Báo Công An Đà Nẵng

Đàm phán Syria nguy cơ chệch hướng

Thứ bảy, 30/01/2016 07:10

(Cadn.com.vn) - Phe đối lập Syria vẫn kiên quyết không tham dự bàn đàm phán về một giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở nước này, vốn dự kiến bắt đầu hôm 29-1 (giờ địa phương) tại Genève, Thụy Sĩ.

Cảnh hoang tàn ở Syria do nội chiến kéo dài 5 năm qua. Ảnh: Reuters

Một lần nữa, bóng ma tranh cãi lại phủ bóng con đường đến Genève - nơi diễn ra cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Syria đã được lên kế hoạch dưới sự hậu thuẫn của LHQ. Thực tế cho thấy, bàn đàm phán về Syria được lên kế hoạch bắt đầu vào ngày 29-1, nhưng sự vắng mặt của các thành viên phe đối lập chính ở quốc gia Trung Đông này đang đe dọa làm chệch hướng con đường ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay để đi đến chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua.

Bất chấp kêu gọi của các bên, phe đối lập Syria kiên quyết không tham dự bàn đàm phán này một khi điều kiện tiên quyết của họ không được đáp ứng. Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC), được thành lập hồi tháng 12-2015, đại diện cho liên minh gồm nhóm đối lập chính Liên minh Dân tộc Syria và nhiều nhóm nổi dậy lớn khác đang tham chiến ở quốc gia Trung Đông này cũng yêu cầu “làm rõ” việc LHQ ban hành giấy mời tới nhóm đối lập khác.

Điều phối viên HNC Riad Hijab, cho biết sẽ không tham dự đàm phán cho đến khi đạt thỏa thuận cho phép công tác viện trợ được tiến hành ở những thị trấn bị bao vây. Trong khi đó, ông Haytham Manna, một lãnh đạo khác của phe đối lập chính bày tỏ hy vọng “bàn đàm phán không bắt đầu cho đến ngày 1-2 tới”. Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến phe đối lập kiên quyết như vậy là do sức mạnh ngày càng tăng của  Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo Reuter, dù không chắc chắn về việc liệu phe đối lập Syria có tham gia hay không, LHQ khẳng định không thể trì hoãn các cuộc đàm phán thêm lần nữa. Đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria Staffan de Mistura thậm chí đưa ra thông điệp với người dân Syria rằng, các cuộc thảo luận đã được lên kế hoạch “không thể thất bại”. Ông nhấn mạnh, các cuộc đàm phán lần này có thể là cơ hội hòa bình cuối cùng cho quốc gia Trung Đông này trong bối cảnh cuộc nội chiến đã khiến hơn 260.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Cuộc đàm phán lần này, ban đầu dự kiến diễn ra ngày 25-1 nhưng đã hoãn đến ngày 29-1 do “bế tắc” liên quan đến thành phần tham gia phái đoàn đàm phán. Đây là một phần trong kế hoạch kéo dài 18 tháng đã được HĐBA LHQ thông qua nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad thông báo sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng, nhưng cũng nhấn mạnh cần phải được cung cấp danh sách các nhóm khủng bố bị cấm tham gia đàm phán cũng như tên của các nhân vật thuộc lực lượng đối lập tại Syria dự kiến tham gia.

Các cường quốc phương Tây đối mặt với sức ép giải bài toán Syria – chảo lửa gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ đe dọa sự tồn vong của Liên minh Châu Âu (EU). Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi đàm phán bắt đầu càng sớm càng tốt. “Chúng ta cần phải đưa ra các biện pháp nhân đạo và đàm phán cho một quá trình chuyển đổi chính trị”, ông Hollande nhấn mạnh. Mỹ, vừa bày tỏ sự “cảm thông” trước điều kiện tiên quyết của phe đối lập Syria vừa  kêu gọi phe này tham dự các cuộc đàm phán. Trong khi đó, Nga tuyên bố muốn tổ chức cuộc họp giữa các cường quốc thế giới về Syria tại Munich vào ngày 11-2 tới – thời điểm vòng đầu tiên của các cuộc đàm phán Genève có thể vẫn đang diễn ra.

Khả Anh