Báo Công An Đà Nẵng

Dân bất an vì sông Nậm Tôn nhuốm đỏ, ô nhiễm nặng

Thứ ba, 31/05/2022 07:03
Nước sông Nậm Tôn qua đập tràn thủy lợi thuộc xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp

Dân hoang mang

Sông Nậm Tôn có chiều dài hàng chục ki-lô-mét, bắt nguồn từ các xã Châu Tiến, Châu Hồng chảy qua các xã Liên Hợp, Châu Quang, Thị trấn Quỳ Hợp thuộc huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Đây là con sông phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân quanh vùng, là nguồn tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta lúa. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, dòng sông này bị bị ô nhiễm nặng, nước sông nhuốm màu đỏ, người dân không dám lội xuống sông...

Tại điểm hợp lưu giữa sông Nậm Huống và sông Nậm Tôn thuộc địa phận thị trấn Quỳ Hợp (Quỳ Hợp), một bên là dòng sông Nậm Huống có nước trong xanh thì bên kia là dòng sông Nậm Tôn nước đỏ đọc, đục ngầu. Do việc ô nhiễm kéo dài trong nhiều năm nên lớp bùn lỏng hai bên bờ bị lắng đọng tạo thành một lớp dày.

Theo ông Nguyễn Viết Xuân (trú xóm Bản Ca, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp), trước đây khi khu vực này chưa có khai thác quặng thì người dân vẫn sử dụng nước sông để sinh hoạt trực tiếp nhưng từ khi có người đến khai thác quặng, nước sông chuyển đỏ ngầu, không thể sử dụng được nữa. Bây giờ nhà nào cũng phải đào giếng lấy nước sinh hoạt với chi phí rất tốn kém. Bản thân gia đình ông đã bỏ ra hơn 8 triệu đồng đào giếng sâu 14m để lấy nước.

Nước sông Nậm Tôn bị ô nhiễm không những ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà nguồn nước tưới tiêu cũng bị ảnh hưởng. Do không thể dùng nước sông để tưới nên người dân buộc phải chuyển đổi cây trồng. Ông Quán Vi Cường (trú xóm Bản Còn, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) chia sẻ, trước đây nước sông Nậm Tôn rất trong, bên cạnh dùng nước trong sinh hoạt thì chúng tôi thường dùng để tưới tiêu cho lúa, hoa màu. Tuy nhiên, từ khi nguồn nước sông bị ô nhiễm, không thể sử dụng được thì chúng tôi đành phải chuyển từ trồng lúa sang trồng mía. Gia đình tôi cũng phải chuyển đổi 2 sào đất lúa sang trồng mía.

Theo người dân nơi đây, năm 2021, trong xóm Duộc, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp có 3 con bò chết, nguyên nhân là do khi thả rông,trâu bò uống nước sông Nậm Tôn nên bị còi cọc rồi chết dần. Người dân khi giết thịt trâu bò rất hoang mang khi thấy gan, lách nổi u cục, ruột thì nhiều cát nên phải vứt bỏ hoàn toàn phần nội tạng còn các bộ phận khác thì nhìn bề ngoài không có vấn đề gì nên vẫn sử dụng.

Ông Vi Văn Thế- Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp) cho hay, việc sông Nậm Tôn bị ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến trồng trọt và chăn nuôi cho người dân trong xã, hiện một xóm trong xã không có nước sản xuất và nước sinh hoạt, trâu bò uống nước thì bị nhiễm bệnh.

Nước sông Nậm Tôn đục ngầu, ô nhiễm.

Chưa xác định được nguyên nhân

Dù nhìn bằng cảm quan bình thường, dòng nước sông Nậm Tôn chuyển một màu đỏ, đục ngầu nhưng hiện nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được cơ quan chức năng xác định và công bố một cách cụ thể, rõ ràng.

Trước hiện tượng sông bị ô nhiễm, tỉnh Nghệ An đã đặt một điểm quan trắc tại cầu Nậm Tôn, thị trấn Quỳ Hợp để theo dõi sự thay đổi về môi trường tại khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản. Mỗi năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ thực hiện quan trắc nguồn nước mặt 6 lần, riêng trầm tích quan trắc 2 lần/năm (từ năm 2021). Theo kết quả quan trắc, trong 5 năm trở lại đây, chỉ số TSS (chất rắn lơ lửng) trên sông Nậm Tôn đều vượt ngưỡng cho phép và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, có thời điểm chỉ số này vượt ngưỡng cho phép hơn 26 lần. Nguy hiểm hơn, mẫu trầm tích được cơ quan chức năng kết luận có hàm lượng Asen vượt hơn 9 lần, hàm lượng thủy ngân vượt 1,01 lần.

Theo ông Lê Sỹ Hào- Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp, trường hợp khi kết quả quan trắc có dấu hiệu khác thường thì Sở TN&MT mới gửi kết quả cho địa phương còn từ trước đến nay địa phương không nhận được bất kỳ một kết quả quan trắc ô nhiễm nào. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước này vào sản xuất, sinh hoạt.

Để làm rõ nguyên nhân và xử lý tình trạng gây nước đục ra sông Nậm Tôn, UBND huyện Quỳ Hợp đã nhiều lần làm việc với UBND các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành, Liên Hợp. Tuy nhiên qua kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác quặng thiếc theo hình thức lộ thiên thì không phát hiện ra tình trạng xả nước thải đục ra sông Nậm Tôn. Riêng đối với các đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức hầm lò, báo cáo đánh giá tác động môi trường có nhiều nội dung phức tạp, UBND huyện không có đủ phương tiện kỹ thuật và chuyên môn để kiểm tra các tổ chức khai thác quặng thiếc hầm lò. Mặt khác, các vị trí khai thác thiếc hầm lò có các hang caster chảy xuyên qua nhiều dãy núi đá sau đó mới chảy ra sông Nậm Tôn nên rất khó khăn trong việc xác định nguồn thải gây ô nhiễm.

Dòng sông Nậm Tôn bị ô nhiễm hàng chục năm nay trong khi hàng ngày, hàng giờ người dân phải sinh sống, sinh hoạt, sản xuất bên cạnh dòng sông. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần nhanh chóng vào cuộc,xác định nguyên nhân gây ô nhiễm và công bố các chỉ số quan trắc để người dân bớt hoang mang.

Dương Hóa