực hành giả định băng bó vết thương cho trẻ tại trường.

Cùng suy nghĩ này, cô Nguyễn Thị Ly Na - GV trường MN 20-10 (Q.Hải Châu) bày tỏ thêm: “Ngoài việc giáo dục giúp trẻ em hình thành các kỹ năng và nhận biết, phòng- tránh những nguy cơ không an toàn cho bản thân thì những hoạt động hàng ngày như vui chơi, vận động, vệ sinh tại trường MN luôn tiềm ẩn những tình huống có thể xảy ra đối với trẻ. Do đó, việc trang bị các kiến thức, đặc biệt là kỹ năng về sơ cấp cứu ban đầu cho GV MN thuộc Đề án của Hội Chữ thập đỏ TP là rất cần thiết, mang tính thiết thực, hiệu quả và có tính ứng dụng cao. Hy vọng Đề án tiếp tục được triển khai và nhân rộng”.

Không riêng gì cô Ngọc Ánh, Ly Na, hầu hết các GV MN tham gia tập huấn đều đánh giá nội dung, chương trình đào tạo rất thiết thực, bổ ích đối với công tác chăm sóc trẻ MN. “Đa số GV đã vận dụng hiệu quả vào quá trình thực hiện chăm sóc giáo dục thực tế khi đứng lớp, luôn đảm bảo môi trường an toàn, loại bỏ những yếu tố nguy hiểm có thể gây thương tích cho trẻ khi hoạt động. Chủ động khi xử lý các tình huống về tai nạn thương tích và thực hiện sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ 1 cách bình tĩnh hơn để trường MN thực sự là môi trường an toàn, an toàn để hạnh phúc và phát triển”, cô Lê Thị Bích Trâm- Hiệu trưởng Trường MN 19-5 phấn khởi cho biết.

Đề án “Huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non” trên địa bàn TP Đà Nẵng đã hoàn thành và đạt hiệu quả các hoạt động đã đề ra. Bà Lê Thị Như Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng chia sẻ: “Hội Chữ thập đỏ, ngành GD-ĐT, ngành Y tế TP đã phối hợp chặt chẽ, thống nhất, hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án. Ban Giám hiệu các trường MN đã tạo điều kiện bố trí cho GV tham gia các lớp tập huấn đạt chỉ tiêu đề ra. Hoạt động đào tạo, huấn luyện kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu được tiến hành theo đúng quy định của Bộ Y tế. Theo đó, có 90% GV đạt loại tốt, khá. Tôi mong rằng, sau khi tham gia lớp huấn luyện, các học viên sẽ phát huy kiến thức, hỗ trợ kịp thời các trường hợp rủi ro, tai nạn thương tích, trong gia đình, nhà trường và xã hội…”.

Với việc hoàn thành và đạt hiệu quả các hoạt động tại Đề án này, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng cho biết thêm, Hội Chữ thập đỏ, Sở GD-ĐT, Sở Y tế đã thống nhất đề xuất UBND TP phê duyệt Đề án huấn luyện kỹ năng Sơ cấp cứu cho đội ngũ GV, học sinh ở bậc học phổ thông trong thời gian tới.

Thanh Hoa