Đảm bảo việc làm cho người lao động và chính sách ưu đãi người có công
(Cadn.com.vn) - Ngày 6-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết tình hình thực hiện năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Dự tại đầu cầu Đà Nẵng có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Anh cùng các đơn vị, ban ngành, địa phương.
Giao dịch việc làm diễn ra quy mô lớn
Năm 2013, hoạt động giao dịch việc làm diễn ra quy mô lớn, hiệu quả kết nối cung – cầu lao động cao và thường xuyên hơn với 800 phiên giao dịch việc làm ở 44 tỉnh, thành phố, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố trọng điểm như: Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM... Qua đó, đã giải quyết việc làm cho hơn 1,455 triệu lao động trong nước và xuất khẩu lao động cho hơn 88.155 người.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông tin xuất khẩu lao động đến với người dân và chính quyền địa phương... Tổ chức tuyển chọn, giáo dục định hướng, dạy nghề tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo yêu cầu của thị trường; hỗ trợ người lao động vay vốn, chi phí học nghề, ngoại ngữ... đưa nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật lao động về tiền lương, BHXH, hợp đồng lao động, xây dựng nội quy lao động... trong các doanh nghiệp được thực hiện tốt hơn. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã góp phần bảo đảm ổn định, cải thiện đời sống của người lao động. Trong năm, số lao động tham gia BHXH bắt buộc đạt 10.670 nghìn người, tham gia BHXH tự nguyện đạt 156 nghìn người. Đến nay cả nước có 8,538 triệu người tham gia BHTN.
Đi đôi với việc giải quyết việc làm là mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa. Tính đến nay cả nước có 1.339 cơ sở dạy nghề (trong đó có 162 trường cao đẳng, 302 trường trung cấp nghề, 875 trung tâm dạy nghề). Trong năm, đã tuyển mới dạy nghề trên 1.732 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp nghề trên 216 nghìn người.
Đặc biệt, từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và từng bước hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao... Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng đã tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn cho hơn 8.000 người cai nghiện và sau cai nghiện; hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ bán dâm có nhu cầu hoàn lương được tiếp cận các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống...
Trong năm qua, nhiều phiên giao dịch việc làm đã diễn ra, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. |
Chi trả kịp thời trợ cấp ưu đãi cho người có công
Trong năm 2013, cả nước đã thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,5 triệu người có công với cách mạng; tổ chức điều dưỡng luân phiên cho trên 600 ngàn người, trong đó điều dưỡng tập trung trên 140 ngàn người; nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung 1.300 thương bệnh binh nặng... Các chế độ, chính sách đối với người có công được mở rộng về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp được nâng lên.
Tổ chức trang trọng việc đón nhận và an táng hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện về nước và hài cốt liệt sỹ được phát hiện, quy tập trong nước. Đặc biệt trong năm đã phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan truyền thông phát hiện và xử lý kịp thời đối tượng lợi dụng ngoại cảm để lừa đảo trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Ngoài ra, mộ liệt sỹ, các công trình nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân.
Xây mới trao tặng 7.500 nhà, sửa chữa nâng cấp trên 10.000 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách; huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa trên 212 tỷ đồng; nhiều hoạt động trợ giúp để hỗ trợ cho gia đình người có công phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống... Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương đến cuối năm 2013 có 97% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Năm qua, các địa phương cũng đã chủ động trong tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2013 còn 7,8% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015, giảm 1,8% so với năm 2012. Đồng thời, đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,6 triệu người thuộc diện bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hơn 7.121 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2013 có 82% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được bảo vệ, chăm sóc; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 5,6%; 65% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế không phải trả tiền tại cơ sở y tế công lập; trẻ em khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chăm sóc tốt hơn và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị: Trong thời gian tới, cả nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án cho vay tạo việc làm với lãi suất thấp thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm nhưng phải đảm bảo cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng.
Theo dõi, kịp thời cập nhật tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các thành phố lớn kịp thời đề xuất giải pháp xử lý những vấn đề mới phát sinh, tăng cường công tác quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời xử lý kịp thời những vi phạm kỷ luật của người lao động làm ảnh hưởng đến thị trường.
Ngoài ra, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, phương thức dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất...; rà soát tổng thể, điều chỉnh và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, nhất là với huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao; tổ chức thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với đối tượng yếu thế... Bên cạnh đó, tiếp tục xử lý các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công đặc biệt với đối tượng liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách.
Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra rà soát hồ sơ các đối tượng người có công để đảm bảo chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đến đúng người và đúng chính sách. Quy hoạch, sắp xếp và đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình – phục hồi chức năng đáp ứng yêu cầu điều trị, phục hồi sức khỏe, hòa nhập cộng đồng cho người có công; đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và nâng cấp các công trình tưởng niệm liệt sỹ đảm bảo ổn định, lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ...
Trí Dũng