Báo Công An Đà Nẵng

Đầm phá Tam Giang-Cầu Hai "kêu cứu"

Thứ ba, 05/04/2016 09:26

* Bài 1: Đầu độc đầm phá bằng hóa chất

(Cadn.com.vn) - Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai có diện tích mặt nước rộng hàng chục ngàn héc-ta, được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Là nơi giàu tài nguyên động, thực vật, được đánh giá là phong phú nhất ở khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều loài thủy sản có giá trị ở vùng đầm phá này đã giảm nhiều và nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Một phần nguyên nhân là do người dân sống nhờ vào đầm phá này lại đang "đầu độc" môi trường, khai thác theo kiểu tận hủy diệt...

Cheo, lừ sau khi được ngư dân tẩy rửa bằng hóa chất "bột trắng" 
ở đầm phá Tam Giang- Cầu Hai để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt tiếp theo.

Giải mã "bột trắng"

Những ngày cuối tháng 3, khi thời tiết đã vào hè, đi dọc phá Tam Giang qua các xã: Lộc Bình, Lộc Trì, Lộc Điền, Vinh Hưng... (H.Phú Lộc, TT-Huế), chúng tôi chứng kiến không ít ngư dân tẩy lừ, cheo (ngư cụ để đánh bắt tôm, cua, cá...) bằng một loại "bột trắng". Ở phá Tam Giang qua địa bàn xã Lộc Trì, nhiều hộ dân vừa trở về từ phiên chợ sớm đã có mặt ở dưới phá để giặt lừ, chuẩn bị cho vụ đánh bắt trong tối hôm đó. Một hộ dân dùng một gói bột màu trắng, đổ trực tiếp lên các lừ, cheo; rồi sau đó dùng bàn chải sắt để cọ rửa. Thấy chúng tôi tiến lại gần, có vẻ tò mò với gói "bột trắng", người đàn ông trạc 40 tuổi tay thoăn thoắt vừa giặt lừ vừa nói: "Mấy năm trở về trước, không có loại "bột trắng" ni, bà con mỗi lần đi làm về, giặt vài tiếng đồng hồ mới sạch được. Nhưng bữa ni, có "bột trắng" rồi, chỉ cần đổ trực tiếp lên lừ, rồi đem xuống phá xổ đi xổ lại trong nước khoảng 15 phút là sạch luôn". Cũng theo người đàn ông này, hàng trăm hộ làm nghề cheo, lừ trên địa bàn xã Lộc Trì đều sử dụng "bột trắng" để làm sạch lừ; chứ không phải giặt bằng thủ công như trước đây rất tốn thời gian.

Không chỉ có ngư dân ở xã Lộc Trì sử dụng "bột trắng" để tẩy cheo lừ mà rất nhiều hộ dân ở các xã vùng khu 3 H. Phú Lộc cũng sử dụng loại "bột trắng" này để tẩy rửa ngư cụ của mình. Có mặt ở vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc địa phận xã Vinh Hưng, hàng chục hộ dân sống cạnh đầm phá này đang tất bật giặt cheo, lừ sau mỗi đêm đánh bắt. Ông Đỗ Đủ (49 tuổi, trú xã Vinh Hưng) nói: Nếu trước đây, người dân xuống phá để tẩy rửa lừ bằng hóa chất thì gần đây, 3-4 hộ ngư dân góp tiền xây chung một cái bể, nằm sát phá Tam Giang. Sau đó, họ lấy nước từ dưới phá lên, rồi đổ hóa chất vào bể này và ngâm lừ vào cho sạch. Sau khi tẩy lừ xong, ngư dân lại xả thẳng nước trong bể ra lại phá. Và, việc này cứ lặp đi lặp lại hàng ngày. Theo lời ông Đủ, việc tẩy lừ trong bể tiết kiệm thời gian hơn giặt dưới phá vì khi ngâm lừ dưới phá mình phải đứng canh giữ; còn khi ngâm trong bể thì có thể tranh thủ làm việc khác như: vá lưới, chùi ghe thuyền... Khi được hỏi, loại "bột trắng" này có chất gì mà tẩy sạch nhanh như thế thì ông Đỗ Đủ nói: "Tui chỉ biết đó là hóa chất, còn độc hay không thì không biết. Nhưng có lần tui thử nếm thì thấy vị chua, mùi hăng"...

Nhiều ngư dân làm nghề lừ ở xã Vinh Hưng cho biết, hóa chất tẩy lừ này được người dân dùng phổ biến khoảng 2 năm trở lại đây. Loại hóa chất này có màu trắng, dạng bột, có giá 26 ngàn đồng/kg. Theo chỉ dẫn của một ngư dân, chúng tôi đến một quầy tạp hóa nằm dọc QL49 ở xã Vinh Hưng để hỏi mua "bột trắng". Lúc đầu, nhìn chúng tôi không phải là ngư dân thường đến mua "bột trắng", chủ hàng tạp hóa thắc mắc: "Bột trắng" là đồ chi. Có phải bột trắng là hóa chất để tẩy rửa cheo, lừ không?". Thấy chúng tôi gật đầu, người chủ quán đưa ra một gói loại 1 kg, rồi nói: "Bột trắng" ni không ăn được mô nghe. Đây là một loại hóa chất để tẩy rửa lừ cho sạch thôi". Nhìn "gói bột" không có nguồn gốc xuất xứ, tôi gặng hỏi: "Rứa dì mua hàng này ở đâu?". "Trên phố (TP Huế) ở đường Huỳnh Thúc Kháng, chợ Đông Ba, nhiều chỗ bán lắm. Tui mua răng thì về bán rứa. Mấy quầy tạp hóa, các chợ xã dọc phá Tam Giang đều có bán cả mà. Có lần tui nghe  nói đồ ni do Trung Quốc sản xuất mà không biết có phải không  nữa".

Để tìm hiểu rõ hơn về loại hóa chất tẩy lừ này, chúng tôi đã tìm đến đường Huỳnh Thúc Kháng, con đường chuyên bán các ngư lưới cụ cho ngư dân. Tại một cửa hàng, khi chúng tôi hỏi mua hóa chất tẩy lừ cho người quen, bà chủ khoảng 60 tuổi chần chừ, rồi nói: "Ở đây không bán hóa chất tẩy lừ. Ai chỉ cho cháu rứa, chắc nhầm rồi". "Cháu có một người bà con bán hàng ở Vinh Hưng nhờ đến đây mua giúp, rồi gửi xe về cho kịp bán". "Rứa à. Rứa thì đúng rồi, dưới Vinh Hưng toàn là bạn hàng của dì. Rứa đợi 20 phút, dì gọi điện họ chở đến nghe". "Đồ nớ, theo quy định là không được bán mô cháu. Nhưng chừ ngư dân có nhu cầu thì mình nhập về bán kiếm lời. Bởi rứa, hàng nớ dì ít khi trữ ở cửa hàng lắm, sợ bị bắt. Hễ, ai cần thì gọi điện trước". Khi tôi hỏi về hàng này có nguồn gốc ở đâu, thì chủ cửa hàng nói là của Trung Quốc... Lấy lý do bận việc nên không thể chờ lâu được, tôi chào bà chủ và hẹn sẽ quay lại sau.

Những ngư dân này ngâm lừ với hóa chất trong bể,
sau đó xả thẳng ra đầm phá Tam Giang- Cầu Hai.

Chính quyền xã bất lực

Ông Phan Thế Phúng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết: "Trước đây, địa phương có trên 5.000 lừ của hơn 100 hộ dân. Đến nay, sau khi sắp xếp lại, chỉ còn khoảng 1.000 lừ, nhưng việc sử dụng hóa chất tẩy lừ trên đầm phá vẫn còn khá phổ biến. Địa phương cũng chỉ biết đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân về việc sử dụng hóa chất tẩy lừ là cấm, độc hại và ảnh hưởng đến môi trường đầm phá. Còn việc xử lý, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Ông Cái Trọng Như- Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho rằng: "Công tác quản lý dùng hóa chất tẩy lừ còn gặp nhiều bất cập do các hộ dân sử dụng trong gia đình, mang tính cá nhân từng hộ. Đến nay chế tài xử lý vấn đề này vẫn chưa rõ ràng. Để chấm dứt tình trạng này cần một đơn vị chức năng có đủ thẩm quyền kiểm tra, xử phạt các chủ cơ sở bán hóa chất lạ này trên địa bàn mới xử lý tận gốc được. Mấy năm qua, trong các hội nghị về thủy sản, các địa phương vùng đầm phá đã kiến nghị vấn đề này rất nhiều, nhưng chưa được giải quyết". Theo ông Như, hiện Lộc Trì có 5.500 lừ của 170 hộ dân. Việc sử dụng khá phổ biến hóa chất tẩy trắng đã ảnh hưởng đến môi trường đầm phá, nguồn lợi thủy sản cũng như sức khỏe người sử dụng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thủy sản khai thác ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trước đây là 4.500 tấn/năm. Đến nay, sản lượng giảm khoảng một nửa, còn khoảng hơn 2.000 tấn/năm. Hiện một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: cá que hương, cá vuợc, cá me, cá liệt, tôm bạc... ngày càng ít. Theo tính toán, cứ 100 cheo, lừ sử dụng khoảng 1 kg hóa chất độc hại, trong khi đó, toàn tỉnh TT-Huế khoảng 15.000 cheo, lừ thì có 1,5 tạ hóa chất độc hại được sử dụng hàng ngày, đang đầu độc nghiêm trọng vùng đầm phá. Được biết, việc người dân sử dụng hóa chất độc hại để tẩy rửa cheo, lừ cũng đã được chính quyền địa phương xã phản ánh qua các lần họp HĐND tỉnh gần đây. Thiết nghĩ rằng, đã đến lúc, tỉnh TT-Huế cần chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát xem những loại hóa chất tẩy lừ có phải là chất cấm hay không. Đồng thời, tuyên truyền cho ngư dân biết được tác hại lâu dài của việc sử dụng hóa chất tẩy cheo, lừ.

Hải Lan
(còn nữa)