Báo Công An Đà Nẵng

Đàm phán hạt nhân Iran vẫn bế tắc

Thứ sáu, 10/07/2015 09:08

(Cadn.com.vn) - Tham vọng giải quyết những tranh cãi kéo dài hơn 12 năm về tham vọng hạt nhân của Iran vẫn chưa thể đi đến đích.

Iran và 6 cường quốc thế giới P5+1 tiến gần hơn đến một thỏa thuận hạt nhân lịch sử trong phiên họp hôm 9-7, song vẫn bế tắc về vấn đề buôn bán vũ khí và tên lửa của Tehran.

Trong 2 tuần qua, Iran và P5+1 đã 2 lần gia hạn thời hạn chót, nỗ lực hoàn thành một thỏa thuận hạt nhân chính thức cuối cùng.  Thời hạn chót mới nhất kéo dài đến hôm nay (10-6) mở ra khả năng đi đến một thỏa thuận nhằm đảm bảo thời gian xem xét 30 ngày của Quốc hội Mỹ, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Bàn đám phán hạt nhân Iran tại Vienna, Áo. Ảnh: Reuters

THỎA THUẬN  TRONG TẦM TAY...

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đã gặp nhau hàng ngày trong 2 tuần qua, cố gắng vượt qua các chướng ngại vật cuối cùng để đi đến một thỏa thuận. Tổng thống Barack Obama và đội ngũ an ninh quốc gia của ông cũng tổ chức một hội nghị trực tuyến với Ngoại trưởng Kerry và nhóm đàm phán của Mỹ tại Vienna.

Bản thân Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng bày tỏ lạc quan, Tehran sắp đạt được thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1 đồng thời khẳng định, chính phủ nước này đã sẵn sàng chuẩn bị cho nền kinh tế khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. “Các cuộc đàm phán đang ở vào giai đoạn nhạy cảm và chúng tôi đang chuẩn bị cho giai đoạn hậu đàm phán và hậu cấm vận”, ông Rouhani nói khi có mặt tại sân bay Mehrabad ở Tehran để bay sang Nga tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS - gồm Nga, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi).

Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết, nội dung chính của thỏa thuận hiện ở mức hoàn thành “khoảng 96%”. Trong khi hầu hết đều nhất trí dỡ bỏ lệnh trừng phạt, yêu cầu của Tehran trong việc chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí của HĐBA LHQ là một trong những điểm chưa được giải quyết. Tehran được Nga ủng hộ mạnh mẽ trong vấn đề này. Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở thành phố Ufa của Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng, phải ưu tiên việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận.

... VẪN BẾ TẮC VỀ BUÔN BÁN VŨ KHÍ

Giới phân tích cho rằng, mặc dù Nga và Trung Quốc có quan điểm đối lập về các lệnh cấm vận vũ khí và các chế tài về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, họ không phá vỡ hàng ngũ của phương Tây về vấn đề này.

Mỹ và các đồng minh Châu Âu xác định không dỡ bỏ lệnh cấm vận mua bán vũ khí và tên lửa đối với Tehran dù có đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, Tehran cho rằng, các hạn chế mua bán tên lửa và vũ khí không liên quan đến các cuộc đàm phán hạt nhân và do đó nên chấm dứt nếu một thỏa thuận hạt nhân được ký kết. Nga ngày càng "dị ứng" với các lệnh trừng phạt với bất kỳ quốc gia nào kể từ khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt Moscow.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác khiến Moscow đặc biệt quan tâm đến việc dỡ bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí và tên lửa cho quốc gia Hồi giáo. Nga và Iran đang nỗ lực hoàn thành thỏa thuận về việc mua bán hệ thống tên lửa S-300 tiên tiến của Moscow. Điện Kremlin hồi tháng 4 ký một sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm tự áp đặt trong việc giao S-300 cho Iran, mặc dù trên thực tế Nga vẫn chưa chuyển giao các tên lửa này cho Iran.

Khả Anh

BRICS ra tuyên bố chung

Tối 9-7, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về cuộc chiến ở Ukraine và cho rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này.

Tuyên bố chung cũng ủng hộ sáng kiến của Nga về việc tổ chức tham vấn giữa các phe phái ở Syria. Trong tuyên bố chung, BRICS còn kêu gọi cải thiện tiến trình tái cơ cấu nợ quốc gia trong khuôn khổ LHQ vì lợi ích của cả chủ nợ và nước đi vay, đồng thời kêu gọi các nước G20 cũng như các định chế tài chính quốc tế tham gia vào các tiến trình này. Theo IANS, dự kiến, các cuộc họp không chính thức tiếp theo của các nhà lãnh đạo BRICS sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 10 tới ở Thổ Nhĩ Kỳ.