Dặm trường tầm nã
Qua 8 năm thành lập, Phòng Cảnh sát truy nã (CSTN) CA tỉnh Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn khi vận động, bắt giữ hàng trăm đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Trinh sát Phòng CSTN CA tỉnh Quảng Nam đấu tranh với tội phạm truy nã. |
Trung tá Nguyễn Thanh Thắng, người trực tiếp tham gia vào những cuộc tầm nã cho hay, muốn bắt giữ được đối tượng ta phải đi trước một bước. Không kể ngày đêm, mưa gió hay những ngày nghỉ lễ, hễ có thông tin đối tượng trú ẩn ở đâu là các trinh sát (TS) ngay lập tức lên đường. "Thông thường, tội phạm hay chọn những vùng xa nhất, khó khăn nhất lẩn trốn. Vì vậy, người lính truy nã phải kiên trì, truy bắt đến tận cùng tránh để tội phạm tiếp tục gây án. Có khi vào đến mũi Cà Mau hoặc lên tận miền Tây Bắc", Trung tá Thắng chia sẻ.
Thành lập từ tháng 10-2010, đến nay, Phòng CSTN CA tỉnh Quảng Nam đã bắt, vận động đầu thú 417 ĐTTN, trong đó có 109 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã bắt, vận động 12 đối tượng. Nhiều đối tượng ma mãnh, gây ra không ít khó khăn, khiến TS phải theo dấu, mật phục cả hàng tháng trời. Đơn cử, Trần Đức Vinh (1976, trú xã Bình Trung, H. Thăng Bình, Quảng Nam) bị CAH Thăng Bình ra quyết định khởi tố, phát lệnh truy nã toàn quốc về hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy" và lập chuyên án MT518 để truy bắt. Qua sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, các TS biết được Vinh vào miền Nam. Lập tức các TS rong ruổi khắp nơi, từ Khánh Hòa, Bình Thuận, Cần Thơ đến Hậu Giang... nơi nào có thông tin Vinh xuất hiện là TS tìm đến. Vinh rất cảnh giác, không ở nơi nào quá 5 ngày. Vì thế, đã 2 lần các TS "định vị" được nơi Vinh ở nhưng khi tiếp cận thì đối tượng "biến" mất. Kiên trì xác minh, từ nguồn tin của người dân, các TS biết Vinh đang ở nhà bạn gái tên K. (trú P. Hiệp Thành, TX Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) nên bố trí lực lượng mật phục bắt giữ. Đường vào nhà K. ở chỉ có lối độc đạo, xung quanh sông nước mênh mông nên các TS quyết định cất vó. Lần này, khi Vinh đang nằm ngủ, không đường trốn thoát mới đưa tay chịu trói.
Những ngày nghỉ lễ, các TS truy nã vẫn vác ba lô lên đường. Đúng dịp 30-4 năm 2018, các TS đã bắt giữ thành công Phạm Thị Sang (1959, trú xã Nhơn Mỹ, TT An Nhơn, Bình Định), là đối tượng trốn truy nã suốt 24 năm qua. Sang đến địa bàn huyện Quế Sơn (Quảng Nam) lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị CAH Quế Sơn phát lệnh truy nã toàn quốc. Lần dấu vết đối tượng, các TS về xã Nhơn Mỹ, nơi Sang đăng ký thường trú cũng như quê nội, quê ngoại của đối tượng nhưng do Sang ít có mặt ở địa phương nên hầu như không ai hay biết gì. Hàng loạt cái tên Phạm Thị Sang được các TS sàng lọc, đối chiếu. Tuy nhiên, khi xác minh thì không đúng người bị truy nã. Trong khi đó, để lẩn trốn cơ quan chức năng, Sang đã thay tên đổi họ và đăng ký hộ khẩu, chứng minh dưới cái tên hoàn toàn xa lạ. Dù không có một manh mối nào về Sang nhưng các TS vẫn không ngừng tìm kiếm. Hầu như tỉnh, thành nào TS cũng đặt chân đến và thường xuyên liên lạc với Công an các địa phương. Đến giữa tháng 4-2018, với sự phối hợp của CAH Krông Búk (Đắc Lắc), TS nắm được tin Sang đang ở xã Cư Né nên lên kế hoạch truy bắt. Hôm đó, Sang đi làm như thường lệ, nhưng lại phải trở về nhà khi nghe một người gọi điện cần thuê máy ủi. Vừa bước chân vào đến nhà, thấy lực lượng Công an, Sang biết thân phận mình đã bị lộ nên ngoan ngoãn theo các TS về Quế Sơn quy án…
Đối tượng Phạm Thị Sang bị bắt giữ sau 24 năm lẩn trốn. |
Bên cạnh những đối tượng bị phát lệnh truy nã, nhiều vụ mất tích "ảo" cũng được các TS tiếp nhận, giải quyết. Như trường hợp bà Võ Thị A. (trú xã Tam Thành, H. Phú Ninh, Quảng Nam) vì giận người thân mà bà bỏ nhà đi rồi điện về cho em gái thông báo mình bị một thanh niên bắt cóc, nhốt trong phòng kín và có nhiều khả năng sẽ... bị giết!. Ròng rã lần theo từng manh mối, các TS đã tìm ra bà A và buộc bà này phải khai nhận sự thật… là tự mình bịa ra câu chuyện "rùng rợn" trên.
Trung tá Tăng Quang Vinh, cán bộ Phòng CSTN CA tỉnh Quang Nam nhấn mạnh, đặc thù của Cảnh sát truy nã là phát hiện, bắt giữ đối tượng bị kết án tù hoặc tử hình, phạm nhân đang lẩn trốn, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. qua đó, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, gìn giữ trật tự, an toàn xã hội. Song, có một cách làm khác mà những người làm công tác truy nã vẫn ưu tiên áp dụng, đó là vận động, cảm hóa, giáo dục và kêu gọi những người phạm tội ra tự thú. "Nhiều đối tượng với những bản án khác nhau, phạm các tội khác nhau, nhưng điều quan trọng trước tiên khi tiếp cận phải phân tích cho họ thấy cái sai, lỗi lầm khi trốn truy nã. Nhiều đối tượng nghĩ đến người thân, gia đình mà bật khóc, hối hận bởi phí phạm thời gian trốn truy nã bao năm qua, để từ đó phấn đấu cải tạo tốt để nhận sự khoan hồng của pháp luật. Về mặt này, Phòng CSTN triển khai thực hiện, mang lại nhiều hiệu quả tích cực", Trung tá Vinh bộc bạch.
Với những thành tích đạt được, Phòng CSTN Công an tỉnh Quảng Nam nhiều lần được lãnh đạo CA tỉnh Quảng Nam tuyên dương, khen thưởng, nhiều cá nhân trở thành tấm gương điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào thi đua khác.
PHI NÔNG